11:25
Vì sao chỉ
có ACB và "bầu" Kiên bị sờ gáy?
(PetroTimes) - Một loạt các ngân hàng đã vì hám lợi mà làm trái quy định về tiền
tệ, mắc bẫy siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như. Nhưng vì sao mới chỉ có Ngân hàng
ACB và Nguyễn Đức Kiên bị xử lý?
Bản cáo trạng của
Viện kiểm sát nhân dân tối cao truy tố Huỳnh Thị Huyền Như đã hé mở rất nhiều
tình tiết đáng quan tâm. Đó là không chỉ có "bầu" Kiên và Ngân hàng
ACB mà còn có một loạt các ngân hàng khác vì hám lợi mà bất chấp các quy định
về tiền tệ, khiến cho cổ đông thất thu hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỉ
đồng. Điều này đã góp phần tạo ra cơn bão tài chính, tiền tệ làm ảnh hưởng
đến nền kinh tế nước ta trong một thời gian dài.
Thật bất ngờ, con số
718,9 tỉ "dắt" Nguyễn Đức Kiên và bộ sậu gồm Trần Xuân Giá, Phạm
Trung Cang, Trịnh Kim Quang... vào vòng lao lý chưa là gì so với con số thiệt
hại của nhiều ngân hàng khác.
"Bầu" Kiên và nhiều ngân hàng đã mắc bẫy Huỳnh Thị Huyền
Như.
- Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) thông qua 3 công ty là Công ty TNHH Đầu tư Phúc Vinh, Công ty CP
Đầu tư Thịnh Phát và Công ty CP Thương mại và Đầu tư Hưng Yên đã gửi 2.501 tỉ
đồng vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với lãi suất từ 18 – 22%/năm theo thoả
thuận với Huỳnh Thị Huyền Như và đã bị Như chiếm đoạt 1.598 tỉ đồng.
- Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) thông qua 14 nhân viên để gửi tổng số tiền 1.543 tỉ đồng vào
Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh với lãi
suất từ 16,5 – 22,5%/năm theo thoả thuận với Huỳnh Thị Huyền Như và bị Như
lừa đảo chiếm đoạt 200 tỉ đồng.
- Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông qua 19 nhân viên để gửi tổng số tiền 718,9 tỉ đồng vào
Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh và Vietinbank chi nhánh Nhà Bè với lãi
suất từ 17,8 – 18,5%/năm theo thoả thuận với Như và bị Như lừa đảo chiếm đoạt
toàn bộ....
Ngoài ra, còn một số
ngân hàng khác cũng nằm trong bản danh sách này. Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ
mới có Ngân hàng ACB mà cụ thể là "bầu" Kiên và một số người cầm
đầu "nhập kho".
Ngoài ra, theo Cơ quan
Cảnh sát điều tra Bộ Công an thì bên cạnh yếu tố lãi suất, trong quá trình
thực hiện các giao dịch với Như, các ngân hàng cũng bộc lộ không ít sơ hở. Cụ
thể:
Với MSB: Trong quá trình thực hiện giao dịch với
Như, MSB đã thiếu kiểm tra các hợp đồng dòng tiền gửi, trong đó có nhiều nội
dung bất thường như ký hợp đồng với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè lại gửi tiền
vào Vietinbank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, khi tiền về tài khoản thì Như được
tự trích nên đã bị Như và đồng phạm lợi dụng lập hợp đồng giả, gửi tiền vào
Vietinbank (Chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP Hồ Chí Minh).
Với ACB: Trong quá trình thực hiện việc gửi tiền,
ban lãnh đạo ngân hàng đã không quản lý tốt cán bộ để một số cán bộ lợi dụng
chủ trương uỷ thác cho nhân viên đi gửi tiền của ACB tại Vietinbank và hưởng
tiền chênh lệch lãi suất.
Với Navibank: Trong quá trình thực hiện việc gửi tiền,
ban lãnh đạo ngân hàng đã không quản lý tốt cán bộ để những cán bộ này lợi
dụng tư lợi cá nhân, hưởng tiền chênh lệch lãi suất với số tiền trên 20 tỉ
đồng.
Cơ quan công tố cũng
khẳng định: Hành vi của các đối tượng ở nhiều ngân hàng đã nêu là vi phạm
pháp luật. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc xử lý thì mới thấy nói đến việc xử
lý các cán bộ ở Ngân hàng ACB, mặc dù thủ đoạn, hành vi vi phạm của các đối
tượng này là tương đối giống nhau.
Công luận chờ đợi sự
vào cuộc mạnh mẽ và công tâm của các cơ quan thực thi pháp luật.PetroTimes sẽ tiếp tục mổ xẻ, phân tích hành vi
"luồn lách" của một số ngân hàng để chứng minh quan điểm: Về thực
chất, sai phạm của các ngân hàng này không khác nhiều so với sai phạm của
Ngân hàng ACB và Nguyễn Đức Kiên!
Nhóm phóng viên PetroTimes
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét