Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012


10:15

 Nhát dao chọc vào Cát Tiên


Nhiều người cho rằng nếu 2 dự án thủy điện này được xây dựng, không khác nào nhát dao đâm thẳng vào “trái tim” Vườn Quốc gia Cát Tiên

Theo dự kiến, tổng diện tích sử dụng cho 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là 372 ha, trong đó có 137 ha thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, 235 ha rừng phòng hộ đầu nguồn Nam Cát Tiên.
Tan nát
Lãnh đạo VQG Cát Tiên cho rằng rừng bị phá cũng đồng nghĩa với việc tiêu diệt nhiều loài sinh vật và nhiều loài sinh vật khác sẽ mất “nhà”. Ghi nhận của nhiều đơn vị, tổ chức bảo tồn cũng như các chương trình giám sát loài của VQG cho thấy khu vực thực hiện 2 dự án thủy điện hiện đang phân bố nhiều loài nguy cấp ưu tiên bảo tồn: bò tót, vượn đen má vàng, gà so cổ hung… Thảm thực vật rừng tự nhiên hàng trăm năm cũng sẽ mất đi, khu vực hồ sẽ bị thay đổi bằng một thảm thực vật khác, chủ yếu là cỏ và cây bụi. Sự thay đổi của 137 ha  vùng lõi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến toàn vùng lõi và lan ra cả VQG.
Nơi bị ảnh hưởng đầu tiên phải kể đến là khu ngập nước Bàu Sấu đã được công nhận là khu Ramsar của thế giới và được xem như điểm nóng về đa dạng sinh học trong khu vực Đông Nam Á. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam nằm trên núi nhưng vẫn ngập nước, sự độc đáo ấy được tạo ra từ nước sông Đồng Nai.

Ramsar Bàu Sấu sẽ bị tác động lớn bởi 2 thủy điện 6 và 6A. Ảnh: TĂNG A PẨU

Theo báo cáo của chủ đầu tư (Tập đoàn Đức Long Gia Lai), thủy điện Đồng Nai 6A cách Ramsar Bàu Sấu trên 25 km nên không ảnh hưởng. Nhưng thực tế,  thủy điện Đồng Nai 6A xây ngay bên trên khu Ramsar Bàu Sấu và lên trên 11 km nữa là thủy điện Đồng Nai 6, hai công trình này sẽ hạn chế dòng chảy cũng như thay đổi thành phần dinh dưỡng, trầm tích trong nước về Bàu Sấu. Ông Trần Văn Mùi, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, cho biết Bàu Sấu được ví như Biển Hồ của Campuchia, là vùng sinh cảnh quan trọng bảo tồn và cung cấp nguồn giống cá ngước ngọt cho toàn hệ thống sông Đồng Nai.

Ngăn chặn dòng chảy sẽ làm cho một số loài cá không thể ngược dòng để sinh sản theo bản năng, từ đó dẫn đến nguy cơ tuyệt chủng một nguồn lợi thủy sản rất lớn. Ô nhiễm khói bụi, rác thải sinh hoạt… của công nhân xây dựng, khai thác cây rừng giải phóng mặt bằng và tiếng ồn của các loại động cơ máy móc, đặc biệt là thuốc nổ được sử dụng trong quá trình xây dựng nhà máy, sẽ gây áp lực rất lớn cho các loài động vật hoang dã trong một vùng rộng lớn. Theo tính toán của chủ đầu tư, khối lượng thuốc nổ sử dụng trong 3 năm trên 850 tấn, tức mỗi ngày rừng trong khu vực thi công và lân cận sẽ chịu ảnh hưởng của 0,8-0,9 tấn thuốc nổ. Còn sông Đồng Nai sẽ “gánh” thêm một lượng chất độc giết hại nhiều sinh vật.
Đổi lấy 0,003% nhu cầu điện
Sản lượng điện dự kiến của 2 dự án này là 929 triệu KWh/năm và có giá thành rẻ: 4,7 US cent/KWh (đối với thủy điện Đồng Nai 6) và 6,2 US cent/KWh (thủy điện Đồng Nai 6A). Chủ đầu tư khẳng định 2 dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, đóng góp ngân sách cho Nhà nước trong toàn bộ chu trình kinh tế 40 năm là 12.908 tỉ đồng. 
Tuy nhiên, theo khá nhiều nhà kinh tế, cách tính hiệu ích của chủ đầu tư chưa chuẩn. Thứ nhất, giá thành bán điện tuân theo Quyết định 2014/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), trong đó quy định giá bán điện đối với các thủy điện công suất lắp máy trên 30 MW là từ 2,7-5 US cent/KWh vào mùa khô và 2-4,7 US cent/KWh vào mùa mưa.

Như vậy, giá thành bán điện không hề rẻ so với mặt bằng chung. Thứ hai, hiệu ích dự án mới tính trên cơ sở thuần về dòng tiền đầu vào - đầu ra, chưa tính đến các thiệt hại về môi trường, sinh thái và sinh kế của hơn 1,5 triệu dân quanh khu vực dự án và hạ lưu sẽ bị ảnh hưởng mà các thiệt hại này rất lớn. Như vậy, tất cả lợi nhuận từ dự án đều chảy vào túi chủ đầu tư trong khi thiệt hại cộng đồng chịu và ngân sách Nhà nước lại phải gồng gánh để hỗ trợ cộng đồng.

Thứ ba, so với nhu cầu điện quốc gia đến năm 2020 là 300 tỉ KWh, 2 dự án chỉ đáp ứng được 0,003% nhu cầu, đây chưa phải là dự án trọng điểm và cấp thiết. Trong khi đó, VQG Cát Tiên là  rừng mưa ẩm nhiệt đới cuối cùng còn sót lại ở miền Nam Việt Nam với rất nhiều loài động thực vật quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng, là khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống vùng Nam Bộ.
Ngoài ra, các hệ sinh thái tự nhiên rừng đầu nguồn ở đây cực kỳ quan trọng với chức năng điều hòa nước lưu vực sông Đồng Nai, cung cấp nước ngọt vào mùa khô và khống chế ngập lụt vào mùa mưa, ngăn ngừa xâm mặn ở cửa sông cho cả một vùng rộng lớn miền Đông Nam Bộ, bao gồm TPHCM. Thời gian qua, ngân sách Nhà nước và vốn tài trợ, vốn vay từ các tổ chức quốc tế để bảo tồn VQG Cát Tiên không hề ít. Chưa kể VQG còn nhiều tiềm năng du lịch nếu được đầu tư, phát huy sẽ đem lại nguồn thu lớn vừa bảo đảm khả năng chi trả cho công tác bảo tồn vừa có thể phát triển kinh tế.
Hai dự án thủy điện kỳ lạ
LTS: Dù các chuyên gia về bảo tồn, xây dựng, môi trường, kinh tế… đã chứng minh và cảnh báo 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thật sự nguy hiểm đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên nhưng chủ đầu tư cũng như các bộ, ngành phớt lờ các cảnh báo, quy định của pháp luật, “nhiệt tình” xúc tiến cho 2 dự án này. Vì sao? Loạt bài này sẽ chỉ ra nhiều điều kỳ lạ, từ tính chất dự án đến cách tham mưu của các bộ, ngành.

Báu vật
Ngày 10-11-2001, VQG Cát Tiên được Ủy ban UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thứ 411 của thế giới và là khu dự trữ sinh quyển thứ 2 của Việt Nam. Năm 2005, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã công nhận hệ đất ngập nước Bàu Sấu là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng 499 của quốc tế.
Đến tháng 6-2011, Khu Dự trữ Sinh quyển Đồng Nai (VQG Cát Tiên mở rộng) đã được UNESCO phê chuẩn trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới. Mới đây, tháng 9-2012, Liên minh bảo tồn thế giới IUCN đã thẩm định hồ sơ của Việt Nam về công nhận di sản thiên nhiên thế giới đối với VQG Cát Tiên. Dự kiến, tháng 6-2013, IUCN sẽ trình hồ sơ lên UNESCO xem xét. Cũng trong tháng 9-2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã ký văn bản công nhận VQG Cát Tiên là di tích quốc gia đặc biệt.
(Theo Người Lao động) THU SƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét