Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012


12:00
 Hà Nội 12 ngày đêm - Bản Anh hùng ca Máu và Hoa:
Hà Nội chờ giặc tới
Ý nghĩa quan trọng của trận "Điện Biên Phủ trên không” là rõ ràng. Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng chúng ta bị bất ngờ trước cuộc không kích bằng pháo đài bay B52 của không quân Mỹ vào Hà Nội, cho đến ngày 18-12-1972. Nhưng đó chỉ là ý kiến đơn lẻ, bởi chúng ta đã chờ giặc tới để tiêu diệt, cho dù đó là B52 - phương tiện chiến tranh hiện đại nhất.

Sẵn sàng đánh khi B52 vào bầu trời Hà Nội

Ra đời từ năm 1952, là trụ cột của không quân Mỹ, B52 được mệnh danh là "siêu pháo đài bay”, vũ khí cuối cùng kết thúc chiến tranh - theo cách nói của giới quân sự Mỹ. Ngày 10-4-1972 được ghi nhận là lần đầu tiên B52 đánh phá thành phố Vinh (Nghệ An). Sau đó là đánh phá Hải Phòng (ngày 16-4-1972). Sự hủy diệt của nó là hết sức lớn. 

Trong cuốn hồi ký nhan đề "Những năm ở Nhà Trắng” (Nxb Fayard, Paris, 1979), Henri Kítxinhgiơ - cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ, cố vấn đặc biệt đoàn đàm phán của Chính phủ Hoa Kỳ tại hội nghị Pari, kể về sự phẫn nộ của mọi người trên thế giới và trong nước Mỹ đối với Níchxơn và ông ta. Trong số đó có các nghị sĩ quốc hội. Thượng nghị sĩ Maxki nhận xét: "Chiến dịch ném bom là sai lầm và nguy hại”. Nghị sĩ Đavít đe dọa: "Sẽ kêu gọi Quốc hội cắt ngân sách”. Nghị sĩ Sácbơ nguyền rủa: "Níchxơn là kẻ không còn lý trí”. Nghị sĩ Menxphin lên án: "Đây là chiến thuật man rợ của thời kỳ đồ đá”. Nghị sĩ Lexta ví: "Cuộc ném bom bằng B52 là cuộc truy lùng của ma quỷ”. Còn nghị sĩ Kennơđi thì khẳng định: "Chiến dịch ném bom dịp Nôen làm nổi giận lương tâm tất cả mọi người”.
Văn Úc (st)
Trước đó, đầu năm 1968, Bác Hồ đã nhận định: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”. 

Theo lời Bác, chúng ta đã lên kế hoạch chiến thắng B52, kể cả việc chúng dám vào Hà Nội. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, lúc bấy giờ là Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu cho biết, sau vụ B52 Mỹ ném bom Hải Phòng, một cuộc họp mở ra với những câu hỏi rất quan trọng: Mỹ có đưa B52 ném bom Hà Nội và vùng lân cận không? Nếu đưa thì thời điểm nào? Ta có đánh rơi được B52 không? Cách đánh ra sao? 

Cuối tháng 10-1972, tài liệu về cách đánh B52 đã được phổ biến trong toàn quân chủng Phòng không- Không quân. Tuy nhiên, để đánh được B52 không đơn giản. Nói như Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Kỹ thuật Nhà nước Trần Đại Nghĩa lúc ấy, trước hết phải khắc phục các loại nhiễu điện từ. Tổng Tham mưu phó Phùng Thế Tài chỉ thị, phải chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nghiên cứu kĩ, Quân chủng Phòng không – Không quân phải được chuẩn bị chi tiết cả về con người và vũ khí cho chiến thắng B52. Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên tục làm việc với Quân chủng Phòng không – Không quân, Tư lệnh các Binh chủng radar, tên lửa, không quân, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Phòng không Hà Nội để xác định phương hướng tác chiến chiến dịch phòng không đánh B52, bảo vệ Hà Nội.

Tháng 9-1972, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân bổ sung và hoàn thiện phương án mới đánh B52, được gọi là "Phương án tháng 9”; trong đó xác định trọng điểm vào hai khu vực Hà Nội và Hải Phòng. Ngày 24-11, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng phê chuẩn kế hoạch và lệnh cho Quân chủng Phòng không- Không quân tiếp tục hoàn thiện công tác chuẩn bị chiến đấu trước ngày 3-12-1972.

Về phía Mỹ, ngày 14-12-1972, Tổng thống Mỹ R.Nixon chính thức thông qua kế hoạch tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội và Hải Phòng. Đây là kế hoạch tiếp nối từ thời Tổng thống tiền nhiệm LB. Johnson với mong muốn hủy diệt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tham vọng "đưa Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”. Các thế lực hiếu chiến Mỹ tin tưởng chắc chắn rằng, với vũ khí tối tân bậc nhất là pháo đài bay B52, thì mọi sự sẽ bị san phẳng, hủy diệt và đối phương sẽ phải quy hàng. Nhưng chúng đã lầm. Bom đạn không khuất phục được ý chí con người Việt Nam. Và trong tình thế nguy nan ấy, chúng ta đã chuẩn bị chờ giặc tới. 


Ga Hàng Cỏ, bệnh viện Bạch Mai bị bom Mỹ tàn phá
ảnh tư liệu

18-12-1972, đêm đầu tiên "rồng lửa Thăng Long” quật ngã pháo đài bay B52

Ngày 17-12-1972, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho Bộ đội Phòng không – Không quân chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. 19h10 ngày 18-12-1972, Trung đoàn radar 291 ở Nghệ An phát hiện được nhiều tốp B52 đang bay trên không phận Lào về phía Bắc Việt Nam. Ngay lập tức, vào lúc 19h15, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu phó Phùng Thế Tài, Cục trưởng Cục Tác chiến Vũ Lăng có mặt tại Sở Chỉ huy Tổng hành dinh

B52 là loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tầm xa do hãng Boeing sản xuất từ năm 1952, có thể mang vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường, khả năng hủy diệt lớn. 

Cho đến nay máy bay ném bom B52 vẫn là máy bay ném bom chủ lực của lực lượng không quân chiến lược Hoa Kỳ. Lực lượng không quân chiến lược là 1 trong 3 nền tảng trụ cột của sức mạnh quân sự Hoa Kỳ, đó là: tên lửa hạt nhân chiến lược, tầu ngầm mang đầu đạn hạt nhân và không quân chiến lược - được xem là "át chủ bài” trong các cuộc chiến tranh mà quân đội Mỹ tham gia.
19h40 phút ngày 18-12-1972, thực hiện chiến dịch Linebacker II, 90 lần chiếc B52 và 135 lần máy bay chiến thuật Mỹ đánh liên tiếp 3 đợt vào các mục tiêu ở Hà Nội và vùng phụ cận. Do đã có phương án đánh giặc, ngay đêm đầu tiên B52 Mỹ rải thảm Hà Nội, mở đầu chiến dịch tàn sát, chúng ta đã bắn rơi 3 pháo đài bay B52. Đây là chiến công tuyệt vời của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, mà trực tiếp là của Quân chủng Phòng Không- Không quân. Cụ thể, ngày 18-12 và rạng sáng 19-12: D59, E261 tên lửa bằng 2 quả đạn đã bắn rơi 1 B52 – chiếc B52 đầu tiên bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội. Đêm đầu tiên ấy ta bắn rơi 6 máy bay các loại trong đó có 2 B52 rơi tại chỗ.

Sau đêm không kích đầu tiên, phía Mỹ nhận ra rằng, họ đã gặp phải một đối thủ kiên cường và  tài giỏi. B52 bay tầm cao, được hộ tống bởi rất nhiều máy bay chiến thuật các loại hiện đại, được che đậy bởi tầng tầng lớp lớp sóng nhiễu radar nhưng vẫn bị bắn hạ. Người Mỹ bàng hoàng, giới chóp bu điên cuồng, phi công lái B52 hoảng loạn. Họ không ngờ quân đội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chuẩn bị kĩ lưỡng đến thế, tốt đến thế và càng không ngờ "con ma” B52 tối tân đã không đe dọa được những người lính quyết tử bảo vệ Tổ quốc.
(Theo Đại đoàn kết) BẮC PHONG

Tương quan lực lượng cuộc chiến Hà Nội 12 ngày đêm

- Phía Mỹ: 1.192 máy bay, gồm 193 B52 và 250 tổ lái; 999 máy bay chiến thuật, trong đó có 50 máy bay F111. Tổng số lần xuất kích: B52 là 663 lần, riêng ở Hà Nội 444 lần; Máy bay chiến thuật: 3.920 lần chiếc.

- Phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: 3 Sư đoàn phòng không. Tại Hà Nội, từ 18 đến 24-12-1972 có 9 tiểu đoàn tên lửa tham gia chiến đấu; còn từ 26 đến 29-12 là 13 tiểu đoàn. Pháo cao xạ: 16 trung đoàn. Không quân: 4 Trung đoàn tiêm kích MIG-21, MIG-19, MIG-17. Radar: 4 trung đoàn và 1 tiểu đoàn cảnh giới, dẫn đường.

(Nguồn: "Đối mặt với B52”, NXB Trẻ, 2012)


Triển lãm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Hôm nay (18-12), Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam khai mạc triển lãm "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng giặc Mỹ trên bầu trời Hà Nội. Triển lãm gồm 4 phần: Phần mở đầu khái quát cho người xem triển lãm hình dung một cách chung nhất "chủ trương và quyết tâm chiến lược của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh bại cuộc tập kích bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng”. Bước vào phần thứ nhất, tác giả tái hiện lại "những âm mưu và tội ác của đế quốc Mỹ trong cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 và Hà Nội, Hải Phòng”, phần thứ hai "Hà Nội chiến đấu và chiến thắng”, phần thứ ba gợi lại khí thế hào hùng và những bài học rút ra được qua chiến thắng quan trọng này: "Viết tiếp bản hùng ca "Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Lê Anh Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét