Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

 07:30

 Vụ lừa "thừa kế gia sản của tỉ phú Mỹ”:

Lừa tình, lừa tiền



Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Cảnh giác chiêu lừa “thừa kế gia sản của tỉ phú Mỹ”, bà H.T.T.Hoa (44 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, xin đổi tên nhân vật) đã đến tòa soạn nhờ báo lên tiếng về nhóm người nước ngoài chuyên gạ gẫm nhằm lừa tình, lừa tiền...

Theo bà Hoa trình bày, khoảng tháng 10.2012, bà là thành viên của mạng xã hội Tagged, qua chat có làm quen với một người đàn ông nước ngoài tự xưng là Shwan Mouka, sếp của một công ty dầu khí nổi tiếng ở Anh, chưa có gia đình. Sau một thời gian “tâm sự” trên mạng, giữa bà Hoa và Shwan Mouka đã nảy sinh tình cảm. Shwan Mouka hứa sẽ sắp xếp công việc về Việt Nam thăm hỏi gia đình bà Hoa, rồi tiến đến hôn nhân.

Shwan chụp hình các món quà gửi mail để bà Hoa nhận quà kiểm tra cho chính xác
Ngày 24.11, Shwan Mouka đã email cho bà Hoa nói sẽ gửi tặng một món quà bất ngờ cho người “vợ tương lai” và một ít tiền để bà mua sắm đồ đạc chuẩn bị đón “chồng tương lai” ra mắt nhà gái, gồm: 1 máy tính xách tay, 1 ĐTDĐ iPhone, 1 bộ mỹ phẩm Chanel, 1 hộp nữ trang (có chụp ảnh gửi qua mail - PV) và 20.000 USD. Người này còn dặn dò bà Hoa mang 5.000 USD tặng trẻ mồ côi, số tiền còn lại mua sắm đồ đạc… Trước khi gửi quà, Shwan Mouka nói sẽ đi ra biển vài ngày theo dõi công tác bảo trì giàn khoan nên không thể liên lạc với nhau được. 2 ngày sau, có một người tự xưng là Shakira Najib, nhân viên giao nhận của công ty vận chuyển hàng hóa quốc tế tại Malaysia, gọi điện cho bà Hoa thông báo gói hàng đã đến Malaysia và yêu cầu bà đóng phí vận chuyển 1.099 USD. Chiều 26.11, bà Hoa đã đến ngân hàng chuyển 1.099 USD vào tài khoản của một người tên Obiawuchi Theophilus Okwuchukwu, số tài khoản 060003350439... Ngày 27.11, một người khác tự xưng là Jones Randy, là người quản lý của công ty vận chuyển hàng nói trên, hiện đang có mặt tại sân bay của Malaysia yêu cầu bà Hoa gửi giấy bảo hiểm của gói hàng vì hải quan sân bay phát hiện trong gói quà có số tiền quá lớn.
Sau đó, bà Hoa liên lạc được với Shwan Mouka và ông này cho biết thật ra số tiền gửi trong gói quà là 200.000 USD, chứ không phải 20.000 USD. Ông Shwan Mouka tỏ ra bận rộn do họp hành, chỉ nói ngắn gọn một câu: “Số tiền còn lại (180.000 USD) em cứ gửi ngân hàng để khi nào về Việt Nam anh rút ra tiêu dùng”, rồi cúp máy. Lát sau, Jones Randy gọi điện thoại cho bà Hoa tư vấn: nên bỏ ra 3.480 USD mua bảo hiểm để nhận được gói quà, nếu không công ty sẽ hoàn trả lại cho người gửi.
Trong lúc đang gom tiền định gửi đi, bà Hoa nhận được điện thoại của một người phụ nữ không quen tên Hương ở TP.HCM, muốn hỏi thăm về “người tình” Shwan Mouka của mình, vì trong nội dung email bà Hương nhận được từ Shwan Mouka, có cả tên và số điện thoại  của bà Hoa...
Nghi ngờ mình bị lừa, bà Hoa không tiếp tục theo đuổi món quà tiền tỉ và đến Báo Thanh Niên nhờ phản ánh vụ việc để người khác cảnh giác. PV Thanh Niên cũng đã hướng dẫn bà Hoa đến Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP.HCM trình báo nhằm phục vụ công tác điều tra.
Chiêu lừa thừa kế xuất hiện nhiều nơi
Sau khi Báo Thanh Niên đăng bài Cảnh giác chiêu lừa “thừa kế gia sản của tỉ phú Mỹ, anh Trần (trú P.Thạc Gián, Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) phản ánh, cũng vừa gặp trò lừa này vào cuối tháng 10.2012. Vào thời điểm trên, một phụ nữ tên Anna George (ở Mỹ) email cho anh với nội dung: chồng chết vì tai nạn máy bay 3 năm trước, hiện mắc bệnh hiểm nghèo sắp chết, muốn ủy thác lại 10,8 triệu USD cho một người để làm từ thiện. Khi anh Trần đồng ý, bà Anna George ủy quyền cho luật sư Barrister Clark Delvin (ở Anh) lo thủ tục. Để tạo lòng tin, luật sư Delvin thường xuyên cập nhật bệnh trạng, hình ảnh bà Anna George, yêu cầu anh Trần cung cấp thông tin cá nhân; đồng thời email cho anh Trần xem giấy ủy quyền của bà Anna George, đồng ý cho anh Trần thừa kế 10,8 triệu USD. Cuối cùng, đại diện của một ngân hàng ở Anh là Antonio Horta yêu cầu anh Trần chuyển 850 bảng Anh để mở tài khoản. Rất may là do nghi ngờ, anh Trần không đồng ý. (Nguyễn Tú)
(Theo Thanh niên) Đàm Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét