Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Vụ “chạy án” ở Triệu Sơn, Thanh Hoá: Cơ quan cảnh sát điều tra kết luận vội vàng, non nớt  

Cập nhật lúc 09:35                 


Ông Cánh: “Nếu nội dung không có thì ngày mai ông Quý cũng không có đường chạy với tôi. Nếu không có nội dung tố cáo tôi thì tôi sẽ vác dao đến nhà cậu, cậu thì cậu tôi cũng chém đứt đôi, làm chi có đoạn lấy của tôi được!”.

Trong vụ một số cán bộ TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) đòi và nhận hối lộ, ông Nguyễn Bá Quý là người chủ động ghi âm, tố giác hành vi của các “quan tham”. Trước đó, ông Quý bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Triệu Sơn kết tội cưỡng đoạt tài sản theo khoản 2, Điều 135 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, theo điều tra của PV Báo Lao Động, đằng sau vụ tống tiền, cưỡng đoạt tài sản này vẫn còn nhiều khuất tất.

Ông Cánh không hề “hoang mang, lo sợ”
Ngày 23.5.2014, Đoàn giám sát của UBND xã Tiến Nông (Triệu Sơn) đã có báo cáo kết luận số 02/BCKQGS về việc xây cầu và làm đường trong xã. 
Theo đó, Chủ tịch UBND xã là ông Đào Hữu Ngọc và một số cán bộ chủ chốt xã đã để xảy ra nhiều sai phạm, trong đó có ông Nguyễn Đình Cánh - Phó Chủ tịch. Nhân dân tố cáo, ông Nguyễn Bá Quý là cậu ruột ông Nguyễn Đình Cánh cũng ký đơn. Sau đó, ông Cánh và ông Quý có tới 8 cuộc điện thoại bàn bạc việc đưa tiền để những người tố cáo rút đơn kiện. Ông Cánh mượn ĐTDĐ của trưởng công an xã ghi âm 7 cuộc nói chuyện này.
Theo kết luận điều tra số 45/KLĐT do thượng tá Hà Đình Hùng - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT CA huyện Triệu Sơn - ký, thì sau các cuộc điện thoại, “anh Nguyễn Đình Cánh bị hoang mang, lo sợ” nên mới phải đồng ý đưa tiền cho ông Quý.
Nghiên cứu băng ghi âm 7 cuộc điện thoại giữa ông Cánh và ông Quý thấy rõ, sự bàn bạc của ông Cánh và ông Quý vô cùng thoải mái và liên tục hướng đến ông Đào Hữu Ngọc và ông Nhâm - Phó Chủ tịch. Không có sự đe dọa cưỡng ép của ông Quý đối với ông Cánh. Ngược lại, ông Quý liên tục thể hiện rõ sự giúp đỡ ông Cánh trong việc tìm cách dập tắt vụ kiện. Toàn bộ số tiền 200 triệu đồng; 150 triệu đồng là do ông Cánh chủ động nêu lên. 7 cuộc thoại đều thể hiện không có việc ông Cánh sợ hãi phải đem tiền cho ông Quý như kết luận của cơ quan điều tra.
Ông Cánh khẳng định với PV, không hoang mang, lo sợ gì ông Quý, mà “chủ động ghi âm xem cái trò ma mãnh của ông Quý đến đâu”. PV hỏi: “Không lo sợ ông Quý, sao ông lại hẹn và đưa 20 triệu cho ông Quý?”. Ông Cánh nói: “Tôi cũng muốn xem trong đơn có phản ánh đến mình không, nếu có thì chấp nhận mất số tiền này để biết”. “Nếu nội dung không liên quan gì đến ông thì ông cũng chấp nhận mất 20 triệu đồng này à?” – PV hỏi. Ông Cánh: “Nếu nội dung không có thì ngày mai ông Quý cũng không có đường chạy với tôi. Nếu không có nội dung tố cáo tôi thì tôi sẽ vác dao đến nhà cậu, cậu thì cậu tôi cũng chém đứt đôi, làm chi có đoạn lấy của tôi được!”.
Như vậy, rõ ràng ông Cánh đã chủ động “cài bẫy” ông Quý chứ không phải ông Quý tống tiền ông Cánh. Không có chuyện ông Cánh “sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự mới phải đưa tiền” như suy diễn của CSĐT. Ông Cánh là người chủ động dẫn dắt toàn bộ nội dung các cuộc thoại. Các cuộc thoại cũng như toàn bộ hồ sơ vụ án này đều thể hiện ông Cánh không phải là “bị hại” trong vụ án.
Có phải là vụ “bắt quả tang”?
Sáng 17.5, ông Cánh chủ động mời ông Quý về quán karaoke Tám Chinh ở Cầu Trắng – Minh Dân gặp. Tại đây, ông Cánh chủ động đưa bọc tiền cho ông Quý và nói trong đó có 80 triệu đồng, ông Quý đưa đơn cho ông Cánh. Ngay lúc đó, Công an huyện Triệu Sơn ập vào bắt quả tang. Số tiền vẫn để trong bọc, trên bàn. Kiểm tra số tiền chỉ có 20 triệu đồng chứ không phải 80 triệu đồng như ông Cánh nói với ông Quý.
Kết luận của Cơ quan CSĐT CA Triệu Sơn cho rằng “hành vi của bị can đã bị bắt quả tang khi thực hiện xong” là chưa thuyết phục. Bởi lẽ, khi công an huyện ập vào, số tiền 20 triệu đồng do ông Cánh chủ động đưa vẫn ở trong bọc, để trên bàn, ông Quý chưa nhận và chưa kiểm đếm. Khám xét trong người ông Quý chỉ có hơn 1 triệu đồng là tiền cá nhân và 1 ĐTDĐ. Cơ quan CSĐT không đưa ra bất kỳ chứng cứ thuyết phục nào cho điểm luận tội này.
Bản kết tội non nớt, nóng vội
Từ kết luận việc bắt quả tang, cộng với nội dung 7 cuộc ghi âm điện thoại giữa ông Cánh và ông Quý, điều tra viên và KSV đã mớm cung cho ông Quý nhận tội, sau đó dùng chính lời nhận tội này để kết luận ông Quý “cưỡng đoạt tài sản”. Về điểm này, luật sư Lê Quốc Hiền cho rằng CQĐT đã vi phạm Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.
Làm việc với PV Lao Động, thượng tá Lê Trung Hiếu - Chánh Văn phòng CA tỉnh Thanh Hoá, người có nhiều năm làm công tác điều tra - nói thẳng: “Đó là bản kết luận vội vàng, non nớt”. Ông Hiếu cho biết, thời gian tới, lãnh đạo CA tỉnh sẽ chấn chỉnh lại hoạt động của Cơ quan CSĐT CA huyện này. “Không thể để xảy ra việc cán bộ điều tra đồng loã với kẻ xấu, không ngăn chặn kịp thời hành vi phạm tội mà cố tình đưa người dân ít hiểu biết pháp luật vào vòng lao lý được” – thượng tá Lê Trung Hiếu nói.
(Theo Lao động) Xuân Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét