Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Đề xuất xóa hàng ngàn tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế

Cập nhật lúc 14:27

(Baodautu.vn) Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), trong Kỳ họp thứ Tám tới, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội đề xuất xóa tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 đối với doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan và đã nộp thuế trong năm 2014.
Động thái tích cực này của Bộ Tài chính không những được cộng đồng DN đón nhận vì giảm được hàng ngàn tỷ đồng tiền phạt chậm nộp, mà còn giảm áp lực rất lớn cho cơ quan thuế quản lý thuế trong việc thu hồi tiền phạt chậm nộp thuế cũng như tiền nợ thuế.

 Xóa hàng ngàn tỷ đồng tiền phạt chậm nộp thuế


Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội đề xuất xóa tiền phạt chậm nộp thuế phát sinh trước ngày 1/7/2013 đối với DN gặp khó khăn khách quan

Ông Phi Vân Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, mặc dù thu ngân sách vẫn chưa hết khó khăn, nhưng Nhà nước cần chia sẻ với DN bằng nhiều cơ chế, chính sách khác nhau, đặc biệt là giải pháp xóa tiền phạt chậm nộp thuế. “DN nợ thuế thực chất đã vô cùng khó khăn, họ đang phải đi vay ngân hàng để cố gắng duy trì hoạt động, nên việc giãn, hoãn tiền nợ thuế hoặc xóa tiền phạt chậm nộp là những giải pháp rất hữu hiệu, thiết thực nhằm hỗ trợ DN”, ông Tuấn phát biểu.
Ông Lê Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho biết, ý thức chấp hành các chính sách thuế của DN ngày một tốt hơn, thể hiện ở việc số lượng DN được cơ quan thuế, lãnh đạo các địa phương, Bộ Tài chính vinh danh, khen thưởng ngày một tăng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, nên số tiền nợ thuế ngày một tăng (tính tới thời điểm 30/6/2014, tổng số tiền nợ thuế trên địa bàn TP.HCM ước khoảng 18.000 tỷ đồng). Nhưng nếu trừ đi số nợ không có khả năng thu hồi do DN đã giải thể, ngừng hoạt động, đóng cửa; nợ đang chờ xử lý; chủ nợ đã chết hoặc mất tích; nợ đang trong giai đoạn khiếu nại…, thì số nợ có khả năng thu hồi chỉ còn khoảng 50%.
“Tại buổi làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các DN, hiệp hội DN trên địa bàn TP.HCM mới đây, rất nhiều DN, đặc biệt là DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và những lĩnh vực liên quan đến hoạt động xây dựng, bất động sản như sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng… đã tha thiết đề nghị Nhà nước xem xét mở rộng đối tượng giãn thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, xóa tiền phạt chậm nộp. Chủ tịch nước đã ghi nhận những khó khăn, đề xuất của DN”, ông Dương thông tin.
Là người quản lý nợ thuế trong nhiều năm, ông Dương chia sẻ, trong trường hợp ngành thuế đã sử dụng gần như mọi cách để thu nợ theo Luật Quản lý thuế (trích tiền từ tài khoản ngân hàng thương mại, yêu cầu phong tỏa tài khoản; khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập; dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu…) mà không thu được nợ, phần lớn là do DN không còn tiền vì đã đầu tư hết vốn liếng để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nhưng chưa bán được sản phẩm.
“Với những trường hợp như vậy mà cơ quan thuế cứ tiếp tục cưỡng chế bằng các biện pháp mạnh như dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; đình chỉ việc sử dụng hóa đơn..., thì DN chỉ còn nước đóng cửa”, ông Dương chia sẻ.
Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng, ông Trần Văn Nhiên chia sẻ, để giảm được nợ thuế, cơ quan thuế đã phải đi “dỗ” DN nộp tiền nợ thuế còn tiền phạt chậm nộp… để tính sau. “Tiền phạt chậm nộp thuế tăng mạnh một phần là do mức phạt chậm nộp (0,05%/ngày với nợ thuế dưới 90 ngày và 0,07%/ngày với nợ thuế trên 90 ngày) là quá nặng. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho DN, đồng thời cũng giảm gánh nặng cho ngành thuế, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính cần phải có các giải pháp đồng bộ, thiết thực, trong đó phải xử lý ngay khoản tiền phạt chậm nộp thuế và nghiên cứu giảm mức phạt nợ thuế”, ông Nhiên nói.
(Theo Đầu tư) Mạnh Bôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét