Mọi phương án đều tìm
cách giảm lương hưu
Cập nhật lúc 08:21
Tuổi nghỉ hưu, cách tính lương cho
người nghỉ hưu như thế nào nóng trở lại tại phiên họp ngày 26/9 của của Ủy
ban Các vấn đề xã hội, khi mà Ban soạn thảo Dự luật Bảo hiểm xã hội đưa ra 2
phương án: Rút xuống khoảng 10%.
Người lao động sẽ bị thiệt với cách tính lương hưu mới -
đó không chỉ là ý kiến của Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) mà là
của nhiều vị ĐBQH, cũng như với xã hội nói chung. Vấn đề tuổi nghỉ hưu, cách
tính lương cho người nghỉ hưu như thế nào nóng trở lại tại phiên họp sáng 26/9
của Ủy ban Các vấn đề xã hội, khi mà Ban soạn thảo Dự luật Bảo hiểm xã hội
đưa ra 2 phương án tính lương hưu hàng tháng: Rút xuống khoảng 10%.
1. Theo Ban soạn thảo thì thay vì cách tính lương hưu hiện
nay (nói dễ hiểu là sau khi đóng bảo hiểm đúng pháp luật hiện hành, người
nghỉ hưu sẽ được hưởng 75% lương cơ bản mỗi tháng) - thì sẽ "lên kế
hoạch” tính cách trả lương hưu mới. Theo đó, có 2 phương án để chọn lấy 1.
Phương án một, từ năm 2018, mức lương hưu tính bằng 45%
mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng
của lao động nữ và 20 năm của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động
được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Phương án hai là số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với
45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào
năm 2018 là 16 năm; mỗi năm sau tăng thêm một năm và từ 2022 là 20 năm. Sau
đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% với nam và 3% với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Cả hai phương án này đều nhắm tới việc rút bớt lương hưu
của người lao động khoảng 10%.
Một câu hỏi đặt ra: Phương án trả lương hưu hiện thời (75%
lương cơ bản) vì sao phải loại bỏ? có phải do người nhận lương hưu được hưởng
lợi quá nhiều hay là do Quỹ BHXH sẽ vỡ? Tiếp đó, 2 phương án mới nếu được
chọn áp dụng, theo hướng giảm lương hưu 10% thì ai được lợi? người về hưu, nhà
nước hay BHXH?
Và, vì sao lại chỉ có 2 phương án mà không có phương án 3,
phương án 4, phương án 5? để thêm sự lựa chọn nhằm có được giải pháp tối ưu.
Vì sao chỉ có phương án giảm (so với hiện hành) mà không có phương án tăng,
trong khi suốt những năm qua đa số các đối tượng nhận chế độ lương hưu đều
coi là quá khó sống, nhất là trong hoàn cảnh giá cả leo thang.
Dư luận xã hội nóng lên, cho thấy việc trả lương hưu thế
nào là vấn đề hệ trọng, liên quan đến rất nhiều người. Theo bà Đặng Thị Kim
Chi (ĐBQH tỉnh Phú Yên) thì với 2 phương án được đề xuất sẽ dẫn tới việc cả
lao động nam và lao động nữ đều thiệt. Theo phương án một, nam tham gia 30
năm thì được hưởng 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội,
nữ cũng thế. Nhưng nếu theo cách tính hiện hành thì cả nam và nữ với 30 năm
công tác đều được hưởng 75%. Như vậy, nếu nghỉ hưu từ ngày 1-1-2018 thì người
lao động sẽ mất 10%. Còn nếu thực hiện theo phương án 2, đến năm 2018 mức
hưởng của nam và nữ là 73%; năm 2022 của nam là 65% và nữ là khoảng 60-61%.
Sau khi phân tích, bà Chi đặt vấn đề: Vì sao Ban soạn thảo
chỉ so sánh 2 phương án để lựa chọn phương án 1 mà không so với quy định hiện
hành. Nếu áp dụng từ năm 2018 thì theo bà Chi, bản thân bà đóng BHXH 30 tuy
chưa tham gia mức tiền lương đóng mới, nhưng lại bị giảm mức hưởng. Đó là
điều vô lý.
Vẫn theo bà Chi, vì thế vẫn cần giữ nguyên cách tính như
hiện tại, khoảng 5 năm sau khi áp dụng mức tiền lương mới làm căn cứ đóng
BHXH thì khi đó thay đổi cách tính lương hưu mới hợp lý.
Ý kiến của bà Chi không đơn độc, trong đó đáng chú ý là ý
kiến ủng hộ của ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt
Còn ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội
của QH nhận xét, dù tính cách gì (theo 2 phương án Ban soạn thảo đưa ra) thì
người lao động vẫn bị giảm lương hưu, đặc biệt là lao động nữ vì không tăng
tuổi nghỉ hưu lên 60. Tương tự, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân thừa
nhận, với cách tính lương hưu mới, phương án nào cũng làm giảm lương, gây sốc.
Cũng về việc lương hưu, một nội dung nữa đã được sự quan
tâm của dư luận rộng rãi, đó là việc tính bình quân lương hàng tháng để tính
lương hưu. Khu vực kinh tế tư nhân đang thực hiện quy định tính bình quân
tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu, việc này có nên áp dụng với
người lao động thuộc khu vực công? Vì thế có 2 phương án: Thứ nhất, tính bình
quân 15 năm cuối từ khi luật có hiệu lực thi hành 1-7-2015 đến 31-12-2019; từ
1-1-2020 đến 31-12-2024 tính bình quân của 20 năm cuối; từ 1-1-2025 trở đi
tính bình quân của toàn bộ thời gian. Phương án hai, Chính phủ cho rằng tính
bình quân lương tháng toàn bộ thời gian từ 1-1-2018.
Nhận xét, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các
vấn đề xã hội, thừa nhận: "Có vẻ Quốc hội bảo vệ người làm công ăn lương
của nhà nước nhiều quá. Chúng ta phải nghĩ làm sao cho công bằng, cái này nên
suy nghĩ để tháo gỡ”.
2. Trước đó, ngày 13-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã
thảo luận về một số vấn đề lớn trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên UBTVQH đồng tình
với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH đối với người lao động làm việc theo
hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng
đến dưới 3 tháng. Việc bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã,
phường và thị trấn (gọi chung là cấp xã) tham gia BHXH bắt buộc, theo Trưởng
Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền thì "Nhiều cán bộ mang tiếng bán chuyên
trách nhưng thực chất làm cả ngày. Họ chỉ có phụ cấp, không có lương và ở
vùng sâu, vùng xa thậm chí ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Khi xây dựng luật
về chính quyền địa phương chúng ta cũng phải tính thêm việc này”.
Trong phiên họp này, 2 phương án lương hưu cũng đã được
đưa ra xin ý kiến UBTVQH. Tuy thế, lúc đó vẫn chỉ là "rập rạp” nên sức
nóng của vấn đề chưa cao, mà dư luận lại chú ý nhiều hơn đến việc tăng hay
không tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Theo đó, đáng chú ý, dự thảo mới nhất
trình UBTVQH trong buổi sáng 13-8 đã không còn đề xuất tăng dần tuổi nghỉ hưu
từ năm 2016 cho đến khi nữ 60 và nam 62 tuổi. Mà tuổi nghỉ hưu vẫn giữ nguyên
như quy định hiện hành: 60 với nam và nữ 55 như quy định tại Bộ luật Lao động.
Tiếp tục, ngày 6- 9, tại hội thảo Chính sách bảo hiểm hưu
trí và các khuyến nghị sửa đổi Luật BHXH do Ủy ban về các vấn đề xã hội của
QH phối hợp với Ủy ban Tài chính ngân sách của QH cũng đã bàn về hai phương
án tăng tuổi nghỉ hưu của các đối tượng tham gia BHXH. Con số cho biết, hiện
cả nước với dân số ước đạt khoảng 90 triệu người, tuy là quốc gia có thu nhập
trung bình nhưng trên thực tế mới thoát nghèo, vì thế để bảo đảm cuộc sống
cho người nghỉ hưu, cân đối Quỹ BHXH, thì cần có phương án mới quy định lộ trình
tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng. Phương án 1: Từ năm 2016 trở
đi, tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ công chức viên chức cứ 3 năm tăng lên một
tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ. Từ năm 2020 trở đi, các
đối tượng còn lại cứ 3 năm tăng lên một tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với
cả nam và nữ.
Phương án 2, từ năm 2016 trở đi, cán bộ công chức viên
chức cứ 3năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi
đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại cứ 3 năm tăng lên một
tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Nhắc lại, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã được đưa vào chương
trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII, dự kiến sẽ trình Quốc hội
cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2014) và thông qua vào kỳ họp thứ 8
(cuối năm 2014).
Vấn đề ở đây là sự lúng túng khi đối diện với vấn đề kéo
dài tuổi nghỉ hưu hay không, kéo dài với nữ hay kéo dài với cả nam lẫn nữ.
Điều đó lại gắn rất chặt với Quỹ BHXH, có nghĩa là gắn với đồng lương hưu của
người lao động.
3. Ngay sau khi 2 phương án "rút” lương hưu do Ban
soạn thảo đưa ra, trên các địa chỉ mạng xuất hiện nhiều ý kiến. Trong đó,
tuyệt đại đa số lấy làm ngạc nhiên khi thấy lương hưu vốn đã còm lại rất có thể
bị rút xuống một cách đáng kể. Có thể dẫn ra một số ý kiến:
- Cả thế giới ngày càng tiến bộ hơn văn minh hơn, con
người được quan tâm coi trọng nhân quyền hơn. Vậy có lí nào lại nghiên cứu đề
ra những văn bản làm thiệt hại cho người dân lao động như vậy.
- Thay vì bắt buộc phải đóng bảo hiểm thì cho người lao
động được lựa chọn tham gia hay không. Số tiền doanh nghiệp phải đóng cho
người lao động sẽ do 2 bên thoả thuận với nhau. Tôi làm việc tới 60 tuổi, khi
về hưu thì lương hưu được 1,8 triệu. Tính ra được 60 bát phở.
- Tôi là giáo viên, suốt đời làm việc chăm chỉ, thu nhập
thấp, nhưng vẫn gắn bó với nghề từ năm 1987 đến giờ. Ước nguyện duy nhất là
khi về hưu có thể sống đạm bạc được bằng lương hưu. Cách tính mới như thế này
làm tôi thấy quá nản lòng, lo lắng cho mình khi về già, nhất là lúc ốm đau.
-BHXH cũng là một hình thức kinh doanh, mà kinh doanh thì
phải có thỏa thuận 2 bên đồng ý, không phải ông muốn thế nào người mua cũng
phải theo. Nếu muốn thay đổi, nhất trí, nhưng chỉ được áp dụng với những
người bắt đầu tham gia từ khi áp dụng luật mới. Còn những người đã tham gia
từ trước đó thì chế độ hưởng vẫn phải như cũ.
-Dù làm trong công chức, doanh nghiệp nhà nước hay doanh
nghiệp ngoài quốc doanh đều là người lao động cùng nhau xây dựng đất nước
này. Tôi đề nghị các nhà hoạch định chính sách không nên phân biệt giữa lao
động trong lĩnh vực nhà nước và doanh nghiệp ngoài quốc doanh từ đó đưa ra
chính sách chế độ thiếu hợp lý. Người lao động ngoài quốc doanh rất thiệt
thòi. Các công ty ngoài quốc doanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển
kinh tế đất nước cũng như đóng góp thuế của nhà nước nhưng chế độ của những
người lao động ở đây lại không được chú trọng.
Theo ĐĐK
|
Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét