Thứ Tư, 3 tháng 10, 2012


11:58
Quan niệm lại vấn đề tài chính


Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đạt được thành tựu đáng kể trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Nhưng gần đây, nhiều ý kiến tỏ ý lo ngại về các dự án đầu tư nước ngoài huy động quá nhiều vốn nội địa.


Tôi không ủng hộ lắm hai cực quan điểm là mỗi một dự án đầu tư chỉ có vốn nước ngoài hoặc phần lớn là vốn gọi trong nước. Đây đều là những cực điểm sai và trên thực tế, các nhà đầu tư chân chính có uy tín và có lịch sử không rơi vào hai cực này.
Bản chất của nền thương mại toàn cầu là nhà đầu tư chỉ bỏ ra một số tiền theo một tỷ lệ hợp lý nào đó để đảm bảo rằng họ phải chịu trách nhiệm, còn lại là đi vay ở chỗ nào có lãi suất thấp nhất với những điều kiện đi kèm thấp nhất.
Đấy là cơ hội cho các ngân hàng, những “kẻ chuyên nghiệp” đi huy động vốn nhàn rỗi ở những vùng khác nhau cho những nhà công nghiệp vay. Nhà công nghiệp bất động sản, nghiệp hóa học, phân bón, gang thép... đều như nhau, thường sử dụng khoảng 70% tín dụng.
Tuy nhiên, Việt Nam là một thị trường tài chính nhỏ bé, buộc phải khống chế tỷ lệ sử dụng tín dụng trong nước như thế nào để việc sử dụng tín dụng trong nước không gây mất cân đối thị trường tài chính. Tức là chúng ta phải hoạch định sự cân đối. Ví dụ, nếu huy động quá nhiều sẽ dẫn đến chuyện các khu vực công nghiệp khác, các khu vực sản xuất khác không có tiền, sẽ tạo ra hiện tượng giảm phát cục bộ.
Một nền kinh tế tương đối phát triển, tức là nền kinh tế có chất lượng, thì gọi vốn ở đâu không quan trọng, vấn đề là có gọi được vốn không. Gọi vốn ở Việt Nam phải trả lãi suất cao hơn nhiều so với gọi vốn trên các thị trường quốc tế. Không nước nào trên thế giới có lãi suất lớn như ở nước ta hiện nay.
Để làm thật, để kinh doanh thật thì những người đầu tư thận trọng chưa chắc đã xem đấy là ưu tiên. Tôi cho rằng, thay vì tẩy chay các dự án gọi vốn tại Việt Nam, chúng ta chấn chỉnh các ngân hàng để cho những người gọi vốn không vi phạm những nguyên tắc tài chính cơ bản. Bởi gọi vốn ở Việt Nam cũng là một cách thúc đẩy tăng trưởng nền tài chính Việt Nam.
Một nhà đầu tư chuyên nghiệp sử dụng tiền vốn Việt Nam tốt hơn nhiều so với một nhà đầu tư không chuyên, thậm chí hay hơn người Việt Nam sử dụng tiền vốn Việt Nam. Chúng ta không phấn đấu để cho nền tài chính Việt Nam chỉ được sử dụng bởi người Việt Nam, mà phấn đấu xây dựng một nền tài chính mà mọi người đều có quyền tiệm cận và sử dụng nó một cách tốt nhất cho sự phát triển của nền tài chính ấy.
Cho nên, nếu vạch mặt, chỉ tên những nhà đầu tư nước ngoài gọi vốn trong nước thì có vẻ chúng ta bảo vệ quyền lợi Việt Nam, nhưng trên thực tế, chúng ta biến Việt Nam thành một nền kinh tế phi thị trường, ít nhất là trong lĩnh vực tài chính.
Mọi nhà nước đều phấn đấu để có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Chúng ta vào WTO chính là tham gia vào hệ tiêu chuẩn để tạo ra thị trường tài chính như thế. Chúng ta xây dựng nền tài chính Việt Nam để cung cấp tiền bạc cho tất cả những ai hoạt động có hiệu quả nhất để phục vụ phát triển kinh tế Việt Nam.
Vấn đề là chúng ta phải đòi hỏi hệ thống ngân hàng và tài chính phải đủ bản lĩnh để cấp vốn cho những người không lừa đảo, cấp vốn cho những người đúng đắn có triển vọng, cấp vốn cho những thương vụ không rò rỉ. Tóm lại, bản lĩnh của hệ thống ngân hàng là cấp vốn một cách không rủi ro, chứ không phải chỉ là cấp vốn cho người Việt Nam.
Gọi là dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài là một cách gọi của những nước ở giai đoạn đầu của sự phát triển kinh tế. Xem đầu tư nước ngoài là cái gì đó ghê gớm, là dấu hiệu để cho thấy chúng ta đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển.
Tôi nghĩ rằng, tới một lúc nào đó, chúng ta sẽ không quan niệm là đầu tư nước ngoài nữa. Khi thị trường của chúng ta tự do, khi đầu tư là hệ quả tất yếu của những đòi hỏi phát triển thương mại thì ai đầu tư vào cũng được.
Người Mỹ không xem Việt Nam bỏ tiền vào Mỹ là đầu tư nước ngoài. Ở Mỹ không phân biệt đầu tư nước ngoài hay đầu tư trong nước. Kể cả Chính phủ Trung Quốc mua tới hàng trăm tỷ đô la trái phiếu kho bạc của Chính phủ Mỹ thì người ta cũng không xem đấy là đầu tư nước ngoài.
Cho nên, chúng ta đang trên đường phấn đấu để không có đầu tư trực tiếp nước ngoài như một dấu hiệu xã hội mà chỉ là sự phân loại có tính chất tài chính để quản lý.

NGUYỄN TRẦN BẠT - Chủ tịch Investconsult Group (Hải Vân ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét