Tuần qua, Quốc hội (QH) sôi động các
phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Câu chuyện được
quan tâm nhiều nhất là thực trạng nền kinh tế đang ở đâu? đời sống nhân dân
thế nào? đáng lạc quan hay không lạc quan?. Đề xuất của Chính phủ về việc
tăng trần bội chi ngân sách dấy lên một nỗi lo ngại trong tâm trạng của
nhiều đại biểu về hiệu quả của đầu tư công.
Đầu tư công cần được
tiếp tục, tuy nhiên phải có trọng điểm.
Thời gian qua, một số
công trình cảng biển được coi là đầu tư thiếu thiết thực
Ảnh: Lê Minh
Ghi nhận điều hành kinh tế thời gian
qua có những kết quả tốt, nhưng ĐBQH Trần Hoàng Ngân - Phó hiệu trưởng
trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính
sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, vẫn đầy lo lắng về việc thiếu chặt chẽ trong
kiểm soát đầu tư công dẫn đến lãng phí và tham nhũng.
PV: Thưa ông, có vẻ như đa số
các đại biểu đồng tình với đề xuất tăng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% và
phát hành thêm 17 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, nhưng trong một tâm
tư dễ nhận thấy là lo lắng nợ công tăng cao?
ĐBQH Trần
Hoàng Ngân: Điều khiến QH
lo lắng là bội chi ngân sách tăng ở mức cao làm nợ công và nợ Chính phủ
tăng nhanh. Hiện theo báo cáo nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng
đang ở mức cao, cần được cảnh báo. Tôi rất lo ngại khi tỷ lệ nợ công/GDP
của Việt Nam
cao nhất ASEAN. Cho nên chính sách tài khóa cần chặt chẽ và nâng cao kỷ
luật ngân sách, cần thắt lưng buộc bụng các khoản chi tiêu dùng để chi đầu
tư phát triển.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân -
Phó hiệu trưởng
trường Đại học Kinh tế
TP. Hồ Chí Minh
Điều khiến
nhân dân và đại biểu tâm tư là hiệu quả của đầu tư công những năm qua. Ông
đánh giá việc lãng phí và thất thoát đầu tư công hiện nay đang ở mức độ nào?
- Thật khó để
có thể nói ở mức nào, nguy hiểm hay cảnh báo. Dù ở trạng thái nào thì rõ
ràng đầu tư công trong những năm qua, nhiều phần là lãng phí, thất thoát,
dàn trải. Nó là nguyên nhân khiến nhiều công trình, dự án có tiền nhưng vẫn
dở dang, chưa thể hoàn thành. Có lẽ cũng chính sự thật đó - điều đã được
đánh giá ở các kỳ QH trước - nên đầu năm 2011, chúng ta đã có Nghị quyết
11. Tiếp đó là Chỉ thị 1792 của Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư
công. Đó là những giải pháp về mặt chính sách để giảm thiểu những nguy hại
trong đầu tư công đem lại.
Rõ ràng chúng
ta đã nhìn nhận được hậu quả xấu của đầu tư dàn trải, lãng phí và thất
thoát trong thời gian qua. Cho nên, theo tôi, điều đã xảy ra thì đã xảy ra
rồi. Tồn tại cũng đã tồn tại rồi. Điều quan trọng là từ những hệ lụy xấu đó
từ bây giờ chúng ta sẽ rút ra được kinh nghiệm, bài học gì? Liệu có đưa ra
được những phương án tối ưu nhất cho đầu tư công trong thời gian tới không?
Cử chi nói rất đúng, tiền nhà nước quyết tâm đầu tư, sao công trình mãi cứ
dở dang, chỉ có một nguyên nhân là đầu tư không hiệu quả.
Ông có thể
cho biết, đầu tư dàn trải có thể hiểu nguyên nhân do đâu? Vì sao luôn có
tình trạng tìm mọi cách để có được dự án từ nguồn ngân sách nhà nước?
- Chúng ta đã
bàn nhiều đến các công trình, dự án cho là "nhạy cảm” và thường đặt
câu hỏi, có lợi ích nhóm ở đây hay không? Lợi ích nhóm là nghi ngại mà nhân
dân vẫn hay gọi tên khi thiếu niềm tin. Tôi cho rằng chưa có cơ sở để có
thể khẳng định điều này. Tuy nhiên, nên lấy tiêu chí của công trình và dự
án để đánh giá. Nguyên nhân vì sao chậm trễ. Nguyên nhân vì sao đội giá.
Nguyên nhân vì sao không thể hoàn thành. Trách nhiệm thuộc về ai? Ai chịu
trách nhiệm. Nếu có "vấn đề” hoặc tham nhũng phải có "địa chỉ”
chịu trách nhiệm. Cũng không đánh đồng đầu tư dàn trải, lãng phí với tham
nhũng. Bởi sự dàn trải có khi đến từ ngay lúc hoạch định, lên dự án, chứ
chưa tính đến bước triển khai.
Vậy theo ông
quản lý như thế nào cho nguồn đầu tư có hiệu quả?
- Quan trọng
nhất vẫn là phải biết đầu tư vào đâu. Tức là có "địa chỉ” công trình
dự án. Điều này QH cần biết. Nhân dân cần biết. Tôi có thể ví dụ như đầu tư
cho Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, khu vực nông thôn theo chương trình mục tiêu
quốc gia... Những địa chỉ rõ ràng như vậy sẽ không có nhiều sự lo lắng, vì
biết tiền vào đâu, đầu tư cho điều gì. Tương tự như vậy, hơn 800 dự án,
công trình với nguồn vốn bổ sung gần 73.000 tỷ đồng, phải biết rõ bao nhiêu
tiền cho dự án nào, dự án nào trước, công trình nào sau. Phải có sự thẩm
định hiệu quả kinh tế, xã hội trước và sau khi hoàn thành. Đừng nghĩ dự án,
công trình cố gắng hoàn thành sẽ đem lại hiệu quả. Nếu hoàn thành mà không
hiệu quả cũng đồng nghĩa với sự lãng phí.
Đó là sự thật
của nhiều dự án trong thời gian qua, hoàn thành mà không hiệu quả, và gần
như buông lơi việc giám sát thẩm định hiệu quả kinh tế, xã hội sau khi hoàn
thành?
- Bởi thế mới
phải ưu tiên cho các công trình, dự án đem lại hiệu quả kinh tế. Chúng ta
thà chậm nhưng chắc. Còn hơn chỉ nhăm nhăm phấn đấu đạt thời gian tiến độ
để trả lời dư luận, nhưng khi hoàn thành không phát huy được hiệu quả cũng
trở thành vô nghĩa. Đó là chưa kể đến việc phát sinh những chi phí, tu bổ
tốn kém, vì đó vẫn là tiền của Nhà nước.
Quốc lộ 1A cần được
tăng cường đầu tư để hoàn chỉnh
Ảnh: Hoàng Long
Ông có nhắc đến 800 dự án,
công trình đang nằm trong nhóm được đề xuất đầu tư lần này. Vì sao một số
dự án, công trình trong số này lúc cắt giảm đầu tư công đã được bỏ ra nay
lại được đưa vào, như dự án Luồng sông Hậu?
- Thực tế cho thấy, một dự án được
xem xét đầu tư, khi ra quyết định phê duyệt đều có lý của nó. Cũng từ cái
lý đó người ta căn cứ trên nguồn tài chính, chứ không phải vì dự án có lợi
hay không có lợi.
Tất nhiên, Chính phủ và Quốc hội cần
phải xem xét thận trọng không chỉ dự án Luồng sông Hậu. Có tiêu chí rõ ràng
để đưa ra quyết định cuối cùng. "Địa chỉ” Bộ Kế hoạch và đầu tư phải
xem xét và chịu trách nhiệm về hiệu quả các dự án đó. Tôi được biết, trong
thời gian tới, QH sẽ bàn đến Luật Đầu tư công. Nếu được thông qua, sẽ là cơ
sở quan trọng để các dự án được vận hành theo quy định của luật pháp, đồng
thời để QH có căn cứ giám sát trước, trong và sau dự án. Kết hợp với sự
chịu trách nhiệm, tôi nghĩ các dự án sẽ được siết chặt lại, chỉ còn những
dự án có hiệu quả mà thôi.
Thưa ông, ĐB Dương Trung Quốc
đã nói về trách nhiệm của QH để xảy ra thất thoát lãng phí, tham nhũng
trong đầu tư công, "QH không vô can”. Làm thế nào để thể hiện được
trách nhiệm của QH trong quyết định chỉ tiêu ngân sách, trong giám sát tính
hiệu quả của đầu tư công?
- Theo tôi, gắn trách nhiệm cụ thể là
biện pháp hữu hiệu nhất.Trách nhiệm của QH đến đâu. Vai trò của các Bộ,
ngành như thế nào, trách nhiệm của địa phương đối với các dự án, công trình
ra làm sao? Nếu quy trách nhiệm cụ thể thì sẽ không có chuyện lợi dụng chủ
trương, lạm dụng công cụ để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Tôi lấy ví dụ địa phương. Công trình,
dự án, địa phương duyệt thì người đứng đầu chịu trách nhiệm. Để công trình
dở dang, nợ địa phương chưa thanh toán, thì đâu có quá khó khăn khi
"bắt lỗi” người ta phải chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.
Theo tôi, nếu có cơ chế phải chịu trách nhiệm cụ thể, các địa phương sẽ
"biết sợ”.
Ở góc độ một chuyên gia kinh
tế, theo ông việc phân bổ đầu tư công theo tiêu chí nào?
- Tôi vẫn bảo vệ quan điểm phải xây
dựng bộ tiêu chí đánh giá dự án đầu tư công dựa trên các yếu tố: Hiệu quả
kinh tế, sức lan tỏa, ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội... Từ đó sẽ
phân định rõ ràng được những địa phương nào cần đầu tư công trình. Kinh tế
đất nước đang khó khăn nên phải thận trọng trong việc chi. Ở đâu cấp bách,
cần thiết, thì không tiếc tiền của.
Xây dựng tiêu chí sẽ dễ bề giám sát,
kiểm soát. Thêm nữa sẽ tránh dàn trải, mỗi nơi một tý, cuối cùng không giải
quyết được yêu cầu đặt ra. Để hoạch định chiến lược rất cần những tiêu chí
đó.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Đại đoàn kết) Tuấn Việt thực hiện
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét