Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Chuyện chỉ có ở VN: Đương chức ký duyệt dự án - về hưu làm cho dự án!

Cập nhật lúc 09:05  

TT - Không có nước nào chấp nhận chuyện một quan chức hôm trước cấp phép cho một dự án rồi hôm sau về hưu đi làm cho dự án này trong cương vị điều hành cả. 


Các đơn vị thi công phần mái ở cửa phía bắc đường hầm chính qua đèo Cả - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ.

Ở nhiều nước, một người có chuyên môn cao có thể dễ dàng chuyển đổi công việc từ khu vực kinh tế tư nhân qua làm quan chức nhà nước hay ngược lại từ vị trí một quan chức, từ nhiệm rồi làm cho doanh nghiệp. 
Hoàn toàn là chuyện bình thường khi ngoại trưởng Mỹ về hưu và trở lại nghề dạy học, hay tổng giám đốc một tập đoàn lớn tạm thời nghỉ kinh doanh đi làm thị trưởng một thành phố lớn.
Thế nhưng không có nước nào chấp nhận chuyện một quan chức hôm trước cấp phép cho một dự án rồi hôm sau về hưu đi làm cho dự án này trong cương vị điều hành cả.
Cái đó người ta gọi là một trong những dạng “xung đột lợi ích” phải tránh. Nước nào cũng ra những điều luật, quy định hay quy tắc ứng xử để liệt kê hết mọi trường hợp “xung đột lợi ích” và buộc bộ máy hành chính phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Nước ta cũng đã có những quy định chặt chẽ như vậy. nghị định 102 ban hành năm 2007 quy định thời hạn không được kinh doanh (theo nghĩa không được thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp...) trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với cán bộ khi thôi giữ chức vụ.
Nói theo ngôn ngữ đời thường, người có liên quan (ví dụ được giao thẩm tra hay ký quyết định phê duyệt) một dự án thì khi nghỉ hưu, tùy theo lĩnh vực mà không được làm cho dự án đó trong một thời gian nhất định.
Với Bộ Giao thông vận tải, thời gian đó từ 12 đến 18 tháng; nhưng với người trực tiếp thẩm định, phê duyệt dự án thì thời gian đó hoặc là cho đến khi thực hiện xong dự án hoặc là 36 tháng nếu dự án có thời hạn thực hiện trên năm năm.
Đối chiếu với quy định này thì ông Hồ Nghĩa Dũng đã vi phạm nghị định 102 bởi ông nghỉ hưu, không làm bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nữa vào tháng 8-2011 thì đến tháng 4-2012 đã tham gia làm thành viên HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả (theo quyết định của đại hội đồng cổ đông Công ty CP đầu tư Đèo Cả số 12/2012/QĐ-ĐHĐCĐ).
Theo thông tin trên chính trang web của Công ty Đèo Cả, ông Hồ Nghĩa Dũng (lúc đó là bộ trưởng Bộ GTVT) đã ký quyết định số 2860/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả - quốc lộ 1 theo hình thức BOT & BT vào ngày 5-10-2009.
Một ngày sau, chính ông Dũng ký quyết định số 2886/QĐ-BGTVT về việc chỉ định chính Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả làm nhà đầu tư dự án này!
Trường hợp này thì quá rõ. Vấn đề nằm ở chỗ những trường hợp vi phạm nghị định 102, mắc vào lỗi “xung đột lợi ích” như thế không phải hiếm.
Vấn đề còn nằm ở chỗ nhiều người không nghĩ đây là một mâu thuẫn cần loại bỏ. Ví dụ Công ty Đèo Cả ghi nhận mọi thông tin chúng tôi trích dẫn ở trên tại chính trang web của họ như một niềm tự hào đã mời được một cựu bộ trưởng làm cố vấn và là thành viên HĐQT cho họ!
Nghị định 102 chỉ xử lý một dạng xung đột lợi ích trong khi thực tế cuộc sống còn hàng ngàn trường hợp xung đột lợi ích từ chỗ trắng trợn đến các trường hợp tinh vi, khó nhận ra.
Từ những chức vụ rất bình thường như thầy cô tiểu học ép học sinh đi học thêm, như vợ ông trưởng phòng ép bán hợp đồng bảo hiểm đến ông chủ tịch vô tư ký lệnh bắt mua sản phẩm của một công ty địa phương...
Đó là chưa kể việc “chia sẻ” thông tin hay “lobby” ngược chính sách - toàn là những dạng tham nhũng quyền lực chưa bị phát hiện.
Nếu không xử lý nghiêm những vi phạm đã rõ thì xung đột lợi ích sẽ biến tướng thành lợi ích nhóm được bảo kê bằng quyền lực và công bằng xã hội sẽ biến mất.
(Theo Tuổi trẻ) NGUYỄN VẠN PHÚ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét