Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Trung Quốc muốn thi hành “luật rừng” trên biển!

Cập nhật lúc 08:03

Với việc xây dựng căn cứ nổi ở biển Đông, Trung Quốc nhắm tới phá vỡ mọi ràng buộc của pháp luật quốc tế để tự tung tự tác. 


Các công trình phi pháp của Trung Quốc tại Gạc Ma - Ảnh: Asahi Shimbun
Trong thời gian gần đây, giới quan sát quốc tế và các nước trong khu vực liên tục bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc đang ngang nhiên tiến hành cải tạo đất và xây đảo nổi trên 6 bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của VN (Gạc Ma, Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa và Én Đất - NV). Như nhiều nhà phân tích đã chỉ ra, những hành động nói trên nhằm tạo “sự đã rồi” mới trên biển Đông để hợp thức hóa yêu sách đường lưỡi bò, đồng thời lập căn cứ triển khai các máy bay quân sự, tiến tới thiết lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên biển Đông…
Bên cạnh đó, nhận định với Thanh Niên, các chuyên gia còn chỉ ra một mưu đồ sâu xa khác là “đánh phủ đầu” phiên xử Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên biển Đông ra Tòa Trọng tài thường trực (PCA, trụ sở tại The Hague, Hà Lan), dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2015. Theo các chuyên gia, đây là toan tính nhằm gỡ bỏ mọi rào cản, luật lệ quốc tế ràng buộc tham vọng bá quyền của Trung Quốc. 
Phá vỡ hiện trạng
Ông Gregory Poling, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS - Mỹ), nói: “Các hình ảnh xây đảo nổi trên Gạc Ma do Philippines cung cấp và những bài báo gần đây của giới truyền thông cho thấy những hoạt động này đang được tiến hành rất nhanh chóng. Việc Bắc Kinh lựa chọn các đảo hay bãi đá ngầm - trùng với những đặc điểm Philippines đưa ra trong hồ sơ kiện Trung Quốc - để tiến hành các hoạt động này cho thấy đang có một chiến thuật nhằm “bóp chết” và vô hiệu hóa phiên tòa. Đúng là Trung Quốc đang cố tình tạo ra “sự đã rồi” mới, nhưng là nhằm mục đích gây khó, nếu không muốn nói là khiến cho phiên tòa không thể xác định được trạng thái ban đầu của những đảo hay bãi đá ngầm nói trên”. Ông Poling cảnh báo, đây là mối quan ngại không chỉ của các nước có tranh chấp trực tiếp như VN hay Philippines, mà của cả các nước lớn có liên quan khác như Mỹ hay Nhật. “Đây là một động thái gây cản trở quá trình tố tụng của một phiên tòa quốc tế, vi phạm luật pháp quốc tế và nằm trong chiến lược đường dài của Bắc Kinh nhằm hợp thức hóa bất kỳ hành động trong tương lai nào của mình mà bị coi là vi phạm các chuẩn mực và thỏa thuận quốc tế”, chuyên gia này kết luận. 
Nguy hiểm hơn vụ giàn khoan
Một hệ lụy cũng hết sức nguy hiểm khác của các hoạt động xây đảo nổi là sẽ khiến các nước khác khó lòng can thiệp mạnh mẽ do nhìn bề ngoài, tình hình “không căng thẳng” như vụ Trung Quốc hạ đặt phi pháp giàn khoan trong vùng biển VN hồi tháng 5.2014. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những động thái trên lại tiềm tàng mức độ nguy hiểm hơn cả vụ giàn khoan. Bà Tôn Vân, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm phản biện chính sách Stimson (Mỹ), nói: “Xây đảo nổi hay hạ đặt giàn khoan đều nằm trong chiến lược thôn tính biển Đông của Trung Quốc, nhưng hoạt động xây dựng như vậy lại tiềm ẩn nhiều hệ lụy nguy hiểm hơn. Đó là do các hoạt động cải tạo đất mang tính chất vĩnh viễn trong khi giàn khoan di động. Quy mô của các hoạt động cải tạo đất và xây đảo nổi cũng lớn hơn nhiều so với động thái hạ đặt giàn khoan. Cuối cùng là, trên đảo nổi có thể triển khai các hoạt động và căn cứ quân sự trong khi giàn khoan thì không thể”.
Theo bà Tôn Vân, trước những hệ lụy như trên, cả Mỹ và Nhật đều không thể im lặng. Bà nhận định: “Mỹ rất quan tâm tới các hoạt động cải tạo đất vì chính nước này đã đề xuất tạm ngừng các hoạt động xây dựng trên vùng biển tranh chấp. Mỹ quan ngại vì các hoạt động nói trên của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng và đe dọa ổn định trong khu vực, nhất là các mối nguy liên quan đến quân sự. Nhật Bản thì lại càng có những mối lo cụ thể và thiết thực hơn. Bất cứ hành động đơn phương nào của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng trên biển Đông cũng có thể tạo ra những tiền lệ nguy hiểm cho các hành động tiếp theo của nước này trên biển Hoa Đông, nơi đang có tranh chấp với Nhật”.
“Nhưng trên hết, các hoạt động xây dựng của Trung Quốc về cơ bản là vi phạm điều 5 trong Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông (DOC). Và do vậy, ASEAN trước tiên cần có phản ứng thống nhất với những động thái nói trên của Bắc Kinh”, bà Tôn Vân kết luận.
(Theo Thanh niên) An Điền
Tựa của  Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét