Tại hội thảo đầu tuần này,
ông Sumit Dutta, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, đưa ra dự báo lạc
quan: dự trữ ngoại hối Việt Nam năm 2013 ở khoảng 30 tỷ USD, 2014 là khoảng
35 tỷ USD và 2015 sẽ đạt 40 tỷ USD.
40 tỷ USD đạt được trong
hai năm tới. Một số chuyên gia tại hội thảo đó có vẻ hoài nghi, hay gián tiếp
khó tin khi nhìn nhận ở mức độ mong muốn của dự báo.
Nhưng, diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối Việt Nam đã từng
có những hiện thực tưởng như không thể.
Nhiều năm về trước, khi tỷ lệ đô la hóa của Việt Nam trên 30%, được xem là trầm
trọng theo “thước đo” của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). TS. Tô Kim Ngọc, Phó
giám đốc Học viện Ngân hàng nhớ lại, tại thời điểm đó, giảm được tỷ lệ đô la
hóa xuống 15% đã là điều không tưởng. Nhưng nay, kết quả thực tế chỉ còn 12%.
Vài năm về trước, khi sống trong những cú sốc của tỷ giá, có lẽ những người
lạc quan cũng không nghĩ hai năm liên tiếp tỷ giá USD/VND chỉ thay đổi quanh
+/-1%. Thực tế, nhiều dự báo của chuyên gia, tổ chức quốc tế đều trượt xa
trong năm 2012 và cả 2013 này.
Trở lại dự báo của ông Sumit Dutta, dĩ nhiên nó có hàm lượng uy tín và cơ sở.
Bản tham luận của vị sếp ngoại từng nhiều năm gắn bó với thị trường Việt Nam có thông điệp khá hấp dẫn: “Nhìn từ bên
ngoài, Việt Nam
có triển vọng tươi đẹp”. Minh chứng cho góc nhìn này là tiềm năng của một
quốc gia dân số trẻ, chính trị ổn định, nhiều ngành hàng có triển vọng phát
triển nhanh và hấp dẫn đầu tư…
“Nhìn từ bên ngoài”, có thể hiểu đó là góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ở
đây là Tổng giám đốc HSBC Việt Nam. Là nhà đầu tư nước ngoài,
điều họ quan tâm nhất là gì? Nhiều yếu tố, nhưng nhức nhối nhất những năm
trước là biến động tỷ giá.
Các lần phá giá liên tục từ 2008 - 2011 với mức độ lớn đã trở thành nỗi ám
ảnh của vốn ngoại, nhất là các quỹ đầu tư trên sàn chứng khoán. Còn nhớ giữa
năm 2011, tại một buổi gặp gỡ đại diện lãnh đạo các quỹ đầu tư nước ngoài tại
Việt Nam,
nhận định chung đưa ra là nỗi sợ tăng tỷ giá. Trao đổi bên lề, một giám đốc
quỹ nói rằng tỷ giá ở Việt Nam giống như viên sỏi trong giày họ, và họ có cảm
giác bị “móc túi” qua những lần phá giá VND liên tục và mạnh.
Một đại diện quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản khi đó chia sẻ rằng, nửa cuối 2011 và
cả 2012 họ sẽ cầm chừng và chờ đợi; đến năm 2013 mới có thể kỳ vọng có cơ hội
sinh lời. Dường như thị trường chứng khoán năm 2013 đúng là đã có chiều hướng
tốt hơn, ít nhất là không quá tệ như vài năm trước.
Ở dự báo của mình, ông Sumit Dutta cũng nhấn mạnh đến yếu tố ổn định tỷ giá
USD/VND trong hai năm qua. Điều này giúp dòng vốn đầu tư nước ngoài trở lại,
đặc biệt tăng rất nhanh và mạnh từ tháng 4/2013 đến nay. Tỷ giá ổn định được
xem là lợi thế thu hút của Việt Nam trong khu vực, dĩ nhiên là
bao gồm nhiều yếu tố khác nữa.
Thống kê của chuyên gia HSBC cho thấy, tính từ đầu năm đến tháng 8/2013, Việt
Nam
là quốc gia có đồng tiền ổn định thứ ba trong khu vực châu Á (sau Trung Quốc
và Hồng Kông). Sự mất giá mạnh của đồng nội tệ tại nhiều quốc gia và nền kinh
tế trong kỳ so sánh trên thực sự là “viên sỏi lớn” trong giày khối ngoại,
theo như cách nói của vị quản lý quỹ trên.
Cụ thể, tại những thị trường được xem là cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Thái Lan,
Philippines, Malaysia…,
đồng nội tệ mất giá từ 5,4% - 9%. Hay tại Nhật Bản, mức mất giá là 11,17%,
tại Indonesia
là 12,68%, tại Ấn Độ lên tới 15,47%...
Sự ổn định của tỷ giá USD/VND kích thích vốn ngoại trở lại Việt Nam sau cú
đảo chiều 2008 - 2009. Và đây là một trong những cơ sở để ông Sumit Dutta lạc
quan dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng lên 35 tỷ USD vào năm 2014,
đạt 40 tỷ năm 2015.
Với một thị trường ngoại hối vẫn tiềm ẩn những rủi ro, với một nền kinh tế có
độ mở ngày một lớn, dự báo đó là khá xa (về thời gian). Song, Tổng giám đốc
HSBC Việt Nam cũng đưa ra
một dẫn chứng rất tươi mới: “bồ thóc ngoại tệ” trong nhà Việt Nam đã đầy
lên khoảng 200% chỉ trong vòng hai năm qua - điều mà vài năm trước hẳn ít ai
“mơ mộng” đến.
Thông tin cập nhật bên lề, kể từ ngày 10/10 đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn
mua vào ngoại tệ khá đều; tỷ giá USD/VND trên liên ngân hàng liên tục nằm
dưới mức mua vào của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước…
Với cung ngoại tệ thuận lợi, ông Sumit Dutta dự báo, đến cuối năm nay tỷ giá
USD/VND sẽ chỉ nằm ở khoảng 21.250 VND; năm 2014 cũng chỉ giao động khoảng
21.500 VND, thậm chí năm 2015 vẫn ở khoảng 21.500 VND.
Chỉ còn 40 ngày nữa để kiểm chứng mốc dự báo khoảng 21.250 VND. Nhiều khả
năng lần thứ ba liên tiếp cam kết giữ ổn định của Ngân hàng Nhà nước được đảm
bảo. Điều quan tâm hơn là liệu có một cam kết tương tự cho năm 2014 hay
không?
Trao đổi với đại biểu Quốc hội trong khuôn khổ kỳ họp đang diễn ra, Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước cho biết, ổn định tỷ giá là hướng lựa chọn của chính sách
điều hành, bởi qua đó giúp thực hiện được nhiều mục tiêu đồng thời.
Thứ nhất, do tỷ giá và lạm phát có mối quan hệ tác động lẫn nhau, tỷ giá ổn
định góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ hai, tỷ giá ổn định tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước chủ động điều
hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất, hỗ trợ sản
xuất kinh doanh, góp phần tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, tỷ giá ổn định tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tăng dự trữ ngoại
hối, nâng cao tiềm lực tài chính cho quốc gia.
Thứ tư, tỷ giá ổn định cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động hơn
trong việc lập và thực hiện kế hoạch kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và kiểm
soát chặt chẽ việc nhập khẩu.
“Việc điều chỉnh tỷ giá cần đảm bảo phù hợp với tín hiệu thị trường và cân
nhắc thận trọng các tác động đến lạm phát và tiến trình ổn định kinh tế vĩ
mô, đến môi trường đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, đến nghĩa vụ nợ
nước ngoài của Chính phủ cũng như của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối
cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn. Trong dài hạn, điều hành chính sách
tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát là biện pháp căn cơ nhất để ổn định và nâng
cao giá trị của đồng Việt Nam”,
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói.
Một cam kết tương tự như cuối 2011, trong 2012 và 2013 cho năm 2014 hiện còn
để ngỏ, cũng có thể do còn khá sớm. Song, nếu có, nên được hiểu thế nào? Nó
sẽ tạo lập niềm tin vào chính sách điều hành, nhưng cũng có thể làm méo mó kỳ
vọng của thị trường?
Như từng đề cập trước đây, một lãnh đạo cao cấp khác của Ngân hàng Nhà nước,
chuyên trách mảng ngoại hối trả lời VnEconomy rằng, thời gian qua, trước khi
đưa ra một khoảng cam kết, nhà điều hành đã phải tập trung tính toán các mô
hình định lượng, phải vượt qua được các phản biện, chứ không phải là một cam
kết theo mong muốn chủ quan.
Và một khi đưa ra cam kết, Ngân hàng Nhà nước bằng mọi cách để thực hiện -
điều đã từng được “thử” ít nhất hai lần từ đầu năm đến nay.
Với năm 2014, điều có thể khẳng định lúc này, tiếp tục gia tăng nguồn lực dự
trữ ngoại hối là một mục tiêu. Nếu đạt được mức 35 tỷ USD, tiến tới 40 tỷ USD
như dự báo của chuyên gia HSBC, vị thế của Việt Nam nhìn từ bên ngoài hẳn sẽ
thêm phần cải thiện. Và nếu vậy, một giá trị cụ thể là, khi hình ảnh tốt lên,
chi phí tìm vốn bên ngoài sẽ dễ chịu hơn - con đường mà ngoài Chính phủ còn
có nhiều doanh nghiệp thử sức.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này vẫn chưa có bất kỳ một kịch bản ngược nào
được công bố hay đặt ra để suy xét cụ thể cho năm 2014: tình huống dự trữ
ngoại hối giảm và tỷ giá biến động mạnh, hay áp lực đối với định hướng giữ ổn
định tỷ giá. Bởi ngoài các cân đối nội tại, như trên, độ mở hội nhập rộng hơn
đồng nghĩa với nhiều luồng gió thổi vào mạnh hơn, và không hẳn luôn là mát
mẻ...
(Theo
VnEconomy) Minh Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét