Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Vé máy bay: Khó tránh tăng giá

 Cập nhật lúc 07:50
  

Trong khi các hãng hàng không được giảm chi phí khai thác để kéo khách đến sân bay thì lệ phí đánh trực tiếp vào hành khách lại tăng

Từ ngày 1-10 tới, hành khách đi máy bay phải trả nhiều tiền hơn so với mức hiện hành do Bộ Tài chính vừa có quy định mới về  mức giá, khung giá một số dịch vụ hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.
Tăng lệ phí sân bay
Theo Quyết định 1992/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, khung giá một số dịch vụ hàng không tại các sân bay được phép tăng so với mức hiện hành.

Tăng phí có thể dẫn đến tăng giá vé hàng không. Trong ảnh: Hành khách làm thủ tục ở sân bay Nội Bài 
Tăng phí có thể dẫn đến tăng giá vé hàng không. Trong ảnh: Hành khách làm thủ tục ở sân bay Nội Bài
Cụ thể, giá phục vụ hành khách (còn gọi là phí sân bay, do các hãng hàng không thu hộ cảng hàng không trong giá vé) tại sân bay nhóm A gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Đà Nẵng, Cát Bi... sẽ tăng từ 60.000 đồng lên 70.000 đồng/người. Đối với các sân bay nhóm B như: Phù Cát, Cà Mau, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Tuy Hòa, Đồng Hới... giá phục vụ hành khách sẽ tăng từ 50.000 đồng lên 60.000 đồng/người.
Đối với khách bay quốc tế, lệ phí sân bay về cơ bản là không điều chỉnh, vẫn giữ ở mức 8-20 USD/hành khách tùy sân bay. Riêng nhà ga T2 Nội Bài được phép thu 25 USD/hành khách từ khi đi vào hoạt động, dự kiến vào cuối năm nay.
Về giá soi chiếu an ninh hành khách, hành lý, Bộ Tài chính cho phép thay đổi phương thức thu tính theo hành khách thay vì theo chuyến bay và loại máy bay như hiện hành. Ví dụ, hiện mỗi chuyến bay quốc tế phải trả từ 30-110 USD, tùy loại máy bay nhưng từ ngày 1-10 sẽ thu 32.000 đồng/hành khách (1,5 USD). Mức thu của chuyến bay nội địa là 10.000 đồng/hành khách, qua cửa ưu tiên là 20.000 đồng/hành khách. Riêng giá soi chiếu an ninh hàng hóa tăng 10% so với mức thu hiện hành (15-17 USD/tấn).
“Đánh” vào hành khách
Lý giải về sự thay đổi này, đại diện Cảng Hàng không Nội Bài cho biết trong giá mới có tính cả chi phí cho các dịch vụ bổ sung, như: soi chiếu bảo vệ máy bay, soi chiếu an ninh khách chậm, hủy chuyến, quản lý giám sát khách bị từ chối nhập cảnh và dịch vụ nhận dạng hành khách trước khi lên máy bay.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện các hãng hàng không cho biết mức tăng giá một số dịch vụ theo Quyết định 1992 chủ yếu là phần thu trực tiếp của hành khách. Số tiền này được tính vào giá vé để hãng thu hộ cho các sân bay. Tùy thuộc vào cách kinh doanh, xây dựng chính sách giá của mỗi hãng mà việc tăng giá nêu trên ảnh hưởng nhiều hay ít đến chi phí của các hãng hàng không.
Về phía hành khách, đương nhiên là họ phải trả tiền nhiều hơn khi mua vé máy bay vì phí tăng thì giá bán đến hành khách cũng phải tăng theo. “Tất cả các khoản lệ phí sân bay tăng thêm và thay đổi cách tính phí soi chiếu an ninh sẽ được cộng vào giá vé máy bay, lại áp dụng từ lịch bay mùa đông -  thời điểm các hãng hàng không vắng khách, giảm tần suất bay. Do đó, giá vé trên nhiều chặng bay nội địa, quốc tế có thể sẽ phải điều chỉnh tăng” - đại diện một hãng hàng không cho biết.
Các hãng hàng không cũng băn khoăn xu hướng điều chỉnh giá trong thời điểm hiện tại có thể gây khó khăn cho người tiêu dùng. Hiện nay, vé máy bay nội địa được quản lý bởi giá trần do Bộ Tài chính ban hành nhưng các hãng hàng không đang phải tiết kiệm chi phí tối đa để đưa ra nhiều mức giá thấp, tăng cơ hội bay cho người dân. Để hấp dẫn người tiêu dùng, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang có chính sách giảm tới 50% giá dịch vụ tại một số sân bay ít khách.
“Tăng lệ phí sân bay là đánh trực tiếp vào người tiêu dùng. Tăng giá nhưng chất lượng dịch vụ và trang thiết bị tại các sân bay có được cải thiện hay không là vấn đề chưa được làm rõ” - lãnh đạo một hãng hàng không đặt vấn đề. 

Vé Tết Hà Nội - TP HCM trên 3 triệu đồng/lượt
Dự báo, Tết Ất Mùi 2015, tải cung ứng của hàng không sẽ tăng mạnh. Vì vậy, các hãng đã bán vé Tết với số lượng khá lớn. Jetstar Pacific Airlines (JPA) là hãng đầu tiên mở bán vé Tết từ tháng 7 với số lượng không hạn chế. JPA cho biết Tết Ất Mùi rơi vào cuối tháng 2-2015 nên có thể phải đến tháng hết năm 2014, sức mua mới tăng đáng kể. “Dự kiến, JPA có 10 máy bay phục vụ mùa cao điểm Tết. Tùy thuộc vào thị trường, hãng sẽ mở bán lượng vé phù hợp. Năm nay, tình trạng đầu cơ vé của các đại lý cũng giảm do cung tăng khá mạnh” -  đại diện JPA cho biết.
Trong đợt mở bán vé Tết đầu tiên từ đầu tháng 9, VietJet đã tung ra 360.000 chỗ trên cả 14 đường bay nội địa đang khai thác. Giá bán chặng bay TP HCM - Hà Nội ngày 24 Tết có các mức từ 3,184-3,624 triệu đồng/vé (đã bao gồm thuế, phí). Cùng ngày, giá vé của JPA là 3,015-3,175 triệu đồng/vé.
Thông thường, vào các dịp Tết, tải cung ứng của các hãng hàng không tăng trung bình 20% so với lịch bay thường lệ. Tết năm nay, tải cung ứng tăng mạnh hơn do đội bay của các hãng được bổ sung đáng kể trong khi sức mua của người dân tăng thấp vì kinh tế khó khăn nên các hãng phải mở bán vé sớm. 
(Theo Người LĐ) Tô Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét