Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

Phương Tây đang phá hoại hòa bình ở Ukraina?

Cập nhật lúc 09:47

(PetroTimes) - Bất chấp những nỗ lực cứu vãn hòa bình cho Ukraina được Nga đưa ra, châu Âu và Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất nhằm vào Moskva. Hành động này của phương Tây có thể sẽ làm lệnh ngừng bắn giữa chính phủ Kiev và lực lượng chống đối bị phá vỡ và đẩy Ukraina tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng.  

 Phương Tây đang phá hoại hòa bình ở Ukraina?
Biếm họa về gói trừng phạt mới của phương Tây nhằm vào Nga

Từ 0 giờ ngày 12/9, các biện pháp trừng phạt Nga chính thức được EU áp dụng. Đợt trừng phạt mới này là mức độ cao nhất, cấp độ 3, bao gồm nhiều lĩnh vực từ kinh tế, quốc phòng, công nghệ, năng lượng đến tài chính… Cụ thể, ba tập đoàn dầu lửa Rosneft, Transneft, và Gazprom Neft và toàn bộ các công ty thuộc sở hữu của Chính phủ Nga có doanh số tức là trên 20 tỷ euro, sẽ bị cấm huy động vốn trên các thị trường tài chính châu Âu. EU cũng cấm bán cho Nga thiết bị và công nghệ trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng. Một biện pháp nữa là đưa thêm 24 người Nga thân cận với Tổng thống và người Ukraina thân Nga vào danh sách bị rút visa vào châu Âu, bị phong toả tài sản trên lãnh thổ châu Âu, kể cả tài sản trong các ngân hàng.
Cùng ngày, Mỹ cũng thông báo các biện pháp trừng phạt Nga tương tự như của EU. Trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Obama nói, Washington vẫn theo dõi sát sao việc thực thi thỏa thuận ngừng bằng giữa Moskva và Kiev, song "vẫn chưa nhìn thấy bằng chứng thuyết phục rằng Nga đã ngừng các nỗ lực làm bất ổn Ukraina". Đây là lần đầu tiên EU đi trước Mỹ trong việc đề ra các lệnh trừng phạt Nga xung quanh vấn đề Ukraina.
Khác với những lần trước, cấp độ 3 trừng phạt của phương Tây đánh thẳng vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Nga. EU coi đây là sức ép để Nga phải có những bước đi góp phần giảm căng thẳng tại Ukraina mặc dù lệnh ngừng bắn đang có dấu hiệu khả quan tại khu vực đông nam nước này. Tuy nhiên, EU cũng cho rằng nếu Nga thực sự tham gia lập lại hòa bình tại miền đông Ukraina thì từng phần hoặc toàn bộ các biện pháp cấm vận có thể được dỡ bỏ ngay từ cuối tháng 9/2014. Điều này cho thấy vẫn có những bất đồng trong nội bộ châu Âu, bất đồng giữa những nước chủ trương cứng rắn và những nước vẫn lo ngại rằng người Nga sẽ trả đũa, ở một mức độ cao hơn. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng EU đang "tự bắn vào chân mình" với các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, đồng thời kêu gọi khối này cân nhắc lại chính sách của mình.
Ngay sau khi phương Tây áp dụng gói trừng phạt mới, Nga đã phản ứng mạnh mẽ và lập tức đề ra phương án trả đũa. Ngày 12/9, Ngoại trưởng Nga, Sergey Lavrov bày tỏ lấy làm tiếc vì các đối tác châu Âu đã làm đứt đoạn quan hệ hữu nghị và lưu ý với các đồng nghiệp phương Tây rằng, thế giới hiện đã không còn là đơn cực nữa. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevic đã tuyên bố, các biện pháp trừng phạt của EU là một chính sách hoàn toàn thù địch đối với Nga, đi ngược lại lợi ích của chính EU. Ông Alexander Lukashevic khẳng định Nga sẽ áp dụng những biện pháp thích hợp và tương xứng với những thiệt hại mà các biện pháp của EU gây ra đối với nền kinh tế Nga.
Bên cạnh đó, ông Lukashevic khẳng định Moskva phản đối mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt Mỹ dự định áp dụng đối với Nga, coi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế vì chỉ có Hội đồng Bảo an LHQ mới có thẩm quyền đưa ra các biện pháp trừng phạt.
Cũng trong ngày hôm qua, trợ lý Tổng thống Nga, Andrey Belousov thông báo, Nga sẵn sàng áp dụng các biện pháp đáp trả bằng cách hạn chế nhập khẩu ô tô và sản phẩm may mặc từ EU. Theo ông Belousov, hơn 1/3 số lượng ô tô bán tại Nga được nhập khẩu từ châu Âu. Trong khi đó, Bộ Phát triển kinh tế Nga tuyên bố đang chuẩn bị danh mục hàng loạt mặt hàng cấm nhập vào Nga vừa để đáp trả phương Tây vừa nhằm mục đích khuyến khích sản xuất trong nước.
Thật là khó hiểu khi phương Tây vẫn áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga mặc dù tình hình tại Ukraina đã có phần ổn định sau lệnh ngừng bắn do Nga đề xuất bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/9. Phát biểu trên kênh truyền hình nước Nga ngày hôm qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố quyết định của EU áp đặt lệnh trừng phạt mới chống lại nước Nga có nghĩa là lựa chọn con đường phá hoại tiến trình hòa bình mới được bắt đầu ở Ukraina. Ông Lavrov cũng lưu ý rằng Moskva sẽ phản ứng “một cách bình tĩnh, tương ứng, và trước hết là xuất phát từ sự cần thiết phải bảo vệ lợi ích của nước Nga”.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga, Sergei Naryshkin kêu gọi các đối tác nước ngoài hãy tỉnh táo không hùa theo chính sách chống Nga của phương Tây. Ông Naryshkin nhận định rằng, khi các nước phương Tây và những đối tác khác của Nga chọn con đường theo lệnh trừng phạt, trên thực tế là hỗ trợ chính sách hiếu chiến của Mỹ. Lãnh đạo Duma Nga khẳng định trừng phạt chống Nga vì tình hình ở Ukraina chỉ dẫn đến tình trạng leo thang bạo lực hơn nữa tại đất nước Ukraina. Chính quyền Kiev đã lấy đó làm cái cớ để ráo riết tăng cường hoạt động chiến sự thanh trừng ở đông-nam đất nước.
Theo lời ông Naryshkin, ngay cả bây giờ, khi đã nối lại tiến trình đàm phán và ban hành lệnh ngừng bắn, tình hình ở miền đông Ukraina vẫn còn hết sức phức tạp.
(Theo Petrotimes) H.Phan tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét