Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

08:25

 Các vụ án oan sai:
Chánh án không quên “chuyền trách nhiệm”
                        
“Trong quá trình điều tra có sự tham gia của VKS từ việc khởi tố, bắt giam, điều tra, truy tố và thực hành quyền công tố. Nếu có ép cung, nhục hình thì VKS cũng phải có trách nhiệm... Luật sư cũng tham gia vào quá trình này, cũng có trách nhiệm là luật sư

Phiên chất vấn Chánh án Toà án nhân dân Tối cao “nóng” ngay từ phút đầu, hàng loạt câu hỏi về án oan sai được đặt ra. Nhiều đại biểu quốc hội hỏi thẳng về trách nhiệm của Chánh án khi để xảy ra oan sai. Dù thừa nhận trách nhiệm, nhưng Chánh án Toà án nhân dân Tối cao không quên chuyền “quả bóng trách nhiệm” sang cơ quan điều tra, cơ quan truy tố và cả luật sư.
Làm gì để chống oan sai?
Đại biểu QH xuất thân từ ngành kiểm sát Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) là người đầu tiên đặt câu hỏi: “Hằng năm vẫn có hàng chục ngàn đơn xin giám đốc thẩm, tái thẩm, điều đó chứng tỏ rằng, niềm tin của người dân vào công lý chưa cao, vậy Chánh án có giải pháp gì để lấy lại niềm tin của nhân dân?”.
Dẫn chứng cụ thể vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, ông Thuyền vẫn chưa buông tha: Trách nhiệm ngành TA đến đâu? Chánh án có giải pháp gì để minh oan, bồi thường thiệt hại cho người dân và liệu còn có bao nhiêu con thỏ mà lại tuyên là con gấu hay không?
ĐB Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) của QH - đặt câu hỏi chung cho cả 3 người đứng đầu cơ quan tố tụng: Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an. Qua vụ Nguyễn Thanh Chấn và một số vụ án oan cho thấy có lỗi của cả cơ quan điều tra, của viện kiểm sát và tòa án, vậy trách nhiệm của Chánh án, Viện trưởng và Bộ trưởng như thế nào trong việc để xảy ra một số vụ điều tra, truy tố, xét xử oan và giải pháp nào để chống oan trong thời gian tới?

 
“Thời gian qua có những phản ánh, có những bị can bị điều tra viên ép cung, nhục hình nên đã phải nhận tội mà mình không thực hiện, vậy đồng chí có những giải pháp gì để chống những vi phạm này? Chánh án có giải pháp gì để tổng kết giúp cho các thẩm phán khi xét xử phát hiện ra việc bức cung, nhục hình khi điều tra”.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga 
Vị Phó Chủ nhiệm nổi tiếng “cứng rắn” đặt vấn đề tiếp: “Thời gian qua có những phản ánh, có những bị can bị điều tra viên ép cung, nhục hình nên đã phải nhận tội mà mình không thực hiện, vậy 3 đồng chí có giải pháp gì để chống những vi phạm này? Chánh án có giải pháp gì để tổng kết giúp cho các thẩm phán khi xét xử phát hiện ra việc bức cung, nhục hình khi điều tra”.
Không chờ câu trả lời, bà Nga đưa ngay giải pháp: “Lắp camera giám sát việc hỏi cung và giao công tác quản lý giam giữ cho một cơ quan khác, không phải là công an để tránh việc cùng một chủ thể vừa có quyền điều tra lại vừa có quyền giam giữ, sẽ dẫn đến lạm quyền”.
Bức cung, nhục hình có trách nhiệm của luật sư?
Chánh án Trương Hòa Bình cho rằng: “Việc xác định có oan sai hay không phải theo quy định của pháp luật rất chặt chẽ, còn dư luận thì đó là dư luận”. Để xác định có oan hay không, ông Bình đề nghị “Các vị ĐBQH chờ các cơ quan có trách nhiệm giải quyết”.
Thừa nhận việc bức cung, nhục hình là không chấp nhận được, nhưng ông Bình biện minh rằng: “Trong quá trình điều tra có sự tham gia của VKS từ việc khởi tố, bắt giam, điều tra, truy tố và thực hành quyền công tố. Nếu có ép cung, nhục hình thì VKS cũng phải có trách nhiệm”.
Không chỉ “đổ” trách nhiệm cho VKS, Chánh án TAND Tối cao còn quy trách nhiệm cho cả luật sư: “Luật sư cũng tham gia vào quá trình này, cũng có trách nhiệm là luật sư nếu có phát hiện ra có ép cung, nhục hình thì phải chứng minh”.
 
ĐB Nguyễn Bá Thuyền chất vấn Chánh án TANDTC.     Ảnh: Giang Huy 
Sau khi “đẩy bóng” trách nhiệm cho cả VKS và luật sư, ông Chánh án thanh minh: “Đối với tòa án thì các HĐXX dựa trên tài liệu chứng cứ, hồ sơ; việc HĐXX phát hiện ra có ép cung hay không là một điều rất khó, điều này phải được bị can có yêu cầu xem xét, VKS, luật sư có yêu cầu xem xét thì tòa án mới có điều kiện để phát hiện được”.
Cuối cùng Chánh án kết luận: “Để xảy ra tình trạng oan sai, ép cung, nhục hình thì cũng là trách nhiệm của toàn ngành công an, kiểm sát, tòa án” và ông liên tục nhắc lại rằng:  “Đó là việc nếu có, còn nếu không phải như thế thì chúng ta cũng không nên kết luận vội vàng, bởi nó liên quan đến tinh thần tiến công tội phạm, bởi nếu không sẽ làm nhụt ý chí những người làm công tác đấu tranh với tội phạm”.
Không hài lòng với câu trả lời của Chánh án Trương Hoà Bình, ĐB Lê Thị Nga hỏi lại: “Riêng vụ án Nguyễn Thanh Chấn, tôi đã có văn bản gửi tới Chủ tịch Nước, Chánh án TAND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an... nhưng chưa được giải đáp, tại đây tôi đề nghị Chánh án cho ý kiến luôn về việc tôi đề nghị như: Bộ Công an phải rút hồ sơ để điều tra, không giao cho Công an Bắc Giang điều tra lại; thứ nữa là nếu không đủ căn cứ buộc ông Chấn phạm tội, thì phải tuyên bố ngay ông Chấn vô tội mà không đợi quá trình điều tra Lý Nguyễn Chung và tuyệt đối không được dùng nguyên tắc suy đoán có tội  theo hướng nếu không chứng minh được tên Chung phạm tội thì chính là ông Chấn, đồng thời TAND Tối cao phải rà soát lại toàn bộ những bản án tử hình để không xảy ra tình trạng tử hình rồi mới phát hiện oan”.
(Theo Lao động) Chí Tùng

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: Bắt giam ngay những điều tra viên ép cung, nhục hình.
Quan điểm rất rõ ràng của Bộ Công an là, nếu phát hiện sẽ xử lý rất nghiêm. “Nếu hậu quả xảy ra nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự, đó là quan điểm nhất quán. Dù có nhiều chỉ thị, nhưng cá biệt một số địa phương vẫn xảy ra và chúng tôi đã kiên quyết xử lý, mà điển hình gần đây nhất là vụ việc xảy ra tại Công an huyện Thạch Thất (Hà Nội), điều tra viên đã đánh bị can dẫn đến tử vong. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Hà Nội tước quân tịch, khởi tố vụ án, bắt giam để điều tra ngay 7 cán bộ công an.
“Tăng cường thu thập cả chứng cứ gỡ tội để tránh oan, sai”. Đó là khẳng định của Viện trưởng Viện KSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ông bày tỏ sự đáng tiếc khi xảy ra những vụ án oan và đề ra những biện pháp khắc phục gồm: Tăng cường trách nhiệm của VKS trong quá trình lấy cung, điều tra, xét xử. Thu thập đầy đủ chứng cứ buộc tội, gỡ tội đối với bị can, bị cáo. Tạo điều kiện tối đa cho luật sư tham gia vụ án ngay từ đầu.
“Đối với những vụ án oan sai đã xảy ra thì kịp thời minh oan cho người bị oan, tích cực phối hợp CQĐT để làm sáng tỏ vụ án; xem xét bồi thường, xem xét trách nhiệm người gây oan, tổng kết đánh giá để rút kinh nghiệm. Với vụ án Nguyễn Thanh Chấn cũng không nằm ngoài những việc này” – ông Nguyễn Hòa Bình cho biết.    S.Đà
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Nguyễn Đình Quyền: Tất cả các vấn đề oan sai là quá trình tiếp nối của các thế hệ.
Dù vụ án cách đây 10 năm rồi, nhưng trách nhiệm đó là của toàn ngành tòa án khi xảy ra những vụ oan sai. Nhưng những vụ oan sai đó đánh giá khách quan là có sai, thì các thế hệ ngày nay phải sửa. Sai thì sửa, đó là nguyên tắc nhà nước pháp quyền XHCN. Nói như đồng chí Chánh án Trương Hòa Bình thì ở các nước, một năm nhận hàng chục ngàn đơn, nhưng họ chỉ sửa xác suất để phát hiện có sai hay không sai.
Còn đối với nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân thì còn sai là còn sửa, sửa đến cùng. Đấy là nguyên tắc. Vấn đề là khi sửa thì phải rất thận trọng và bảo đảm tính khách quan lớn nhất, công lý nhất và đúng pháp luật nhất.
Phương Thủy thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét