17:15
Đừng để dân phải chịu phí cao, thuế nặng
(NLĐO) - Thêm một loại phí trong khi đời sống của người dân còn quá khó khăn, nhất là trong thời điểm kinh tế suy thoái kinh tế hiện nay là không công bằng
“Quá sức chịu đựng”, “đổ gánh nặng ngân sách lên vai người dân”, “không chia sẻ khó khăn với số đông lao động nghèo”... là ý kiến của hàng ngàn bạn đọc phản hồi với thông tin thu phí bảo trì đường bộ (BTĐB) từ ngày 1-1-2013.
“Phí tăng, miếng ăn nhỏ lại”
Trước “quyết tâm” thu phí BTĐB của Bộ GTVT, bạn đọc Hoàng Lân, bức xúc: “Hiện nay, khi tham gia giao thông người dân phải đóng nhiều khoản tiền nhưng họ không biết đóng để làm gì, ai thụ hưởng ? Có phải những khoản tiền này để xây trụ sở ngàn tỉ của Bộ GTVT ? hay mua xe hàng trăm triệu cho các đội thanh tra giao thông ở Đồng Nai, Tây Ninh? Theo cách nói của các quan chức ngành giao thông, đóng tiền là nghĩa vụ và trách nhiệm cũng là “quyền lợi” và “vinh dự” của mỗi người dân là “yêu nước” thì chúng tôi hoang mang quá. Cuộc sống còn nghèo, nếu buộc phải đóng phí thì nhiều người phải nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn mua sữa cho con, mua cháo cho ông bà... để đóng”.
Bạn đọc Ngô Minh Phú, phân tích: “Người dân chật vật lo cơm, áo, gạo, tiền trong khi vật giá mỗi ngày mỗi lên nên đồng lương càng ngày càng teo tóp lại. Ra đường nơm nớp lo sợ tai nạn giao thông, đường xá thì đầy ổ gà, ổ voi, ngồi trong nhà cũng lo sợ cướp giật. Các công trình công cộng thì đụng vào chỗ nào là có tham nhũng chỗ đó. Các tập đoàn nhà nước làm ăn thua lỗ nợ nần ngập đầu mà quan chức ở đây ông nào cũng sống phè phỡn, biệt thự, xe hơi, con cháu toàn học tận trời Tây... thử hỏi người dân nghèo làm sao đồng thuận với chủ trương thu thêm phí cho được”.
Thêm phí BTĐB là thêm khó khăn cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thừa
Nhiều bạn đọc than vãn: thu phí BTĐB trong thời điểm hiện nay là bất cập. Kinh tế suy thoái, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, tình trạng thất nghiệp gia tăng từng ngày, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống mà quyết thu phí là không chia sẻ khó khăn với người dân. Với thu nhập của đại bộ phận người dân chưa đến 5 triệu đồng/tháng mà phải “gánh” bao nhiêu là loại thuế, phí thì sống được đã là khó khăn nói chi đến đầu tư cho con cái học hành. Bạn đọc Duy Phương, bày tỏ do thu nhập giảm, rất nhiều công nhân cất xe máy, chấp nhận đi bộ vài cây số để đến công ty làm việc mà giờ này thu phí của họ thì quá bất công.
Không đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khi so sánh cách thu phí của Việt Nam với các nước, bạn đọc Tịnh Tâm, bức xúc: “Nước ta còn nghèo, thu nhập của người dân thuộc loại thấp của thế giới, sao cái gì cũng so với thế giới ! So sánh sao nổi khi thu nhập của họ cao gấp ta hàng chục, thậm chí cả trăm lần!”.
Bạn đọc này cho biết thêm, thu phí qua xăng dầu là hợp lý nhất, nhưng vì thu thuế ở xăng dầu quá cao rồi nên đành thu qua đầu phương tiện. Đáng lẽ nhà nước phải tìm cách kích cầu để phát triển kinh tế nhưng nay lại “đẻ” thêm phí BTĐB thì chẳng khác gì đánh vào hầu bao đã quá eo hẹp của người dân. Không còn cách nào khác họ phải thắt chặt chi tiêu, bớt xén vào khẩu phần ăn, giảm các khoản chi cho học hành, vui chơi của con cái...
Sửa đường rồi hãy thu phí
Trước thực trạng đường sá xuống cấp trầm trọng nhưng vẫn chăm chăm thu phí, bạn đọc Tư Ca, cho rằng: “Phí thì cương quyết thu, chất lượng đường bộ có được cải thiện? Quốc lộ 14 sau ngày 1-1-2013 có được nâng cấp hay vẫn là cái bẫy chết người? Buôn Ma Thuột là một thành phố lớn ở Tây Nguyên, mặc dù người dân nơi đây gánh hàng trăm loại thuế, loại phí nhưng đường sá nội thị thật là khủng khiếp. Đóng phí nhưng không cải thiện đường thì tiền của người dân đóng cũng chỉ “phí” mà thôi”.
Bạn đọc Trần Cường thì yêu cầu phải minh bạch phí này sử dụng làm gì, có đầu tư vào làm đường không ?. “Trước đây đã thu phí qua xăng dầu, nay lại buộc người dân phải đóng thêm phí, nếu không đóng thì phạt nặng, việc làm này có ép người dân quá không ? Muốn công bằng thì phải kiểm tra nghiêm ngặt tiền chi cho phát triển cầu đường có minh bạch không, rồi tới việc công khai thu nhập và mức sống hiện tại của các công chức ngành này có tương xứng? Tại sao chi phí làm đường của ta cao hơn ở Mỹ mà chất lượng thì ôi thôi...”, bạn Trần Cường thắc mắc.
Cùng tâm trạng, bạn đọc Thanh tâm, cho rằng: Các dự án xây dựng cơ sở giao thông, đường bộ hàng năm của 63 tỉnh, thành ngốn đến vài nghìn tỷ đồng nhưng thực tế hệ thống giao thông này ra sao ? kẹt xe, đường mới làm đã xuống cấp nhưng chủ đầu tư vẫn an nhiên thu lợi. Cứ duy trì tình trạng này thì tiền thu phí BTĐB của dân cũng không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm giàu thêm cho các doanh nghiệp làm đường.
Bạn đọc Trương Xuân Hiệp phân tích thêm: “Quá nhiều bất cập xảy ra khi thực hiện chủ trương mà không có nghiên cứu đến tình hình thực tế. Đường bộ ở Việt Nam quá tệ lại dày đặc các trạm thu phí. Tận thu như thế chưa đủ hay sao mà bây giờ lại thu thêm? Có lẽ ở VN đang hình thành một tâm lý: Cơ quan nào quản lý yếu kém gây thất thoát thì lại tìm cách tận thu để bù vào phần yếu kém của mình”.
(Theo NLD) Pham Ho
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét