Vụ Quản lý thị
trường Hà Nội bị kiện: Đổ thừa... báo chí
Cập nhật lúc 09:14
Công ty Mạnh
Cầm khó chứng minh được lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường TP Hà Nội gây
thiệt hại cho mình khi chỉ dựa vào những thông tin trên báo chí
Chiều
23-9, Tòa Hành chính TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn
là Công ty TNHH Mạnh Cầm và bị đơn là ông Vương Trí Dũng, Phó Chi cục trưởng
Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.
Đòi bồi thường hơn 1,2 tỉ đồng
Theo luật sư Nguyễn Thị Sinh, đại diện Công ty Mạnh Cầm,
công ty này khởi kiện về quyết định hành chính và hành vi hành chính của ông
Vương Trí Dũng. Cụ thể, ngày 21-2-2013, Đội QLTT số 12 - Chi cục QLTT Hà Nội kiểm
tra một số nội dung về hoạt động kinh doanh của Mạnh Cầm. Do vi phạm về nhãn
phụ, niêm yết giá sai quy định cùng nghi vấn về hàm lượng kali không như công
bố, Đội QLTT số 12 đã niêm phong và tạm giữ toàn bộ lô hàng sữa dê Danlait
gồm 5.600 lon của công ty. Đến ngày 14-5-2013, Chi cục QLTT Hà Nội ra quyết
định xử phạt doanh nghiệp (DN) về lỗi ghi sai nhãn phụ hàng hóa.
Đại diện Công ty
Mạnh Cầm tại tòa
Đại
diện nguyên đơn cho biết trước khi ra quyết định xử phạt, dù chưa có kết quả kiểm
tra về chất lượng sản phẩm nhưng ngày 2-4-2013, ông Dũng đã phát biểu với báo
chí rằng sữa dê Danlait không đạt chất lượng (không đủ 34% độ đạm). Đến khi
có kết quả kiểm tra của Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia (ATTPQG)
- Bộ Y tế rằng sữa này đạt chất lượng, Chi cục QLTT Hà Nội cũng không thông
báo cho DN và báo chí mà ém nhẹm suốt hơn 3 tháng. Mặt khác, hàng hóa của
công ty bị Đội QLTT số 12 thu giữ về để trong kho trong điều kiện bảo quản
không bảo đảm nên bị ẩm mốc, bao bì rách nát. Vì vậy, khi nhận hàng về, DN
không thể bán những sản phẩm này, bị khách hàng “tẩy chay”...
Trong đơn khởi kiện, Công ty Mạnh Cầm đề nghị TAND TP Hà
Nội buộc ông Vương Trí Dũng phải xin lỗi DN về việc cung cấp thông tin không
đúng sự thật cho báo chí, hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính và bồi thường
hơn 1,2 tỉ đồng.
Tại phiên tòa, đại diện Công ty Mạnh Cầm xin thay đổi yêu
cầu xin lỗi việc đăng tin không đúng sự thật. Thay vào đó, Chi cục QLTT Hà
Nội, đặc biệt là ông Vương Trí Dũng, phải có văn bản thông báo cho báo chí
rằng sản phẩm sữa Danlait của công ty nhập khẩu là đạt chất lượng theo quy định.
Hư hại, thiệt hại “chưa rõ ràng”
Tại tòa, ông Trịnh Quang Đức, đại diện Chi cục QLTT Hà
Nội, cho rằng việc làm của Đội QLTT số 12 là đúng. Theo ông Đức, tại thời
điểm kiểm tra, Công ty Mạnh Cầm đã có sai phạm về ghi nhãn hàng hóa (tờ khai
ghi là “sữa” nhưng trên bản công bố chất lượng ghi “sản phẩm bổ sung”) và niêm
yết giá (hóa đơn GTGT xuất bán cho khách hàng ngày 17-1 có giá sau thuế
115.000 đồng song niêm yết giá 400.000 đồng và 410.000 đồng) nên Đội QLTT số
12 quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn. Về việc Chi cục QLTT Hà Nội giữ
sữa tới 3 tháng là vì chờ kết quả kiểm định. Chi cục đã thông báo 3 lần mời
Công ty Mạnh Cầm lên làm việc để thông báo kết quả nhưng DN không đến.
Về việc Mạnh Cầm cho rằng Chi cục QLTT Hà Nội đã họp báo
và ông Dũng cung cấp thông tin không đúng bản chất với báo chí làm ảnh hưởng
tới công ty, ông Đức khẳng định cơ quan này không tổ chức họp báo mà chỉ tham
gia buổi họp báo của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ngày 2-4-2013. Tại đây,
ông Dũng đã trả lời về vụ của Công ty Mạnh Cầm và chỉ nêu thông tin: Qua kiểm
tra chất lượng đạt yêu cầu song vi phạm về nhãn hàng hóa, có dấu hiệu vi phạm
về thuế; đang kiểm tra, sẽ thông báo sau...
HĐXX hỏi đại diện Công ty Mạnh Cầm căn cứ để khẳng định
ông Dũng cung cấp thông tin không đúng cho báo chí. Luật sư Sinh nói: “Đó là
những nội dung bài báo ra hôm sau”. Khi vị chủ tọa vặn: “Có trích dẫn trực tiếp
không? Ngoài các bài báo còn căn cứ nào khác không?” thì đại diện Công ty
Mạnh Cầm không trả lời được. “Nếu không chứng minh ông Dũng nói sai bằng các
căn cứ cụ thể mà chỉ dựa vào việc báo chí đưa tin thì phải xem lại báo chí,
tại sao lại quy trách nhiệm cho ông Dũng?” - chủ tọa phiên tòa nói.
Đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cũng không chấp nhận bồi
thường thiệt hại theo yêu cầu của Công ty Mạnh Cầm vì cho rằng hạn sử dụng
sữa vẫn còn tới năm 2015, các hư hại do bảo quản không chứng minh rõ ràng,
thiệt hại về thương hiệu cũng chưa làm rõ.
Sáng nay (24-9), vụ kiện này tiếp tục với phần tranh luận.
Báo chí bị tòa làm khó
Phiên tòa tiến hành muộn 1 giờ so với dự kiến vì chủ
tọa bất ngờ cấm báo chí tác nghiệp với các trường hợp “có thẻ nhà báo nhưng
không có giấy giới thiệu hoặc có giấy giới thiệu mà không có thẻ nhà báo”.
Sau khi bị các phóng viên phản ứng, chủ tọa mới đồng ý cho phóng viên ngồi dự
mà không được chụp ảnh, ghi âm, nếu không sẽ yêu cầu bảo vệ đưa ra khỏi phiên
tòa.
(Theo Người LĐ) Nguyễn Quyết
|
Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét