Mỹ có thể sớm bán
vũ khí cho Việt Nam
Cập nhật lúc
09:58
Nhiều khả năng máy bay trinh
sát P3 không trang bị vũ khí nằm trong số các thiết bị quân sự đầu tiên Mỹ
bán cho Việt Nam...
Máy bay trinh sát P3.
Washington đang tiến gần hơn tới
việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đối phó với
những thách thức về hải quân đang tăng lên.
Hãng tin
Reuters dẫn lời các quan chức cấp cao thạo tin của Mỹ cho biết, Washington muốn hỗ trợ Việt Nam
bằng cách tăng cường khả năng giám sát và bảo vệ bờ biển của Việt Nam. Nhiều
khả năng loại máy bay trinh sát P3 không trang bị vũ khí sẽ nằm trong số
những trang thiết bị quân sự đầu tiên Mỹ bán cho Việt Nam.
Các quan chức chính phủ Mỹ xem việc bán thiết bị trinh sát hàng hải là một sự
khởi đầu tốt cho chương mới trong quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam, và coi máy
bay P3 là "một sự lựa chọn hợp lý", một nguồn tin cho hay. Loại máy
bay trinh sát này có thể giúp Việt Nam theo dõi được những diễn biến
trên khu vực biển Đông.
Theo hai quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, những cuộc thảo luận về việc
nới lỏng cấm vận vũ khí với Việt Nam đang diễn ra ở Washington, và rất có thể
một quyết định sẽ được đưa ra vào cuối năm nay.
"Bầu không khí đang thay đổi, và đó là điều mà chúng tôi đang xem xét
một cách nghiêm túc", một trong hai quan chức cấp cao trên cho biết, với
điều kiện giấu tên. "Điều mà chúng tôi tìm được là một đối tác mà tại đó
cũng bao gồm những quyền lợi của chúng tôi", quan chức này nói thêm.
Theo hãng tin Reuters, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là động thái tiếp theo, sau khi hai nước
Mỹ và Việt Nam
đã từng bước nối lại quan hệ trong vòng hơn hai thập niên qua. Hai bên đã
tiến hành hàng loạt chuyến thăm ngoại giao và quân sự ở cấp cao trong những
tháng gần đây.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi hè năm nay, Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain nói
sẽ cùng Thượng nghị sỹ Sheldon Witehouse đề nghị Quốc hội Mỹ sớm bỏ lệnh cấm
bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Hai ông John McCain và Sheldon Witehouse
mong muốn hai nước thắt chặt hợp tác, đặc biệt là về an ninh, quốc phòng.
Chỉ 6 ngày sau chuyến thăm trên, Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng
Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, đã tới Việt Nam. Phát biểu tại Hà Nội, ông
Dempsey nói, mặc dù có nhiều sự kiện, nhiều nơi quan trọng trên thế giới muốn
lôi kéo sự chú ý, muốn ông đến thăm, nhưng Việt Nam là một ưu tiên hàng đầu
của ông.
Vị tướng Mỹ cho biết cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Chuck Hagel đều nói với ông là nhất định phải đến thăm Việt Nam.
"Điều này cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam như thế nào", Chủ tịch
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nói.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của đoàn Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên
quân Mỹ đến Việt Nam
kể từ năm 1975.
Cũng theo hãng tin Reuters, mới tuần trước, Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Đô đốc
Nguyễn Văn Hiến đã tới thăm Mỹ và thảo luận về diễn tập hải quân chung với Bộ
trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus.
Còn theo kế hoạch, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm
Bình Minh, sẽ đi thăm Mỹ vào đầu tháng 10 để tiến hành hội đàm với Ngoại
trưởng Mỹ John Kerry. Và trước khi kết thúc năm 2014 này, Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ có chuyến thăm Việt Nam.
Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái
Bình Dương, từng đưa ra nhận xét cho rằng, vị trí chiến lược của Việt Nam là một lý
do tốt để hợp tác khăng khít hơn với Hà Nội và việc nới lỏng lệnh cấm vũ khí
"không phải là một điều xấu".
Hai quan chức điều hành cấp cao trong ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ nói với
hãng tin Reuters rằng, họ dự kiến Chính phủ Mỹ sẽ sớm gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ
khí với Việt Nam.
"Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về việc cho phép bán vũ khí cho Việt Nam. Đó là
một khu vực đầy hứa hẹn với chúng tôi", một trong hai quan chức này nói.
Hãng tin Reuters cho biết, hiện Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa đưa ra bất cứ bình luận
nào về vấn đề nêu trên. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từ chối xác nhận
liệu Việt Nam có đề nghị chính thức mua các máy bay trinh sát P3 của Mỹ hay
không.
(Theo
VnEconomy) Tâm Anh
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét