Đi đón
vợ bỗng thành kẻ cướp?
Cập nhật lúc 15:33
(PL)-
Bị cáo là một đảng viên, bí thư chi đoàn, ra tòa khai đội nón bảo hiểm do
Huyện đoàn tặng để đi đón vợ, không ngờ bị nhầm tưởng và quy tội cướp giật.
Mới đây, TAND quận Bình Thạnh (TP.HCM) đưa vụ án Bùi Minh Lý cướp
giật tài sản ra xử sơ thẩm. Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho Lý
đưa ra nhiều tình tiết khá thuyết phục chứng minh bị cáo không có dấu hiệu
phạm tội. Sau đó tòa đã hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên
Bùi Minh Lý là bí thư chi đoàn xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc,
Long An, là đảng viên, từng giữ chức chỉ huy phó Ban chỉ huy Quân sự xã Đông
Thạnh. Năm 2013, Lý lập gia đình. Do vợ Lý đang làm việc ở TP.HCM nên mỗi
tuần một lần Lý chạy xe từ Long An lên đón vợ về nhà. Như thường lệ, tối 9-1,
Lý chạy xe lên Sài Gòn đón vợ về. Không ngờ hôm ấy có một vụ cướp xảy ra tại
quận Bình Thạnh và vô tình Lý bị kéo vào vòng tù tội.
Hồ sơ vụ án thể hiện lúc ấy chị NTT đang nấu tiệc tất niên cho tổ
dân phố tại phường 25, quận Bình Thạnh. Trong lúc chị T. đang bưng thức ăn ra
bàn rồi định vào bưng tiếp thì bị một nam thanh niên đến áp sát, một tay lái
xe, tay kia giật sợi dây chuyền chị đang đeo trên cổ. Dùng tay chụp lại sợi
dây chuyền không được, chị T. tri hô: “Cướp, cướp, cướp, nó giật dây chuyền”.
Tên cướp rồ ga bỏ chạy.
Đang ngồi trong bữa tiệc, nghe tri hô, chồng chị T. và anh
L.Đ.Th. lấy xe đuổi bắt tên cướp. Lúc hai người đến chùa Bảo Minh (trên đường
Xô Viết Nghệ Tĩnh) thì thấy Lý đang chạy xe trên đường nên ép xe Lý vào rồi
xông vào đánh Lý. Do bị đánh tới tấp, Lý dùng cây roi điện mang theo đánh trả
thì bị chồng chị T. giật lại đánh vào đầu làm chiếc roi điện bị gãy. Sau đó
hai người khống chế đưa Lý về nhà rồi gọi cho tổ trưởng dân phố và công an
đến làm việc. Thế là Lý bị quy buộc là “tác giả” của vụ cướp.
Trong cáo trạng, lời khai của chị T. thể hiện trong lúc chồng chị
và anh Th. đuổi bắt cướp thì phát hiện sợi dây chuyền bị đứt rơi xuống đúng
nơi mình bị giật. Và trong lúc bị giật, chị đứng mặt đối mặt với tên cướp nên
khi nhìn Lý chị xác nhận đó đúng là thủ phạm.
Một nhân chứng khác (là người giữ xe cho khách trong bữa tiệc)
cũng khai lúc xảy ra vụ cướp, đoạn đường này chỉ có một mình Lý là người lạ
chạy qua. (Phố Sài Gòn đông đúc, lời khai này vô tình gây bất lợi cho Lý!)
Tại cơ quan điều tra và tại tòa, Lý phủ nhận mình đã giật dây
chuyền và một hai khẳng định hôm đó mình chỉ đi đón vợ.
Bị cáo Bùi
Minh Lý và chiếc nón bảo hiểm có in huy hiệu Đoàn cùng kiểu nón mà bị cáo đã
đội trong ngày “đi cướp”. Ảnh: NGỌC THÂN
Nhiều tình tiết chưa rõ
Do trong phiên xử, người bị hại và những người làm chứng không có
mặt để đối chất nên tòa phải đọc hết các lời khai của họ tại cơ quan điều
tra. Theo đó, lúc thì chị T. khai sợi dây chuyền của mình bị tên cướp giật
đứt rơi ngay dưới chân mình, lúc lại khai nó rơi cách chỗ chị đứng 1 m. Lời
khai của những người làm chứng và người bị hại đều khẳng định lúc xảy ra vụ
việc và lúc bắt Lý về thì nhìn thấy hung thủ có đội chiếc nón bảo hiểm sẫm
màu. Một điều nữa, chị T. và những người làm chứng khẳng định khi vào giật
dây chuyền, tên cướp đi theo hướng từ Xô Viết Nghệ Tĩnh vào hẻm rồi đi ra
đoạn đường Ung Văn Khiêm, sau đó tiếp tục ra Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Nhưng theo lời khai của Lý tại tòa thì lúc chị T. bị cướp là lúc
bị cáo chạy xe từ Long An đến đón vợ đang làm nghề tóc tại một tiệm ở đường
Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh). “Khi đi, tôi đi từ đường Nguyễn Hữu
Cảnh qua Ung Văn Khiêm, qua đường D2 rồi ra Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tới đây bỗng
nhiên có hai người đàn ông áp sát vào tường rồi xông vào đánh, bắt tôi phải nhận
rằng mình chính là tên cướp” - Lý khai.
Theo Lý, lúc đi đón vợ do thời tiết cuối năm lạnh nên có đeo
chiếc khẩu trang cho ấm. “Lúc bị chồng chị T. và anh Th. đánh chảy máu, bị
cáo vẫn còn đeo chiếc khẩu trang, cho đến khi máu trên mặt chảy nhiều bị cáo
mới lấy ra lau rồi lại đeo vào”. Vợ bị cáo cũng khẳng định lúc gặp chồng tại
cơ quan công an thì thấy máu chảy nên có lấy chiếc khẩu trang lau nhưng đến
nay chiếc khẩu trang không rõ đã ở đâu.
Có ai đội nón đoàn đi cướp?
Lý khai: “Hôm ấy tôi không đội chiếc nón bảo hiểm sẫm màu như bị
hại khai mà đội chiếc nón bảo hiểm trắng có đường viền màu xanh do đại hội
đoàn trao tặng”.
Tòa hỏi: “Sao đi đón vợ bị cáo lại mang theo roi điện làm gì?”.
Lý trình bày chiếc roi điện là do một người ở quê cho mượn mà chưa trả được.
“Thấy bị cáo làm bí thư chi đoàn và bảo vệ trật tự trị an tại địa phương nên
một người anh có cái roi điện đưa cho dùng. Lúc đưa cái roi đã bị hư, bị cáo
mới sửa lại rồi dùng cho đến khi bị bắt. Nghĩ rằng mỗi lần đi đón vợ đến tận
khuya hai vợ chồng mới về đến nhà, đường vắng, sợ bị cướp giữa đường bị cáo
mới mang theo để phòng thân. Lúc thấy hai người đàn ông ép xe rồi nói: “Nó
kìa, nó kìa” rồi xuống xe đánh tới tấp vào mặt bị cáo chảy máu, bị cáo mới
đưa cây roi điện ra để chống cự”. Lý cũng khẳng định: “Nếu bị cáo đi cướp thì
khi bị đuổi, lẽ ra bị cáo phải chạy thật nhanh để thoát thân, đằng này bị
cáo chỉ chạy với tốc độ bình thường 40-50 km/giờ”.
Tòa hỏi những câu hỏi liên quan đến đường đi, ánh sáng đèn đường
để làm rõ vấn đề. Lý khai hoàn toàn ngược lại với lời khai của người bị hại
và nhân chứng. Luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM, bào chữa cho Lý)
đưa ra chiếc nón bảo hiểm màu trắng có đường viền xanh da trời nhạt, phía sau
có in hàng chữ “Đại hội Đoàn TNCS HCM huyện Cần Giuộc lần thứ IX nhiệm kỳ
2012-2017” do Huyện đoàn Cần Giuộc tặng (không bán ngoài thị trường). Luật sư
khẳng định từ lúc được tặng chiếc nón, lúc nào đi đường Lý cũng mang theo bên
mình. Hôm ấy, khi đi đón vợ, Lý cũng đội chiếc nón này.
Đến lúc này, tòa ra quyết định hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ
sung.
(Theo Pháp luật
TP HCM) NGỌC THÂN
|
Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét