Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012


18:11
 Độc quyền vàng miếng SJC và ẩn số tỷ giá


SGTT.VN - Trước hết, cần xem xét kỹ có nên tiếp tục giữ độc quyền vàng miếng SJC hay không.

Công bằng mà nói, chính sách tiến đến thương hiệu độc quyền SJC đã chặn bớt việc mua bán vàng lậu từ các nước láng giềng (vì không phải là vàng SJC), nhờ vậy đã chặn được cơn sốt đô la Mỹ mỗi khi giá vàng trong nước vượt xa giá quốc tế như trong suốt năm 2012. Góp phần vào sự ổn định của tỷ giá, mà lý do chính là hiện tượng nhập siêu hàng năm khoảng 10 – 12 tỉ USD đã chấm dứt, tạm thời chuyển sang xuất siêu do kinh tế trì trệ, đã phải trả giá bằng cơn sốt giá vàng nội địa quá cao và quyền lợi của đa số người dân bị mất khi tiết kiệm bằng vàng phải trả giá rất cao, trong đó quyền lợi nhóm lợi ích là rất rõ ràng.
Thứ hai, phải tính xem giải pháp lâu dài để ổn định tỷ giá là gì.
Bỏ thật sự vàng miếng độc quyền SJC sẽ cho phép tăng nguồn cung vàng từ nhiều thương hiệu khác và tạo được mức liên thông giá, nhưng sẽ đưa đến mất ổn định tỷ giá trong thời gian đầu. Chính sách ổn định vĩ mô, đặc biệt để cải thiện cán cân vãng lai và tạo thặng dư cán cân thanh toán quốc tế một cách bền vững, mới là giải pháp lâu dài để ổn định tỷ giá. Việc không cần để ý đến liên thông giá, như trong lời tuyên bố của Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, sẽ tạo một khoảng cách xa hơn cho giá vàng trong nước; nhưng vượt một mức nào đó (thí dụ 5 – 6 triệu đồng/lượng) sẽ ẩn chứa một khủng hoảng tiềm năng lớn về tỷ giá khi việc buôn lậu vàng sẽ trở lại mạnh mẽ.
Ổn định tỷ giá sẽ trở lại trong một kịch bản xấu hơn là vấn đề thứ ba mà giới hữu trách phải tiên liệu cho năm 2013, khi vấn đề tài trợ ngân sách bằng chính sách tiền tệ có thể trở thành nghiêm trọng hơn. Do tình trạng đình trệ sản xuất và đóng băng bất động sản được dự báo sẽ kéo dài, thất thu ngân sách sẽ là vấn đề lớn – như khi bàn đến chuyện thiếu tiền để tăng lương tại kỳ họp Quốc hội mới đây. “Thuế lạm phát” có thể sẽ là biện pháp khả thi sau cùng, bội chi ngân sách sẽ phải được tài trợ mạnh mẽ qua việc hệ thống ngân hàng mua các trái phiếu chính phủ, từ đó tạo áp lực lên lạm phát và tỷ giá sẽ lại bột phát như đã thấy từ nhiều năm qua với chính sách tiền tệ giật cục. Cộng hưởng với áp lực của việc mua vàng “ngoài luồng SJC” như chuyện tất yếu, nếu giá vàng thương hiệu này tiếp tục quá cao, thì vấn đề tỷ giá sẽ lại trở thành bài toán khó.
Một vấn đề nữa cần đặc biệt chú ý, đó là việc chuyển sang mua vàng nhẫn đã bắt đầu trong dân và sẽ tiếp tục mạnh mẽ, nhằm tránh việc phải tiết kiệm bằng vàng thương hiệu SJC giá cao của NHNN (vốn chỉ có giá trị tâm lý tạm thời chứ không có giá trị thật sự theo tuổi vàng) nếu giá vàng quốc tế vượt 1.800 USD/ounce . Nhìn xa hơn, như trong thói quen của người giữ vàng, nếu có thay đổi nhân sự hay chính sách, vàng SJC sẽ phải giảm giá và vàng nhẫn hoặc vàng không thương hiệu sẽ tìm lại giá trị thật sự theo chất lượng của nó.
Thứ năm, nên xem xét việc lập sàn vàng quốc gia với vai trò điều tiết bằng luật lệ của NHNN – vốn ngày càng được các chuyên gia đề nghị như giải pháp thích hợp – hơn là việc huy động và điều khiển trực tiếp của NHNN và nhóm ngân hàng G-5 độc quyền mua bán.
Cuối cùng, NHNN đã tuyên bố sẽ xem xét việc giữ vàng như một phần của khối dự trữ ngoại hối quốc gia, đây là điều mừng và đáng phải được làm từ nhiều năm qua để đa dạng hoá khối dự trữ và bảo vệ giá trị của nó theo thời gian, khi các thứ tiền giấy trên thế giới đều mất giá trị so với vàng là dụng cụ “trú ẩn tài chính” được chọn lựa. Nhưng không nên nhầm lẫn như trong lời tuyên bố của giới hữu trách mới đây là dùng khối vàng dự trữ sắp tới này để bình ổn giá vàng trong nước. Như chúng tôi đã từng đề cập trong nhiều diễn đàn, NHNN không nên có vai trò gì trong việc bình ổn giá vàng được định bởi các thị trường quốc tế. Nhiệm vụ chính của NHNN nên là tìm cách thu hẹp khoảng cách hiện có với giá vàng quốc tế để tránh khủng hoảng gây áp lực lên tỷ giá, như đã nói ở trên.
(Theo Sài Gòn tiếp thị) TS PHẠM ĐỖ CHÍ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét