09:06
Khai quật "hài cốt liệt sỹ" tại Bình Phước:
Có chỉ đạo công nhận hay không?
Dường như UBND tỉnh Bình Phước đã quá vội vàng cho tổ chức lễ
truy điệu và an táng số "hài cốt" được "cậu Thủy" tìm
thấy với nhiều nghi vấn.
“Phải chờ kết quả xét nghiệm DNA”
Thời gian gần đây, từ
một số thông tin và hình ảnh về lễ an táng trọng thể dành cho “15 bộ hài cốt
liệt sĩ” được tìm thấy bởi ông Nguyễn Thanh Thúy (còn gọi là "cậu
Thủy") tại Bình Phước, nhiều người đã đặt nghi vấn về việc, liệu có hay
không một sự chỉ đạo của UBND tỉnh buộc các cơ quan liên quan phải công nhận
số xương trên là hài cốt liệt sĩ.
Trao đổi với PV
Infonet, ông Võ Văn Mãng – Phó Giám đốc Sở Lao động – thương binh – xã hội
(Sở LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Phước khẳng định: “Tỉnh chưa hề có bất cứ văn bản nào
chỉ đạo công nhận đó là hài cốt liệt sĩ, trong đó Sở LĐ-TB-XH còn là nơi đầu
tiên đặt ra những nghi vấn và đưa các mẫu xương đi xét nghiệm DNA”.
Ông Mãng tiếp tục cho
biết: “Khi có thông tin từ Ngân hàng CSXH về việc phát hiện có hài cốt liệt
sĩ trên địa bàn tỉnh thì Sở LĐ-TB-XH với tư cách là cơ quan tham mưu có xin ý
kiến của UBND và UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo về việc phối hợp khai quật chứ
không phải là chỉ đạo công nhận, việc công nhận hay không phải chờ kết quả
chính thức từ xét nghiệm DNA”.
Tuy vậy theo tài liệu
lưu lại Sở LĐ-TB-XH thì sau khi ông Thúy phát hiện và cất bốc 15 “bộ hài cốt”
vào ngày 29/1/2013, UBND tỉnh đã có một văn bản gửi xuống các sở ngành với
nội dung giao trách nhiệm cho những nơi này phối hợp tổ chức lễ truy điệu và
an táng cho những “bộ hài cốt" trên với những nghi thức dành cho liệt sĩ
(điều lạ là văn bản này không có chữ ký và con dấu).
Chính từ văn bản này
và buổi lễ được tổ chức sau đó khiến nhiều người nghĩ rằng UBND tỉnh đã mặc
nhiên công nhận số xương trên là “hài cốt liệt sĩ”.
Liên quan đến vấn đề
này, PV đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Văn Thành – Chánh văn phòng UBND tỉnh
Bình Phước: “Nếu có nhiều nghi vấn như vậy thì tại sao UND tỉnh lại quyết
định tổ chức lễ truy điệu và an táng rất trọng thể mà không chờ đến khi có
kết quả giám định DNA?”.
Trả lời câu hỏi này
ông Chánh văn phòng cho rằng: “Tôi nghĩ tất cả hài cốt quy tập tại đây lãnh
đạo và nhân dân tỉnh Bình Phước đều trân trọng, mặc dù chưa khẳng định hài
cốt này đúng hay không, nên vẫn tổ chức lễ truy điệu bình thường, sau này nếu
có xác định là có hay không thì lãnh đạo tỉnh sẽ có hướng xử lý sau”.
Về việc UBND tỉnh có
gây áp lực để các cơ quan liên quan buộc phải công nhận đó là hài cốt liệt sĩ
hay không, ông Thành cho biết: “Tôi cũng mới về công tác từ ngày 1/4, do thời
gian tương đối ngắn nên tôi sẽ kiểm tra lại và sẽ có trả lời”.
Dường như UBND tỉnh
Bình Phước đã quá vội vàng cho tổ chức lễ truy điệu và an táng số "hài
cốt" trên trong khi ngay từ lúc thực hiện khai quật nhiều người đã có
những nghi ngờ, và chỉ sau lễ an táng một ngày (31/1) những điểm bất hợp lý
này đã được Đội K72 trình bày rõ ràng trong một báo cáo gửi Ban chỉ huy quân
sự tỉnh.
Có thể hiểu được sự
“băn khoăn” của UBND tỉnh khi vẫn ra quyết định tổ chức lễ truy điệu và an
táng theo nghi thức dành cho liệt sĩ dù có xuất hiện nghi vấn, nhưng nếu UBND
tỉnh quyết định quàn lại số hài cốt trên và chờ đến khi có kết quả xét nghiệm
DNA thì có lẽ ông Thúy sẽ không thể tiếp tục thực hiện hai cuộc khai quật
khác tại Đăk Lăk và Quảng Trị với nhiều dấu hiệu lừa đảo như tại Bình Phước.
“Tất cả hài cốt đều
không có răng”
Về sự việc ông Nguyễn
Thanh Thúy thực hiện “áp vong” tại Bình Phước và tìm được “15 bộ hài cốt liệt
sĩ”, PV Infonet đã
có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Mãng – người đã theo sát quá trình “tìm mộ”
của ông Thúy. Qua đây có thể thấy từ những ngày đầu tiên ông Thúy và đồng sự
đã bị nghi ngờ.
Theo ông Mãng, ngay từ khi các “vong” chỉ vị trí có hài cốt liệt sĩ tại ấp Xa Cam 1, hường Hương Chiến, thị xã Bình Long vào ngày 28/1/2013, một số người trong đoàn đã đặt câu hỏi bởi nơi này chỉ cách Quốc lộ 13 khoảng 70m, trong khi đó Quốc lộ 13 thời chống Mỹ được coi là chiến trường đẫm máu, do quân Mỹ sợ bộ đội phục kích nên hai bên đường đều được phát quang tới 100m, bởi vậy rất khó có chuyện “lính mình” lại ra tận đây đào huyệt chôn đồng đội.
“Khu vực này có nhiều người dò sắt vụn
nên việc đào bới rất bình thường, do đó nếu thời gian trước đây người của ông
Thúy có đào và đặt xương xuống thì cũng không phân biệt được".
“Số tiền 75 triệu đồng/bộ hài cốt hoàn
toàn là thỏa thuận giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội và ông Thúy, Sở LĐ-TB-XH
Bình Phước hoàn toàn không liên quan, chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp thực
hiện tìm kiếm khi phát hiện hài cốt".
Ông Võ Văn Mãng
Đến khi thực hiện
khai quật thì hàng loạt vấn đề bất hợp lý khác tiếp tục lộ ra theo từng lớp
đất. Đầu tiên là độ sâu từ mặt đất tới khi gặp xương. Nhiều người cho biết,
khu vực này đã 3 lần trồng cao su do đó bị cày xới nhiều lần, có những lần
“cày phá lâm” sâu tới 60cm nhưng không thấy bất cứ điều gì, tuy vậy tại ba vị
trí khai quật, ông Thúy và cộng sự chỉ đào khoảng 35-40cm đã gặp xương và “di
vật”.
Tiếp theo là một dấu
hỏi lớn khi trong 12 bộ “hài cốt” được lưu lại (ba bộ đã được thân nhân mang
về) đều không có bất kỳ chiếc răng nào, đây là điểm bất thường bởi răng là
phần rất khó phân hủy.
Ông Mãng cho biết,
đối với ba bộ hài cốt được thân nhân đưa về, do có tên tuổi, đơn vị nên sau
đó cơ quan chức năng đã tiến hành tra cứu trong dữ liệu của quân đội thì được
biết một liệt sĩ hy sinh tại Bình Dương (cách vị trí khai quật khoảng 100km),
2 người còn lại cũng hy sinh cách vị trí này khoảng 3km, và ba liệt sĩ này hy
sinh cách nhau 2 năm, nhưng lại được chôn cùng tại đây (?).
Thêm vào đó, những
huy hiệu được tìm thấy lẫn trong xương đều có nền là màu đỏ hoàn toàn, trong
khi đáng lẽ thời gian này (lúc các liệt sĩ được cho là hy sinh) huy hiệu phải
có một nửa xanh, nửa đỏ (hai màu biểu tượng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng
Miền nam Việt
Báo cáo của quân đội
Tham gia vào đợt khai
quật này còn có đội K72 (Đội quy tập hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quận sự tỉnh
Bình Phước) với vai trò giám sát, tất cả những nghi ngờ trên tiếp tục được
đội K72 ghi nhận chặt chẽ và trình bày trong báo cáo ngày 31/1/2013 với chữ
ký của đại tá Nguyễn Văn Bình – Đội trưởng.
Theo đó đội K72 đã
đưa ra bảy điểm nghi vấn chính đối với cuộc khai quật diễn ra vào ngày
29/1/2013 của ông Thúy và đồng sự.
Thứ nhất, 3 vị trí có
“hài cốt” nằm theo hình tam giác nhưng không hề ảnh hưởng đến công trình công
cộng và cây cao su tại đây.
Thứ hai, các bình
tông tại ba vị trí đều được đặt nằm ngang, cùng chiều nhau.
Thứ ba, trong hai hố
chôn tập thể (ví trí 1 có 7 hài cốt, vì trí 2 có 6 hài cốt – theo lời ông
Thúy) nhưng diện tích khai quật lấy được hài cốt chỉ từ 1m x 1,5m, điều này
không phù hợp với thực tế chôn mộ tập thể.
Thứ tư, theo ông
Thúy, các hài cốt nằm chồng chất lên nhau nhưng tại những vị trí được cho là
xương sọ lại nằm trên cùng một mặt phẳng.
Thứ năm, theo thân
nhân của các liệt sĩ thì năm hy sinh của họ khác nhau nhưng lại được chôn
cùng một khu vực, trong khi đó ông Thúy cho rằng họ cùng hy sinh trong một
trận càn.
Thứ sáu, những di vật
kèm theo như dép cao su, huy hiệu, bình tông… đều còn mới, các đầu đạn không
phải loại bắn ra từ nòng súng.
Thứ bảy, vật mà người
của Ngân hàng Chính sách Xã hội cho là kim khí (lấy lên từ vị trí khai quật
số 1) thực chất là vỏ quả cao su.
Từ những nghi vấn
này, sau khi thực hiện lễ an táng, Đội K72 đã cùng Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình
Phước và Ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh tiến hành khai quật lại số hài
cốt vừa an táng thì tiếp tục phát hiện nhiều điểm bất thường.
Như trọng lượng xương
nặng hơn xương của liệt sĩ mà đội K72 đã từng cất bốc, lõi xương có cát và
bột xi măng, trong khi khu vực này là đất đỏ bazan, hình dáng không giống với
xương người…
Với tất cả những nghi
vấn trên, Đội K72 và Sở LĐ-TB-XH đã xác định đây không phải hài cốt. Và kết
quả giám định gien của Viện công nghệ sinh học vào ngày 8/8/2013 đã thêm một
lần nữa khẳng định: “DNA tách từ các mẫu hài cốt trên không cho kết quả nhân
bản PRC - đoạn gien đặc hiệu vùng D-loop của người”.
* Hình ảnh sử dụng
trong bài được cung cấp bởi Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Phước.
(Theo Infonet) Nguyễn Cường
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét