Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Đã có cách thanh minh cho con đường vừa khánh thành đã lún nứt?*

 Cập nhật lúc 14:58

(Dân trí) - Hội đồng nghiệm thu Nhà nước chiều 24/9 đã kiểm tra cao tốc Nội Bài - Lào Cai, khoan lấy mẫu tại vị trí lún nứt và kiểm tra hồ sơ. Kết quả cho thấy việc thi công đúng yêu cầu, sự cố nứt lún là bất khả kháng do tác động địa chất.

Đó là kết quả báo cáo nhanh được gửi tới Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tối qua (24/9), liên quan đến sự cố đường cao tốc dài nhất Việt Nam sau 2 ngày thông xe đã bị lún nứt tại Km83 đoạn Yên Bái - Phú Thọ.
Các chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã kiểm tra trực tiếp tại hiện trường, xem xét kết quả khoan tại vị trí có cung nứt và kiểm tra hồ sơ khảo sát thiết kế thi công. Kết luận của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước khẳng định, công trường đã thực hiện đầy đủ theo yêu cầu, kết quả khoan kiểm tra cho thấy điều kiện địa chất bất khả kháng là nguyên nhân gây lún nứt mặt đường cao tốc.
“Bên dưới có nền đá hình yên ngựa nghiêng 30 độ gãy trượt cục bộ phía từ Lào Cai về Hà Nội” - báo cáo gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu.
Điều kiện địa chất bất khả kháng là nguyên nhân gây lún nứt mặt đường cao tốc
Điều kiện địa chất bất khả kháng là nguyên nhân gây lún nứt mặt đường cao tốc?!

Trên thực tế, việc mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị lún nứt là điều đã được tiên lượng. Vị trí bị lún nứt thuộc đoạn đường đi qua ao hồ, đầm lầy dài khoảng 500m, chiều cao đắp đất nền đường cao 9m và đang được cắm biển theo dõi nền đất yếu.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tổng chiều dài 245km có hướng tuyến đi từ Đông sang Tây, qua 5 tỉnh và thành phố, nhiều vùng địa chất thủy văn phức tạp, giao thoa nhau. Hiện trên toàn tuyến còn 10 vị trí cần tiếp tục theo dõi đất yếu/lún trong quá trình khai thác để hoàn thiện khi các đoạn nền đất yếu này đã ổn định, tắt lún tập trung trên các gói thầu A2, A3 và A4. Cụ thể: Km33, Km44, Km46 (gói thầu A2), Km49, Km50, Km77, km79 (gói thầu A3); và Km82+500 - Km83+500, Km89 (gói thầu A4).Qua khảo sát xác định và xử lý nhiều đoạn nền đất yếu bằng các biện pháp xử lý khác nhau như cọc cát/giếng cát, bấc thấm, thay đất một phần hoặc toàn bộ…
Như vậy, ngoài vị trí đang bị lún nứt thì 9 vị trí còn lại chắc chắn cũng sẽ xảy ra sự cố tương tự. Đây là sự cố bất khả kháng, vậy nên giải pháp kỹ thuật được đưa ra để xử lý đất yếu trước mắt là thay đất một phần, hệ số an toàn tính toàn thay đổi từ 1,45 đến 1,73 tùy thuộc vào mặt cắt, lớn hơn hệ số an toàn (bằng 1,4) theo quy trình.
Như Dân trí đã đưa tin, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam vừa thông xe hôm 21/9 nhưng đã xảy ra hiện tượng lún theo hình vòng cung, trên hướng từ Lào Cai về Hà Nội. Vị trí lún thuộc gói thầu A4 do nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) thi công.
Chủ đầu tư Dự án Xây dựng cao tốc Nội Bài - Lào Cai là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, trong quá trình thi công đã tuân thủ các quy trình khảo sát và xử lý đất yếu. Công tác khoan thăm dò địa chất và thiết kế xử lý đất yếu được tiến hành tuân thủ theo Quy trình Khảo sát thiết kế nền đường ô tô đắp trên đất yếu. Theo VEC, mặc dù trên đoạn tuyến này nguy cơ lún đã được tiên lượng nhưng qua cơn bão số 3 và số 4, với lượng mưa lớn, đất nền và xung quanh bão hòa tốc độ lún nhanh hơn dự kiến.
Bộ GTVT đã yêu cầu VEC khẩn trương xử lý bù phụ mặt đường trong quá trình theo dõi bù lún tại vị trí xuất hiện vết rạn nứt tại Km83, là điểm nằm trong đoạn tuyến có đất yếu, thuộc gói thầu A4. VEC phải khẩn trương thực hiện các giải pháp xử lý kỹ thuật và công bố thông tin rộng rãi tới các phương tiện giao thông lưu thông trên cao tốc nhằm đảm bảo an toàn giao tuyệt đối.
Dự án Xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng mức đầu tư (giai đoạn1) là 1.464triệu USD. Đây là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất, dài nhất và hiện đại nhất tại Việt Nam, được khởi công năm 2009 và hoàn thành sau 5 năm.Tuyến cao tốc này được thông xe toàn tuyến hôm 21/9.
Với chiều dài 245km, cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua TP.Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái,Lào Cai.Các phương tiện lưu thông trên cao tốc 4 làn xe sẽ được chạy với vận tốc tối đa 100km/h (đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái) và 80km/h trên đoạn cao tốc 2 làn xe (từ Yên Bái đi Lào Cai), giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai còn 3,5 tiếng so với 7 tiếng như trước đây.
Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dự án thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng, nằm trong chương trình hợp tác giữa 6 nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông là Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma và Trung Quốc.
(Theo Dân trí) Châu Như Quỳnh

* “Bất khả kháng” có nghĩa là địa chất ở khu vực này không thể làm đường được! Cũng có nghĩa là nhà thi công đã biết trước đường sẽ lún nhưng vẫn cứ làm? Càng luận ra thì càng thấy vô lý, đường qua sông còn làm được nhưng lại không thể qua nơi nền đất yếu? sao họ không bắc cầu qua đó nhỉ?
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét