Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

​Đường cao tốc sao chỉ có 2 làn xe?

Cập nhật lúc 09:27       
           
TT - Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai chỉ có hai làn xe và không có dải phân cách có sai quy định và có an toàn?


Đoạn đường hai làn xe cho hai chiều trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai chỉ có vạch kẻ liền tách hai chiều xe chạy nhưng không có dải phân cách, với tốc độ 80-100km/h sẽ cực kỳ nguy hiểm! - Ảnh: T.Phùng

Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa được thông xe nhưng đã có thắc mắc đoạn từ Yên Bái - Lào Cai chỉ có hai  làn xe và không có dải phân cách có sai quy định hiện hành về đường cao tốc và có an toàn trong giao thông?
Tuyến đường cao tốc được coi là dài nhất Việt Nam - tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa được thông xe, mở ra một trang mới về cơ sở hạ tầng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi phía Bắc vốn rất khắc nghiệt về địa hình và khó khăn về điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông cũng như phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, điều khiến người đi đường thắc mắc vì sao tuyến cao tốc này chỉ có hai làn xe cho cả hai chiều (thêm hai làn đường dừng khẩn cấp mỗi chiều) ở đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai, dài hơn 100km.
Đặc biệt là trên đoạn tuyến cao tốc hai làn xe này chỉ có vạch kẻ chia hai chiều đường mà không phải là dải phân cách (cố định hoặc di động) như đoạn Nội Bài - Yên Bái hay các tuyến cao tốc khác ở nước ta đã đưa vào sử dụng?
Có thể lý do khiến chủ đầu tư quyết định xây đường cao tốc chỉ có hai làn xe là do tính toán lưu lượng phương tiện và nhu cầu sử dụng đoạn tuyến Yên Bái - Lào Cai không cao.
Nhưng trong việc xây dựng đoạn tuyến chỉ có hai làn xe và không có dải phân cách chia hai chiều xe chạy này có một số điều chưa phù hợp về mặt pháp lý, quy chuẩn kỹ thuật và thực tiễn công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Luật giao thông đường bộ đã đưa ra khái niệm (đó cũng chính là quy phạm pháp lý) về đường cao tốc: “Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt”.
Dải phân cách cũng được xác định “là bộ phận của đường để phân chia mặt đường thành hai chiều xe chạy riêng biệt hoặc để phân chia phần đường của xe cơ giới và xe thô sơ. Dải phân cách gồm loại cố định và loại di động”.
Về quy chuẩn kỹ thuật, theo Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học - công nghệ ban hành về yêu cầu thiết kế đường cao tốc (TCVN 5729:2012, trước đây là TCVN 5729:2007): “Số làn xe cần thiết của mỗi chiều đường cao tốc được xác định tùy thuộc lưu lượng xe tính toán mỗi chiều xe chạy ở giờ cao điểm của năm tính toán và năng lực thông hành thiết kế của một làn xe... Số làn xe cần thiết cho mỗi chiều xe chạy của đường cao tốc là một số nguyên không nhỏ hơn 2”.
Như vậy, luật đã quy định rõ đường cao tốc tối thiểu phải có ít nhất hai làn xe cho mỗi chiều xe chạy, tức là ít nhất bốn làn xe cho hai chiều (hai làn dừng khẩn cấp không được coi là một làn xe chạy). Đồng thời, phân cách hai chiều xe chạy trên đường cao tốc phải bằng dải phân cách (có thể cố định hoặc di động), không thể là vạch kẻ chia chiều đường được.
Trong khi đó, trên đoạn tuyến hơn 100km Yên Bái - Lào Cai, hầu hết chỉ là hai làn xe chạy cho hai chiều và chỉ có vạch kẻ phân chia hai chiều xe chạy mà thôi, thỉnh thoảng mới có đoạn có bốn làn xe nhưng chỉ rất ngắn để cho xe tránh vượt. 
Về thực tiễn đảm bảo an toàn giao thông, hiện nay trên các tuyến quốc lộ, nguy cơ đe dọa an toàn giao thông chính là các tuyến chỉ có hai làn xe hai chiều và không có dải phân cách chia hai chiều xe chạy (tai nạn giao thông thường xảy ra do hai xe lấn tuyến sang chiều ngược lại).
Với thực trạng ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của nhiều người lái xe còn kém như ở nước ta hiện nay, trên đường cao tốc với tốc độ lưu thông rất cao so với các tuyến đường bình thường mà mỗi chiều chỉ có một làn xe chạy và lại không có dải phân cách phân chia thì nguy cơ gây tai nạn giao thông còn cao hơn nữa.
Tất nhiên đây mới chỉ là giai đoạn một của dự án, và sau này sẽ được nâng thêm về số làn xe (với nhu cầu sử dụng không cao thì sẽ khó cho doanh nghiệp đầu tư thêm trong ngắn hạn).
Nhưng việc xây dựng và đưa vào khai thác đoạn tuyến cao tốc chỉ có hai làn xe này sẽ đặt ra những thách thức đối với việc tuân thủ quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật và việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới. 

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông:
Chỉ là đường phân kỳ của cao tốc
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn đường cao tốc hai làn xe nên đoạn hai làn xe từ Yên Bái đến Lào Cai trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai được xem như đoạn đường phân kỳ (có dự phòng dải đất để mở rộng trong giai đoạn 2) của đường cao tốc, chứ không gọi là cao tốc hai làn xe.
“Hiện nay Bộ GTVT đang giao các đơn vị nghiên cứu hướng dẫn quy định thiết kế, xây dựng, quản lý, khai thác đường cao tốc giai đoạn phân kỳ. Ngoài yếu tố kỹ thuật, đặc biệt phải chú ý đến tổ chức giao thông khi khai thác đường hai làn xe trong giai đoạn phân kỳ.
Chậm nhất là cuối năm 2014 ban hành. Tiêu chuẩn đường cao tốc đã có, còn trong giai đoạn phân kỳ có số làn xe ít hơn đường cao tốc phải tổ chức giao thông phù hợp với thực tế” - ông Đông cho biết.
T.PHÙNG

Cao tốc Trung Lương - Cần Thơ: cũng làm 2 làn xe
Năm 2012 Nhật Bản có khoản viện trợ không hoàn lại cho nghiên cứu dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Kết quả nghiên cứu cho thấy tổng mức đầu tư dự án cho bốn làn xe lưu thông lên đến 28.000 tỉ đồng.
Do vốn đầu tư bốn làn xe cao nên Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long đang trình Bộ GTVT về đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho hai làn xe lưu thông và Bộ Tài chính đã thống nhất với phương án phân kỳ đầu tư đường cao tốc này.
Theo đó, nhà đầu tư xây dựng đường cao tốc hai làn xe nhưng phải chịu chi phí giải tỏa toàn bộ mặt bằng mở rộng đường cao tốc lên bốn làn xe.
Hiện nay đã có một số nhà đầu tư đề nghị đầu tư dự án này và nếu được cấp thẩm quyền chấp thuận chỉ định nhà đầu tư thì dự kiến cuối năm 2014 sẽ khởi công xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và công trình hoàn thành vào năm 2018.
Tương tự, đã có nhà đầu tư trong nước đề nghị tham gia xây dựng đường cao tốc từ Mỹ Thuận - Cần Thơ dài khoảng 22km cũng cho hai làn xe lưu thông. Nếu các thủ tục hoàn thành sớm, dự kiến trong năm 2015 sẽ khởi công tuyến đường cao tốc này và công trình sẽ hoàn thành trước năm 2020.
N.ẨN
(Theo TTO) ĐỖ HÀO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét