Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Diều hâu không thể biến thành bồ câu!

Cập nhật lúc 09:45  

(PetroTimes) - Dư luận đang quan tâm tới chuyến công du tới Tajikistan, Ấn Độ, Sri Lanka và Maldives của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (từ 11 đến 19/9) bởi diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa kết thúc chuyến thăm Bangladesh và Sri Lanka (từ 6 đến 7/9), 2 quốc gia nằm dọc tuyến đường biển giữa các nguồn tài nguyên phong phú ở Trung Đông và Đông Á.
Trong khi đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đang muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ châu Âu trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông nhân chuyến thăm tới Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp và Đức (từ 13 đến 20-9).
Lưỡi không xương
Sau khi gặp Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đã hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị, trước khi bà rời Bắc Kinh ngày 10-9. Đây là chuyến đi nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Bắc Kinh trong tháng 11. Ông Dương Khiết Trì cho rằng, Mỹ - Trung cần thật sự tôn trọng “lợi ích cốt lõi” của nhau và những vấn đề song phương cùng quan tâm để giải quyết theo hướng xây dựng các “vấn đề nhạy cảm và những bất đồng” giữa hai nước.
Bà Susan Rice tuyên bố, chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ là một “cột mốc quan trọng” trong quan hệ song phương bởi ông chủ Nhà Trắng “coi trọng quan hệ Mỹ - Trung”. Trong khi bà Susan Rice cho rằng, Bắc Kinh phải chấm dứt các vụ chặn đầu nguy hiểm, thì Tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy trung ương kêu gọi Mỹ giảm và chấm dứt các hành động do thám hải quân và trên không gần Trung Quốc.
Giới bình luận coi chuyến công du của bà Susan Rice còn nhằm dàn xếp bất hòa Mỹ - Trung trong một số vấn đề nhạy cảm, xây dựng mối quan hệ hữu ích bởi khi còn là Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ nhiều lần chỉ trích chính sách của Bắc Kinh. Bên cạnh đó, Bắc Kinh luôn cho rằng, Washington đang kiềm chế họ, còn Mỹ khẳng định, chiến lược của Trung Quốc là hạ thấp vị thế của Chú Sam tại khu vực này. Có một chi tiết thú vị là Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã lẫn lộn giữa Cố vấn An ninh quốc gia với cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice, khi đưa tin về chuyến thăm của bà Susan Rice.
 Tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông và biển Hoa Đông: Diều hâu không thể biến thành bồ câu
Bà Susan Rice bắt tay Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị
Ngày 9/9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) đã cố tình xuyên tạc và lấp liếm việc xây dựng đảo nhân tạo và căn cứ quân sự (bất hợp pháp) trên 6 bãi đá nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cũng trong ngày 9/9, Đài Loan thông báo đang hoàn tất dự án vẽ bản đồ các đảo ở Biển Đông (đã hoàn tất sơ đồ của 198 đảo ở Biển Đông và biển Hoa Đông), để in ấn bản đồ mới và Đài Loan sẽ xuất bản riêng một tấm bản đồ về Biển Đông trên cơ sở những thông tin được cập nhật này.
Ngày 10/9, tờ Thời báo Hoàn Cầu cho biết, việc biến đá thành đảo (trái phép) ở Gạc Ma đã chuyển sang giai đoạn phủ xanh. Còn theo báo chí Nhật Bản, Trung Quốc đã xây xong cảng khẩu trên đảo nhân tạo (trái phép) ở bãi đá Châu Viên. Động thái đắp đất phong nền - biến đá thành đảo ở Trường Sa mặc dù là trái phép, nhưng lại giúp Trung Quốc có thể “giải thích lại” Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để đòi thêm 200-350 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Và sau khi đảo hóa thành công một số bãi đá ở Trường Sa, Trung Quốc sẽ thay đổi căn bản và toàn diện tình hình ở Biển Đông.
4 tôn trọng ở Biển Đông
Ngày 8/9, trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, khi tiếp Ngoại trưởng Australia Julie Bishop tại thành phố Sydney, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi các nước không trực tiếp liên quan đến tranh chấp Biển Đông không nên can thiệp và tạo thêm rắc rối. Giới chuyên môn cho rằng, tuy không nói cụ thể tên của quốc gia nào, nhưng ông Vương Nghị đã ám chỉ Mỹ sẵn sàng bảo vệ Philippines về quân sự bởi Washington giữ vai trò tích cực trong tranh chấp Biển Đông. Bà Julie Bishop và ông Vương Nghị đã đồng chủ trì vòng 2 Đối thoại Ngoại giao và Chiến lược Australia - Trung Quốc. Vòng hai Đối thoại Ngoại giao và Chiến lược Australia - Trung Quốc được tổ chức trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình dự hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong tháng 11 tại thành phố Brisbane, Australia.
Điều đáng nói là ông Vương Nghị đã đưa ra cái gọi là 4 tôn trọng ở Biển Đông, bao gồm “sự thật lịch sử, tôn trọng luật pháp quốc tế, đối thoại trực tiếp giữa các nước liên quan và tôn trọng nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông của Trung Quốc với ASEAN”. Sở dĩ nói như vậy vì, tuy kêu gọi đối thoại và đàm phán trực tiếp giữa các nước liên quan tới Biển Đông, nhưng Trung Quốc luôn yêu cầu đàm phán song phương để dễ gây sức ép với đối phương, tiếp tục trì hoãn đàm phán với ASEAN về COC.
Ngày 7-9, tờ Văn hối dẫn tuyên bố tại diễn đàn “Trung Sơn - Hoàng Phố - Tình nghĩa hai bờ” của Phó hội trưởng kiêm Tổng thư ký Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc, Thiếu tướng diều hâu đã nghỉ hưu La Viện khi ông kêu gọi hai bờ eo biển Đài Loan cần hợp tác để thôn tính biển đảo ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Ông La Viện kiến nghị 5 điểm để hai bờ hợp tác bảo vệ cái gọi là chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông và biển Hoa Đông: Diều hâu không thể biến thành bồ câu 
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị
Ngày 9/9, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert khẳng định, Mỹ sẽ không dừng lại hay giảm hoạt động do thám gần bờ biển Trung Quốc và Bắc Kinh không nên lặp lại sự cố hàng không như hôm 19-8. Đô đốc Jonathan Greenert sẽ gặp Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi tại hội thảo Seapower lần thứ 21 tổ chức tại Naval War College ở Newport thuộc Rhode Island từ 16 đến 19-9.
Ngày 8/9, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines, bà Zeneida Collinson cho biết, Tổng thống Benigno Aquino muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ châu Âu trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông nhân chuyến thăm kéo dài một tuần tới Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp và Đức, từ 13 đến 20/9. Theo bà Zeneida Collinson, các nước EU từng ủng hộ Philippines trong việc tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Biển Đông. Trước đó (3/9), Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines Catapang cho rằng, tình trạng hiện nay của Trung Quốc - Philippines giống như cuộc đấu quyền anh giữa người khổng lồ với người lùn, do đó, Manila phải tăng cường xây dựng quân sự. Theo đó, đến năm 2028 nước này sẽ xây dựng một lực lượng vũ trang cấp thế giới. Được biết, Nhật-Mỹ đang trợ giúp xây dựng hải quân Philippines để đối phó với nguy cơ bành trướng của Trung Quốc.
Gai trong mắt
Sáng 10/9, lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) thông báo, 4 tàu Trung Quốc đã đi vào vùng lãnh hải gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc đi vào vùng biển này kể từ hôm 1-9 và là lần thứ 22 trong năm nay. 2 năm trước (11/9/2012 - 11/9/2014), Tokyo đã quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và chính phủ Nhật Bản đang tăng cường cảnh giác trước các hành động của Trung Quốc nhân dịp này. Bởi trước khi Nhật Bản quốc hữu hóa Senkaku/Điếu Ngư, tàu Trung Quốc chỉ xâm nhập vùng lãnh hải của quần đảo này có 2 lần trong năm 2011, nhưng sau khi quốc hữu hóa, con số này tăng lên 188 lần trong năm 2013.
Ngày 9/9, Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tham mưu trưởng lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản cho biết, đang sắp xếp một cuộc tập trận chung lần đầu tiên với các đơn vị NATO hiện đang tham gia chống cướp biển ngoài khơi bờ biển Somalia. Bởi trước đó (tháng 5-2014), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã đồng ý tổ chức tập trận chung.
Ngày 10/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) đã bày tỏ quan ngại trước thông tin cho rằng, Mỹ nhiều khả năng tham gia vào cuộc thảo luận với Nhật Bản về cách thức mở rộng năng lực tấn công của Tokyo. Hãng Reuters cũng vừa dẫn lời giới chức Nhật Bản cho biết, Tokyo đang đàm phán với Washington về mua sắm vũ khí nhằm giúp tăng cường “khả năng tấn công” của Nhật Bản để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Nhật Bản đang lên kế hoạch mua 42 chiến đấu cơ tiên tiến F-35 của Mỹ.
Tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông và biển Hoa Đông: Diều hâu không thể biến thành bồ câu 
Bản tin CCTV nhầm giữa hai bà Rice
Ngày 8/9, Hãng Kyodo dẫn tuyên bố của Đô đốc Jonathan Greenert bày tỏ hy vọng sẽ được chứng kiến sự hợp tác hơn nữa với Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa đạn đạo và rà phá thủy lôi theo chính sách an ninh mới của Tokyo. Đô đốc Jonathan Greenert cho rằng, công nghệ đánh chặn tên lửa và năng lực tác chiến hiện nay của Nhật Bản sẽ sánh ngang với Mỹ trong đối phó với mối đe dọa mang tính khu vực và quốc tế. Cũng trong ngày 8/9, tờ Sankei Shimbun cho biết, Nhật Bản sẽ huấn luyện mô phỏng tấn công-phòng thủ mạng bởi Tokyo coi đây là “chiến trường thứ năm” nên cần bảo đảm để tất cả các cơ quan chính phủ có khả năng đáp trả khi bị tấn công mạng từ các nước khác.
Cùng ngày 8/9, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay hoạt động khảo sát biển bất hợp pháp gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Ông Yoshihide Suga cho biết, máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) đã phát hiện tàu Hải cảnh 2149 của Trung Quốc dường như đang kéo một dây cáp trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản và Tokyo không chấp nhận việc này. Đây là ngày thứ 31 liên tiếp tàu Trung Quốc xuất hiện tại vùng biển quanh quần đảo này.
Trí thông minh nhân tạo
Giới quân sự quan tâm tới máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 sẽ thay thế chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet của hãng Boeing và F-22 Raptor của hãng Lockheed Martin khi nó được giới chuyên môn gọi là “Trí thông minh nhân tạo” sẽ được sử dụng tối đa. Bởi trí thông minh nhân tạo sẽ trở thành công cụ hỗ trợ cho các quyết định của người điều khiển, ý tưởng của họ giống như chức năng tích hợp số liệu của bộ cảm biến tiên tiến của F-22 và F-35. Tư lệnh Bộ tư lệnh tác chiến không quân Mỹ, tướng Gilmary Michael Hostage từng chủ trì hội nghị “Ưu thế trên không sau năm 2030” tại bang California và đưa ra quan điểm cùng phương pháp mới để nắm lấy quyền kiểm soát trên không. Mỹ hy vọng có thể dựa vào công nghệ của Thung lũng Silicon để giải quyết các thách thức công nghệ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6.
 Tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông và biển Hoa Đông: Diều hâu không thể biến thành bồ câu
Tổng thống Philippines Benigno Aquino
Tờ National Interest vừa đề cập đến 5 loại vũ khí đáng chú ý của Trung Quốc vì đó là mối đe dọa đối với quân đội Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với các nước này. Trong 5 loại vũ khí kể trên, đáng chú ý nhất là hệ thống phóng tên lửa siêu thanh WU-14 vừa được quân đội Trung Quốc thử nghiệm trong tháng 8 khi đạt tốc độ 5-10 Mach, rất khó có thể đánh chặn được 100% bằng các hệ thống tên lửa phòng không hiện nay. Sau khi biết Bắc Kinh có thể sử dụng hệ thống phóng tên lửa siêu thanh WU-14 bắn đầu đạn hạt nhân tấn công khu vực Bắc Mỹ, Washington đã thực sự quan ngại. Và một cuộc chạy đua chế tạo và phát triển vũ khí tấn công nhanh đang được Mỹ-Trung khởi động khi 2 nước liên tiếp thử nghiệm vũ khí siêu thanh.
Sau khi Bắc Kinh thử nghiệm (7/8) hệ thống phóng tên lửa siêu thanh WU-14, ngày 25-8, Washington cũng phóng thử nghiệm vũ khí tấn công nhanh. Tuy 2 cuộc thử nghiệm kể trên thất bại, nhưng việc này đã hình thành cuộc cạnh tranh đầy nguy hiểm khi Trung - Mỹ đều tham vọng sở hữu loại vũ khí có thể tấn công bất cứ nơi nào với quy mô toàn cầu bằng loại vũ khí siêu thanh (nhanh hơn tốc độ âm thanh tới 5 lần). Giới truyền thông Trung Quốc khẳng định, máy bay không người lái (UAV) CH-4 của Trung Quốc có tính năng vượt trội hơn UAV MQ-1 Predator của Mỹ về khả năng theo dõi, do thám, tấn công trên bộ.
Trang mạng Stripes (Mỹ) đưa tin, trước khi chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-35 hình thành khả năng chiến đấu, không quân Mỹ đã bắt đầu phát triển thế hệ thứ sáu. Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến không quân Mỹ Michael Hostage cho biết, họ đang nghiên cứu phát triển khái niệm máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu - sẽ khác hoàn toàn so với máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. Và thời điểm biên chế của chiến đấu cơ thế hệ thứ sáu là những năm 2030.
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Hãng Nghiên cứu thị trường IHS (Mỹ), chỉ 10 năm nữa (đến 2024), Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dự kiến trong vòng 10 năm tới (2014-2024), chi tiêu của người Trung Quốc sẽ nhiều gấp 3 lần hiện nay, đạt hơn 10 nghìn tỉ USD và các đầu tư cho tiêu dùng sẽ khiến nền kinh tế nước này phát triển nhanh. Và đến năm 2040, GDP của Trung Quốc sẽ nhiều hơn Mỹ gần 10.000 tỉ USD.
Dự tính, GDP của Mỹ năm 2014 khoảng 17,3 nghìn tỉ USD, trong khi GDP của Trung Quốc là hơn 10 nghìn tỉ USD. 4 năm trước (2010-2014), GDP của Mỹ gấp 2,5 lần Trung Quốc, nhưng hiện chỉ còn 1,7 lần.
Trong khi đó, theo kết quả điều tra dư luận được công bố hôm 9-9, có tới 93% người dân Nhật Bản có ấn tượng không tốt đối với Trung Quốc, tăng 2,9% so với năm 2013 và đây là con số kỷ lục kể từ khi cuộc điều tra được tiến hành cách đây 10 năm. Còn ấn tượng của người dân Trung Quốc đối với Nhật Bản tuy có cải thiện - tỷ lệ người dân có ấn tượng không tốt đối với Nhật Bản giảm 6% so với năm ngoái, nhưng vẫn ở mức 86,8%.
(Theo Petrotimes) Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét