07:30
Hôm nay khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 13:
Cử tri yêu cầu xử nghiêm tham nhũng
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
vừa tổng hợp ý kiến, kiến nghị của 1.396 cử tri và nhân dân cả nước gửi tới
QH tại kỳ họp thứ 4. Báo cáo này sẽ được Chủ tịch Huỳnh Đảm đại diện cho Đoàn
Chủ tịch Mặt trận trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4 của QH diễn ra
sáng nay, 22.10 tại Hà Nội.
So với các ý kiến, kiến nghị tại nhiều kỳ họp trước, điểm
mới của báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri lần này là đông đảo cử tri và người
dân đặc biệt quan tâm đến cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng do BCH Trung
ương khởi xướng tại Hội nghị Trung ương 4, đặc biệt là kết quả của Hội nghị
Trung ương 6 vừa bế mạc.
Theo báo cáo, đông đảo cử tri và nhân dân hoan nghênh Bộ
Chính trị nghiêm túc tự phê bình, thành thật nhận lỗi trước BCH Trung ương,
cá nhân Tổng bí thư nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về những yếu kém, khuyết
điểm trong lãnh đạo xây dựng Đảng, những suy thoái, tiêu cực trong đội ngũ
cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, “cử tri và nhân dân cả nước cho rằng đây mới
chỉ là kết quả bước đầu và đặt nhiều kỳ vọng vào BCH Trung ương, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư, các cấp ủy Đảng, người đứng đầu các cơ quan nhà nước sáng
suốt chỉ ra và có giải pháp đồng bộ, quyết liệt để sớm chấn chỉnh tới nơi,
tới chốn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính
trị, đạo đức, lối sống”. Đồng thời, cử tri đề nghị “xử lý nghiêm những cán bộ
thoái hóa, biến chất, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, thiếu trách nhiệm…
gây thiệt hại cho đất nước và nhân dân, làm tổn hại đến uy tín, thanh danh
của Đảng, giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản
lý điều hành của nhà nước”.
Đề nghị công khai kết quả xử lý tham
nhũng
Ngoài vấn đề trên, cử tri và nhân dân cả nước cũng bày tỏ
lo lắng về tình hình sản xuất, kinh doanh hiện nay gặp nhiều khó khăn, thách
thức; hàng ngàn doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải giải thể,
bị phá sản, tạm ngừng hoặc thu hẹp sản xuất. Tình hình nợ xấu của ngân hàng
hiện nay, trong đó có phần nợ xấu thuộc về các doanh nhiệp nhà nước, đang
tiềm ẩn nguy cơ không chỉ đối với hệ thống ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến
toàn bộ nền kinh tế của đất nước. Tình trạng làm ăn thua lỗ, gây lãng phí,
thất thoát của một số tập đoàn kinh tế nhà nước, đơn cử như “Vinashin,
Vinalines làm ăn thua lỗ để lại nhiều hậu quả nặng nề, nghiêm trọng” cũng là
một trong những vấn đề khiến cử tri lo lắng, kiến nghị QH, Chính phủ quyết
liệt chỉ đạo và sớm có những giải pháp xử lý, khắc phục.
Trong lĩnh vực đất đai, cử tri và nhân dân cho rằng công
tác quản lý nhà nước về đất đai còn nhiều yếu kém, bất cập, có biểu hiện của
“nhóm lợi ích” cấu kết, trục lợi từ đất đai diễn ra ở nhiều nơi với tính
chất, quy mô khác nhau; việc quy hoạch, sử dụng đất ở nhiều nơi không phù hợp,
dẫn đến nhiều dự án treo như: khu công nghiệp, sân gôn, khu đô thị... chiếm
nhiều diện tích đất; nhiều nơi thu hồi đất nhưng chậm được sử dụng hoặc để
hoang hóa, lãng phí. Bên cạnh đó, một số nông, lâm trường quản lý diện tích
đất lớn nhưng sử dụng không hiệu quả trong khi người dân thiếu đất sản xuất;
việc giải tỏa, đền bù trong thu hồi đất nhiều nơi thực hiện chưa tốt, phát
sinh tiêu cực, chưa đảm bảo lợi ích của người dân. Cử tri cho rằng, thực
trạng trên đang tác động mạnh đến sự phân hóa giàu nghèo và gây ra những bất
ổn cho xã hội
Đáng chú ý, về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí,
cử tri nhận định “tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, trên nhiều lĩnh
vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị, gây bức xúc, bất bình trong
xã hội”, song qua theo dõi, kiểm toán, thanh tra thông báo nhiều vụ việc vi
phạm, lãng phí nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm và chưa
thông báo công khai kết quả xử lý.
Để chấn chỉnh, cử tri và nhân dân kiến nghị cơ quan có
thẩm quyền “kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm các quy định
của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; làm rõ
trách nhiệm của các cá nhân và các cơ quan thuộc Chính phủ đối với các sai
phạm của Tập đoàn Vinashin, Vinalines, lĩnh vực tài chính - ngân hàng…”.
Niềm tin
Hôm nay, Quốc hội
(QH) khai mạc kỳ họp thứ 4, dự kiến kéo dài 26 ngày làm việc với một lịch trình
dày đặc những vấn đề đáng được trông đợi như: sửa đổi luật Phòng chống tham nhũng;
sửa đổi, bổ sung một số điều luật Thuế thu nhập cá nhân. Cho ý kiến sửa đổi
luật Đất đai, luật Đầu tư, mua sắm công.
QH dự kiến cũng sẽ thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín
nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn;
Nghị quyết về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong lĩnh vực đất
đai...
Kỳ họp thứ 4 diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, khi việc
thực hiện Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4 đã cho kết quả bước đầu, Hội nghị T.Ư 6 vừa
kết thúc mang một không khí mới trong việc đánh giá và nhìn nhận sai lầm,
khuyết điểm. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất đình đốn, lạm phát tăng cao, tham
nhũng, lãng phí chậm được giải quyết đang hằng ngày tác động đến cuộc sống, tâm
tư của người dân là một thách thức không dễ dàng đối với QH và các đại biểu
(ĐB) QH. Không chỉ có trách nhiệm phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, việc
tạo niềm tin, hay nói cách khác là mang lại sự hài lòng cho dân chúng là điều
quan trọng nhất với QH lúc này. Suy cho cùng, đó cũng chính là linh hồn của
việc thực hành dân chủ.
Cử tri không nghi ngờ khả năng nhận biết các vấn đề xã hội
của ĐBQH. Trước kỳ họp, mỗi vị ĐBQH có vài cuộc tiếp xúc cử tri chính thức,
ngoài ra là các cuộc tiếp xúc không chính thức và các kênh thông tin khác từ báo
chí, điều tra xã hội học... Theo báo cáo của T.Ư MTTQ VN, thì có gần 1.400 ý
kiến, kiến nghị của cử tri được gửi đến kỳ họp. Nhưng làm thế nào để QH giải
quyết hữu hiệu đối với một số lượng lớn các vấn đề như vậy mới là câu chuyện.
Không thể đòi hỏi mọi vấn đề, mọi bức xúc trong xã hội đều
có thể giải quyết tại QH, trong một kỳ họp. Nhưng chức năng đại diện luôn đòi hỏi
các vị ĐBQH phải phân tích cái được, cái mất của cử tri trong mỗi quyết sách
của mình. Ở QH, câu chuyện lạm phát bùng nổ trở lại phải được truy đến tận cùng
căn nguyên, chứ không phải là giá một mặt hàng cụ thể nào đó đang tăng. Việc
quyết định ngân sách tại QH cũng cần phải thực chất hơn, bằng các thao tác
không mấy phức tạp. Nếu Chính phủ nói không đủ sức để tăng lương theo lộ trình,
thì QH cần phải được tường minh tại sao lại không có tiền và điều đó cần được
xem xét trên cơ sở lợi ích của cử tri.
QH, Chính phủ đã nhiều lần thực hiện miễn, giảm, gia hạn
thuế và các loại phí, lệ phí. Kết quả cho thấy, ngân sách không giảm thu, mà
ngược lại còn tăng, vì động viên được các tổ chức, cá nhân bỏ vốn ra làm ăn nhiều
hơn. Từ thực tế này, QH hoàn toàn có thể phải đưa ra Nghị quyết về việc giảm tỷ
lệ đóng góp từ thuế, phí vào ngân sách.
Nguyện vọng của người dân được lắng nghe, thấu hiểu và tôn
trọng là điều quan trọng nhất tạo nên chỉ số niềm tin của một QH của dân, do
dân và vì dân.
(Theo Thanh niên) Bảo Cầm, An Nguyên |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét