Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012


 05:00
 Chờ thuốc chữa ung thư 'made in' Việt Nam


TP - Các loại thuốc chữa ung thư mới lạ được điều chế từ taxol do Pháp và Mỹ sản xuất đã có mặt trên thị trường từ năm 1994, trong khi loại thuốc thương hiệu Việt vẫn chưa thấy đâu, dù thông đỏ Lâm Đồng là loài đặc biệt quý hiếm và có hàm lượng hoạt chất cao bậc nhất thế giới.


Nhân giống thông đỏ bằng nuôi cấy mô.
Thuần hóa
Các nhà khoa học ước tính nếu chiết xuất, điều chế một liều thuốc chữa ung thư từ vỏ thông đỏ thì phải mất từ 3 - 4 cây thông hàng chục năm tuổi. Với số lượng cây ít ỏi tìm thấy ở Lâm Đồng, chỉ đủ sản xuất vài chục liều.
Và vì thông đỏ là một trong những loài cây chậm lớn nhất trái đất nên không thể ăn xổi từ nguồn lợi thiên nhiên mà phải nghiên cứu thuần hóa thành cây nông nghiệp để làm nguyên liệu điều chế thuốc cứu người.
Nhóm nghiên cứu của Viện Sinh học Tây Nguyên (SHTN) do PGS.TS Dương Tấn Nhựt (lúc bấy giờ còn là một kỹ sư trẻ) phụ trách đã đi tiên phong nghiên cứu nhân giống hàng ngàn cây và trồng thử nghiệm thành công thông đỏ Lâm Đồng bằng phương pháp chiết cành giâm hom năm 1994.
Trung tâm Nghiên cứu Lâm sinh Lâm Đồng cũng thành công trong việc nhân giống, nghiên cứu điều kiện sinh thái cho cây phát triển và đã trồng được 3ha thông đỏ tại trại thực nghiệm Măng Linh.
Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt thuộc Cty CP Y Dược phẩm - VIMEDIMEX đã phối hợp với một số cơ quan khác triển khai tới bốn đề tài nghiên cứu thông đỏ và đang sở hữu 2 trang trại thông đỏ với tổng diện tích 7 ha là Cam Ly và Tà Nung.
TS Vương Chí Hùng - giám đốc Trung tâm, mười mấy năm trước đã thử di thực thông đỏ về vùng sông Hinh (Phú Yên) nhưng cây bị chết yểu.
Ông cũng từng thử nghiệm hạ sơn thông đỏ xuống thị trấn Liên Nghĩa (Đức Trọng, Lâm Đồng) ở độ cao 940m nhưng cây phát triển èo uột.
Chỉ khi hạ trại trên những ngọn đồi lộng gió ở Tà Nung và Cam Ly cao trên dưới 1.500m, tương ứng với những quần thể thông đỏ tự nhiên thì cây mới lên xanh và tích lũy hoạt chất sinh học quý giá.

Vườn thông đỏ trồng tại Cam Ly.
Chỉ cách trung tâm TP Đà Lạt chừng vài km, trang trại thông đỏ Cam Ly trông thật đẹp bởi các hàng thông đều tăm tắp, khoảng cách giữa cây với cây, hàng với hàng đều đúng chuẩn 1m.
Thông cao khoảng 1,2m nhưng cành lá lại xòe tán với đường kính chừng 1,4m và đã cho thu hoạch nhiều lứa để chiết xuất 10 - DB III.
Một số nhà khoa học thế giới đã tham quan các trang trại, bày tỏ thán phục bởi loài cây này rất khó nhân giống và đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe về khí hậu, thổ nhưỡng.
Còn PGS.TS Dương Tấn Nhựt khẳng định quy trình nhân giống thông đỏ bằng nhiều biện pháp như chiết cành, giâm hom, nuôi cấy mô… đã hoàn chỉnh tạo nên thế hệ kế cận.
Chờ thuốc chữa ung thư thương hiệu Việt
Viện SHTN cũng là đơn vị đầu tiên nghiên cứu chiết tách hoạt chất 10 - DB III từ lá cây thông đỏ mọc tự nhiên ở Lâm Đồng. Người phụ trách đề tài lúc bấy giờ là một kỹ sư còn khá trẻ Nguyễn Hữu Toàn Phan.
Cuộc trường kỳ nghiên cứu của các nhà khoa học Việt suốt 2 thập kỷ qua đã gần đến đích, chứng minh sự màu nhiệm của thông đỏ Lâm Đồng là có thực chứ không chỉ là lời đồn. Hàng vạn bệnh nhân ung thư ở Việt Nam có thể hy vọng có được loại thuốc đặc trị rẻ hơn thuốc ngoại nhập.
Anh cho biết, Mỹ và một số nước ở châu Âu đã thành công trong việc sản xuất taxol từ lá và vỏ của vài dòng thông đỏ khác. Tuy nhiên xác định chiết xuất hoạt chất từ vỏ cây sẽ khiến cây nhanh lão hóa nên Viện quyết định chọn lá thông đỏ Lâm Đồng làm đối tượng nghiên cứu.
Bắt đầu triển khai đề tài vào năm 1999, và sau một năm đánh vật với lá thông, hóa chất, máy móc, trang thiết bị định tính định lượng hoạt chất sinh học, Viện đã hoàn tất quy trình chiết tách để có được chất 10 - DB III, một sản phẩm chứa taxol quý giá.
Lúc bấy giờ việc Mỹ điều chế được thuốc chữa ung thư từ thông đỏ còn gây chấn động nên kết quả nghiên cứu của Viện gây tiếng vang.
Còn nhớ, khi báo cáo kết quả nghiên cứu, kỹ sư Phan cho biết sẽ tiếp tục công đoạn hai - bán tổng hợp chất taxol và thử nghiệm điều trị bệnh ung thư năm 2001.
Thế nhưng, đã 12 năm trôi qua, điều đó vẫn còn trong mơ ước. Anh kỹ sư trẻ ngày nào, nay đã là tiến sĩ Viện phó Viện SHTN, băn khoăn: Kết quả nghiên cứu góp phần mở ra triển vọng cho y tế Việt Nam trong việc chữa bệnh ung thư… vốn chỉ được điều trị bằng thuốc ngoại nhập rất đắt tiền mà người nghèo không mua nổi.
Vậy mà không hiểu vì sao chẳng thu hút được sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Nếu để lâu quá, thế giới thay thế hệ thuốc mới thì chúng ta sẽ mất công nghệ.
Gần đến đích
Năm 1993, Phòng thí nghiệm Bristol Myers Squibb (Mỹ) công bố chiết xuất được 10 - DB III ở cành và lá Thông đỏ Thái Bình Dương (Taxus brevifolia) thì đến tháng 2-1994, các cửa hàng dược đã bắt đầu bán ra loại thuốc mới lạ chữa các bệnh ung thư vú, buồng trứng, phổi… Còn tại Việt Nam, việc chiết xuất được hợp chất 10 - DB III từ thông đỏ Lâm Đồng của Viện SHTN vào năm 2000 chỉ gây xôn xao một dạo rồi tắt lịm.
Không cơ quan ban ngành nào hỗ trợ kinh phí để tiếp tục nghiên cứu bán tổng hợp taxol từ 10 - DB III và sản xuất thuốc chữa bệnh.

Hệ thống chiết xuất 10 DB III từ thông đỏ .
Cũng vì thiếu một nhạc trưởng kết nối các cơ quan nghiên cứu khoa học nên đến năm 2007, khi kết quả nghiên cứu quý giá của Viện SHTN vẫn bị xếp xó thì Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt mày mò nghiên cứu lại từ đầu quy trình công nghệ chiết xuất hoạt chất sinh học từ thông đỏ Lâm Đồng với kinh phí rất lớn.
Đề tài này thuộc chương trình trọng điểm cấp Nhà nước với mục tiêu là chiết xuất 0,5kg 10 - DB III và 10g taxol làm nguyên liệu điều chế thuốc chữa trị ung thư. Đề tài được hoàn tất vào năm 2010.
Điều đáng mừng là hàm lượng tiền chất 10-DB III để tổng hợp taxol của thông đỏ Lâm Đồng cao gấp nhiều lần so với 2 loài thông đỏ đang được dùng làm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa ung thư trên thế giới là Taxus brevifolia và Taxus baccata.
Từ đó đến nay, Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt đã liên kết mở rộng qui mô sản xuất hoạt chất; đồng thời tìm dung môi thích hợp để chuyển hóa hoạt chất thành dạng thuốc tiêm trị ung thư, khởi đầu là sản phẩm ở dạng tinh thể: Taxol được hòa với dịch truyền để truyền nhỏ giọt vào cơ thể bệnh nhân.
TS Vương Chí Hùng cho biết hiện loại thuốc chống ung thư này chỉ được sản xuất với qui mô nhỏ để thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện ở TPHCM và làm thủ tục đăng ký giấy phép.
Năm trước, Vimedimex dự kiến xây dựng nhà máy sản xuất thuốc chữa bệnh ung thư từ thông đỏ Lâm Đồng với kinh phí đầu tư 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn nên qui mô nhà máy sẽ bị thu hẹp đáng kể. Người ta hy vọng thuốc chống ung thư thương hiệu Việt sẽ được tung ra thị trường trong năm 2013.
Cuộc trường kỳ nghiên cứu của các nhà khoa học Việt suốt 2 thập kỷ qua đã gần đến đích, chứng minh sự màu nhiệm của thông đỏ Lâm Đồng là có thực chứ không chỉ là lời đồn.
Hàng vạn bệnh nhân ung thư ở Việt Nam có thể hy vọng có được loại thuốc đặc trị rẻ hơn thuốc ngoại nhập. Hiện chỉ có vài quốc gia trồng được thông đỏ để sản xuất taxol và giá một kilôgam taxol lên tới vài triệu USD mà cung vẫn không đủ cầu.
Do đó, để phát huy giá trị kinh tế rất cao từ loại vàng xanh này, cần có nhạc trưởng tiến hành xâu chuỗi từ việc hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn đến đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc để không chỉ đáp ứng nhu cầu của đông đảo bệnh nhân trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu, thu về nguồn ngoại tệ đáng kể.
(Theo Tiền phong)  Kim Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét