Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

13:47

 Chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam qua chứng cứ từ Trung Quốc


Các tài liệu cổ Trung Quốc ghi nhận việc thực thi chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ nhiều thế kỷ trước.
                                 
Các thư tịch cổ Trung Hoa như Đường thư nghệ văn chí đời nhà Đường, đề cập tới cuốn sách Giao Châu dị vật chí của Dương Phu với những chuyện kỳ dị ở Giao Châu (Việt Nam) trong đó khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc về Giao Châu. 

Đời Tống, sách Lĩnh ngoại đại đáp của Châu Khứ Phi cũng xác nhận “Vạn lý Trường Sa (quần đảo Hoàng Sa) tọa lạc tại Giao Chỉ dương (biển Giao Chỉ, tức Vịnh Bắc bộ ngày nay)”.
 

Đời nhà Minh, trong cuốn Vũ Bị Chí của Mao Nguyên Nghi gọi Biển Đông là Giao Chỉ dương và nhiều tài liệu chính sử nhà Minh cho biết, từ thế kỷ XV, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nguyên là địa bàn ngư nghiệp của Chiêm Thành đã trở thành lãnh thổ của Đại Việt, nhất là từ năm 1427, sau khi Lê Lợi đã đánh thắng quân Minh để giành lại chủ quyền cho Đại Việt.

Trong tập Hải Ngoại ký sự, quyển 3, viết năm 1696 của Hòa thượng Thích Đại Sán (người Trung Quốc) có nhiều đoạn miêu tả về Hoàng Sa gọi là “vạn lý Trường Sa” của Việt Nam. Hòa thượng Thích Đại Sán được Chúa Nguyễn Phúc Chu mời sang vùng Thuận Quảng vào năm 1695 và trở về nước năm 1697 để truyền bá Phật pháp. Những lần đi về qua vùng “vạn lý Trường Sa” bằng đường thủy, hay đến vùng Thuận Quảng: Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi..., Hòa thượng Thích Đại Sán đã nghiên cứu và viết lại hoạt động của đội Hoàng Sa, thực thi chủ quyền của Việt Nam, trong Hải ngoại ký sự khá tường tận.
 


Trong bộ Hải Quốc Đồ Ký, cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) đã so sánh các điều mắt thấy tai nghe do Tạ Thanh Cao, một thủy thủ Trung Quốc từng đi nhiều nơi kể lại: “Vạn Lý Trường Sa (Hoàng Sa) là dải cát dài ngoài biển được dùng làm phên dậu che chắn mặt ngoài bờ cõi nước An Nam”.

Cuốn Trung Quốc địa lý học giáo khoa thư xuất bản năm 1906 đời nhà Thanh ở trang 241 có ghi: “Điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Châu Nhai thuộc quận Quỳnh Châu (Hải Nam) tại vĩ tuyến 18 độ 13’ Bắc”. Trong khi quần đảo Hoàng Sa tọa lạc về phía nam, có tọa độ từ vĩ độ 15 độ 45’ đến 17 độ 15’ Bắc và quần đảo Trường Sa có tọa độ từ vĩ độ 06 độ 00’ đến 12 độ 00’ Bắc. Như vậy, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn không nằm trong lãnh thổ Trung Quốc.

Cho tới đầu thế kỷ XX, không một tài liệu nào (cả sách và bản đồ) của Trung Hoa xác định Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Hoa.

Thế nhưng, từ đầu thế kỷ XX, Trung Quốc bắt đầu dòm ngó và tranh chấp Biển Đông, bước đầu tiên là khu vực biển đảo phía Bắc, đến giữa thể kỷ hình thành yêu sách toàn bộ Biển Đông với các mốc chủ yếu sau: năm 1909 ra Hoàng Sa; năm 1946 vẽ yêu sách “lưỡi bò” (chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông nhưng chỉ đến tháng 5/2009 mới chính thức đưa ra yêu sách này) đồng thời ra chiếm nhóm phía đông của quần đảo Hoàng Sa và đảo Ba Bình ở Trường Sa; năm 1956, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đóng giữ phần phía đông của Hoàng Sa, Đài Loan tái chiếm giữ đảo Ba Bình ở Trường Sa; năm 1958, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra tuyên bố chính thức yêu sách chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; năm 1974, chiếm phần phía tây của quần đảo Hoàng Sa; năm 1988 đánh chiếm một số điểm trên quần đảo Trường Sa; năm 1995, đánh chiếm thêm Vành Khăn, phía nam quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, coi Hoàng Sa và vùng biển kế cận là thuộc chủ quyền lãnh thổ đương nhiên và không thể tranh cãi; toàn bộ quần đảo Trường Sa (và vùng biển kế cận) thừa nhận có tranh chấp, chủ trương “chủ quyền Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác”.

Từ những năm 1990, với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế, Trung Quốc bắt đầu xây dựng và triển khai chiến lược biển mới, đẩy mạnh sự kiểm soát và khai thác các vùng biển gần và vươn ra các đại dương. Năm 1995, Trung Quốc đưa ra “Chiến lược khai thác biển” với mục tiêu biến Trung Quốc thành cường quốc thế giới về biển; có khả năng kiểm soát và khống chế đường biển, khai thác tài nguyên biển. Trung Quốc cho rằng, không thể trở thành cường quốc toàn diện nếu không phải là cường quốc biển.

Về khai thác tài nguyên, Trung Quốc chủ trương khai thác biển xa trước, biển gần sau, biển có tranh chấp trước, biển thuộc chủ quyền Trung Quốc sau, ngoại giao đi trước hải quân đi sau, văn công, vũ vệ; phân hóa, chia rẽ ASEAN, tranh thủ và hạn chế Mỹ, Nhật. Về phương thức hợp tác, Trung Quốc chủ trương lấy song phương là chính, đa phương khi Trung Quốc giữ vai trò chủ đạo. Hướng chính ra biển của Trung Quốc là Biển Đông, nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, các nước lớn không còn căn cứ quân sự và các nước nhỏ liên quan đều yếu về quân sự.

Trước những yêu sách và hành động vô lý của Trung Quốc, nhiều học giả của Trung Quốc đã lên tiếng phản đối mà điển hình là học giả Lý Lệnh Hoa, nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu Hải dương Quốc gia Trung Quốc, giáo sư Lý Quốc Hưng thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, học giả có bút danh “Bao Phác Tiên Nhân”…

Học giả Lý Lệnh Hoa đã phát biểu: Đường 9 đoạn trên Nam Hải là một đường hư ảo. Tiền nhân của chúng ta vạch ra đường 9 đoạn không hề có kinh độ hay vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp luật…, trên toàn thế giới từ xưa đến nay không hề có đường biên giới trên bộ hay trên biển hư ảo. Họ tự vẽ bản đồ “đường lưỡi bò” trùm lên các khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Malaysia, Philippines, Việt Nam, Brunei và sát với vùng biển Natuna được đánh giá rất giàu tiềm năng khí đốt của Indonesia.

Ông cũng kịch liệt phản đối động thái thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và lên án hành động chính quyền Trung Quốc cho Công ty Dầu lửa Hải Dương mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Ông khẳng định: “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là một công ước vĩ đại, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc sống và tương lai tốt đẹp của nhân dân các nước trên thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc. Vấn đề Nam Hải tuy cũng liên quan các luật quốc tế khác, nhưng giải quyết vấn đề Nam Hải, như địa vị pháp lý của các đảo nhỏ, xác định đường cơ sở lãnh hải và nguyên tắc phân định ranh giới biển, đều chủ yếu dựa vào các điều khoản của Công ước”.

Như vậy, một lần nữa, từ các chứng cứ của Trung Quốc, chúng ta khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo Báo Hậu Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét