Sự thật khó
tin ở các quán bar, vũ trường Hà Nội
Cập nhật lúc 13:01
(PetroTimes) -
Vụ cháy đêm 23-9 tại quán bar Luxury (153 Yên Phụ, Tây Hồ) một lần nữa gióng
lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ cháy nổ tại cơ sở kinh doanh các loại hình
dịch vụ giải trí quán bar, vũ trường...
Một sự thật khó tin nữa đó là: Hầu hết các quán bar, vũ
trường ở Hà Nội đang hoạt động “chui”, hoạt động “trá hình” dưới giấy phép
của các nhà hàng ăn uống.
Nơi vui chơi thành tử địa
Trong số 13 nạn nhân vụ cháy quán bar Luxury được đưa vào
Bệnh viện Xanh Pôn đêm 23-9, có tới 10 nạn nhân bị bỏng hô hấp nặng. Đây là
một trong những dạng bỏng đặc biệt, có tỷ lệ tử vong trên 50%.
Về tình trạng của các bệnh nhân này, bác sĩ Nguyễn Thống,
Trưởng khoa Bỏng (Bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội) nói: Các bệnh nhân được đưa
vào bệnh viện cấp cứu tuy vết thương ngoài da không đáng ngại nhưng bệnh viện
vẫn phải giữ lại điều trị vì có biểu hiện bỏng hô hấp, do hít phải quá nhiều
khí nóng, khí độc…
Bỏng hô hấp là dạng bỏng “khó tránh” tại những vụ cháy, nổ
bất thường, lại cực kỳ nguy hiểm. Bởi cháy nổ sản sinh nhiều chất độc có tên
CO, khi chất này xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra hiện tượng tranh chấp hồng
cầu, xâm lấn ôxy khiến nạn nhân nhanh chóng bị tê liệt thần kinh, dẫn đến tình
trạng tụt huyết áp, suy hô hấp rồi hôn mê.
Quán bar Luxury sau khi bị ngọn lửa thiêu rụi
Nguyên nhân là bởi thông thường những quán karaoke được
thiết kế theo kiểu bịt kín với nhiều nguyên vật liệu dễ bắt lửa như: mút xốp,
phông vải, tấm cách âm, cách nhiệt, ghế sofa… Các nguyên vật liệu này khi
cháy thường sinh nhiệt độ rất cao và chứa nhiều khí độc.
Nhận định về các vụ quán bar, vũ trường, karaoke, Đại tá,
PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn giám định dân sự, nguyên
Phó viện trưởng Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) nói: Chủ cơ sở kinh doanh thường
xuyên thay đổi kết cấu bên trong, cải tạo, sửa chữa, trang trí nội thất nhằm
thu hút khách hàng. Đây chính là nguyên nhân để hỏa hoạn bùng phát do không
tuân thủ các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu vui chơi,
giải trí. Khi xảy ra cháy sẽ khó có thể dập tắt hoặc thoát hiểm do cả căn nhà
gần như bị bịt kín hoàn toàn.
Luxury không phải là quán bar đầu tiên bị cháy. Chỉ riêng
khu vực Hà Nội, tính từ năm 2013 tới nay đã có nhiều vụ hỏa hoạn tại các cơ
sở vui chơi, giải trí gây thiệt hại nặng nề về người lẫn tài sản. Điển hình
là vụ cháy tại Zone 9 đã khiến 6 người tử vong do hít phải khí độc. Trước đó
không lâu, một vụ cháy ở quán karaoke Grand ở Xã Đàn, quận Đống Đa đã khiến
toàn bộ quán bị thiêu ra tro, rất may không có thiệt hại nào về người.
Gần đây nhất là vụ cháy xảy ra ở quán karaoke Nhật Thực
(43 Giảng Võ, Hà Nội) xảy ra vào ngày 3-5-2014. Vụ cháy đã thiêu rụi toàn bộ
tầng 1 quầy bar quán Nhật Thực, khiến 5 người thiệt mạng. Điều đó cho thấy,
mặc dù đã có rất nhiều những bài học nhãn tiền nhưng các vụ cháy vẫn xảy ra.
Nhưng vụ cháy nổ nào cũng giẫm phải “vết xe đổ” mà chưa có
biện pháp khắc phục. Cũng là bởi thiết kế chủ đạo tại các vũ trường, quán bar
ở xứ ta trên cơ sở “ăn xổi”, chỉ tính đến phục vụ thuận lợi trước mắt là cách
âm, cách nhiệt mà thiết kế toàn bộ các phòng bar chẳng khác gì các… lô cốt,
không hề tính đến những hậu họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đơn cử lối
thoát nạn hay cửa thoát hiểm là điều tối cần thiết tại các nhà hàng, quán
bar, câu lạc bộ… hay hộp đêm.
Ma trận khó lường
Trên địa bàn Hà Nội, chỉ tính riêng 2 quận Hoàn Kiếm và
Hai Bà Trưng đã có tổng cộng 140 cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí như vũ trường,
quán bar, karaoke. Trong đó có 6 địa điểm biểu diễn nghệ thuật, 37 câu lạc bộ
hoạt động theo hình thức quán bar và 97 cơ sở vui chơi giải trí (karaoke).
Giấy phép kinh doanh cho thấy, Luxury không hề được cấp phép hoạt động
bar, karaoke mà chỉ được kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng
Trong đợt điều tra của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy
(PCCC) Hà Nội đã phát hiện 400 vi phạm tại các cơ sở này, mà lỗi vi phạm
nhiều nhất là diện tích chật hẹp lên tới 80/140 cơ sở. Với hệ thống vũ
trường, quán bar chẳng khác gì… “ma trận” này thì việc quản lý, cũng như thực
trạng quản lý lại đang là vấn đề nan giải.
Trở lại vụ cháy quán bar Luxury, Thượng tá Nguyễn Hải
Triều, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng Long cho hay: Trước đây, đơn vị
đã cử đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC ở một số cơ sở, trong đó có
quán Luxury vào ngày 19-12-2013. Tổ công tác của Phòng Cảnh sát PCCC Bắc Thăng
Long phát hiện cơ sở này đã vi phạm quy định về công tác PCCC khi chỉ có một
lối thoát hiểm duy nhất, trang bị PCCC không đầy đủ theo đúng quy định của
pháp luật.
Tổ công tác đã xử phạt hành chính quán bar 4.200.000 đồng,
đồng thời yêu cầu cơ sở phải chấn chỉnh khắc phục... Thế nhưng, khắc phục chả
thấy đâu mà sự thật như đã thấy đêm 23-9 vừa qua, toàn bộ quán bar Luxury với
hai sàn kinh doanh khoảng 500m2/sàn đã bị thiêu rụi hoàn toàn.
Ai “nhắm mắt làm ngơ” cho quán bar?
Dù đã đi vào kinh doanh gần 1 năm nay, nhưng bar Luxury
chưa được cấp phép hoạt động quán bar, vũ trường.
Cụ thể trong Giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch
và Đầu tư Hà Nội cấp, quán bar Luxury do Công ty TNHH Kinh doanh Thương mại
và Đầu tư Tây Hồ đứng tên. Đơn vị này chỉ được phép hoạt động kinh doanh nhà hàng,
các dịch vụ ăn uống lưu động, cà phê ca nhạc, rượu bia, thuốc lá. Giấy đăng
ký kinh doanh nêu rõ “không bao gồm kinh doanh quán bar, phòng hát karaoke,
vũ trường...”. Như vậy, bar Luxury kinh doanh trái phép công khai trong một
thời gian dài. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao hơn một năm qua, chính quyền sở tại
và cơ quan chức năng không ra tay xử lý sai phạm này? Hoặc chăng đã “nhắm mắt
làm ngơ”?
Đây cũng là thực trạng chung của rất nhiều quán bar ở Hà
Nội. Thực tế thì xin được giấy phép để mở quán bar, vũ trường là rất khó, nên
họ thường hoạt động “trá hình” bằng giấy phép… kinh doanh ăn uống.
Giải thích về sự vụ này một lãnh đạo của Sở Cảnh sát PCCC
Hà Nội cho rằng: Các cơ quan chức năng và lực lượng PCCC đều đã kiểm tra định
kỳ đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, có xử phạt hành chính và
yêu cầu khắc phục vi phạm. Nên việc để xảy ra hỏa hoạn là do phía chủ cơ sở
kinh doanh không chịu tuân thủ đảm bảo nội quy PCCC, do đó chủ cơ sở phải
hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả đã xảy ra.
Chiểu theo lời giải thích này thì phải chăng cần xem xét
lại quy trình “kiểm tra định kỳ”, bởi sai phạm của Luxury đã diễn ra trong
một thời gian dài? Thêm nữa, tình trạng lộn xộn trong việc kinh doanh các
dịch vụ giải trí, gây hậu quả đáng tiếc như vừa qua nên chăng cũng từ sự quản
lý lỏng lẻo của cơ quan quản lý!
Thiết nghĩ, đã đến lúc cần có những chế tài xử phạt mạnh
tay hơn nữa đối với các cơ sở vi phạm. Tiến hành rà soát những vũ trường,
quán bar kinh doanh trái phép, kiên quyết loại bỏ các cơ sở không đủ tiêu
chuẩn về hạ tầng, cũng như thắt chặt việc quản lý về đảm bảo an toàn PCCC để tránh
việc này tái diễn. Về phía người dân nên chăng cũng xem lại cách lựa chọn các
tụ điểm giải trí đủ điều kiện đảm bảo an toàn.
Đồng thời trang bị cho mình những kiến thức về phòng chống
cháy nổ, sơ cấp cứu nạn nhân trong các vụ hỏa hoạn để có những biện pháp hỗ
trợ kịp thời. Bởi theo bác sĩ Nguyễn Thống (Khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn)
thì: “Chỉ tính riêng Bệnh viện Xanh Pôn, mỗi năm cũng tiếp nhận 3-4 nạn nhân của
các vụ hỏa hoạn. Nhưng phần đông các bệnh nhân được tiếp nhận đều không có
kiến thức sơ cấp cứu hoặc tự cứu mình trong hoàn cảnh rơi vào hỏa hoạn. Trong
khi đó, bỏng do cháy nổ thường đem đến những hậu quả rất nặng nề”.
(Theo Petrotimes) Cẩm Tú - Huyền Anh
|
Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét