Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

Hậu “Mùa xuân Ai-Cập”:

18:01

Cuộc cách mạng nửa vời

Các cuộc bầu cử Quốc hội tại Ai Cập là độc nhất trong lịch sử bầu cử của quốc gia này. Tuy nhiên, còn quá sớm để dự báo liệu sự khác biệt giữa cuộc bầu cử lần này và trước đây chỉ là bề ngoài hay có sự khác biệt thật sự.

Cử tri Ai Cập ngày 28/11 đã đi bỏ phiếu để bầu ra một ban lãnh đạo mới của đất nước. Đây là một cuộc bầu cử lịch sử diễn ra sau khi chế độ Hosni Mubarak bị lật đổ và đất nước của Kim tự tháp tạm thời do quân đội kiểm soát. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị phủ bóng đen bởi các cuộc biểu tình tiếp diễn tại nhiều thành phố lớn ở Ai Cập, phản đối chính quyền lâm thời cũng như thủ tướng tạm quyền vừa được chỉ định.
Khi niềm tin bị đánh cắp
Việc các quân nhân lên nắm quyền sau khi lật đổ Mubarak vào tháng 2 năm nay đã được đa số người dân Ai Cập hoan nghênh, vì quân đội đã giữ đúng lời hứa không bắn vào dân. Sau khi cách mạng thành công, Ai Cập nằm dưới sự lãnh đạo tạm thời của Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang (SCAF) và theo dự kiến sau bầu cử Tổng thống (có thể vào trước thời điểm cuối tháng 6/2012), quyền lực sẽ được trao lại cho một Chính phủ dân sự.
Nhưng gần 10 tháng sau, người dân Ai Cập đã mất hết tin tưởng vào quân đội, vì họ cho rằng SCAF muốn bám giữ quyền lực, không tôn trọng những cam kết cải cách dân chủ và tiếp tục chính sách đàn áp như dưới thời Mubarak. Chính phủ do các tướng lĩnh chỉ định đã gây bất bình dư luận, khi đề nghị đưa vào Hiến pháp những điều khoản mà nếu được thông qua, sẽ giúp cho quân đội nằm ngoài kiểm soát của Chính phủ dân sự.
Theo giới phân tích, vấn đề là quân đội Ai Cập, trước khi từ bỏ quyền lãnh đạo, muốn đặt ba điều kiện: Thứ nhất, vốn là một định chế của chế độ Mubarak, họ muốn được bảo đảm là sẽ không bị đưa ra tòa như nhà cựu độc tài; Thứ hai, quân đội muốn bảo vệ những quyền lợi kinh tế bao trùm mọi lĩnh vực, từ các nhà máy vũ khí cho đến sản xuất đồ gia dụng; Thứ ba, họ muốn duy trì những đặc quyền và quy chế riêng của quân đội. Rõ ràng, từ bỏ quyền lực là cách tốt nhất để duy trì những quyền lợi, nhưng nếu từ bỏ quyền lực mà không có những bảo đảm vững chắc, thì những quyền lợi đó sẽ bị đe dọa.
Tuy nhiên, đối với đa số người dân Ai Cập bây giờ, cách hành xử của quân đội khiến người ta có cảm tưởng là việc lật đổ chế độ Mubarak là một cuộc đảo chính quân sự hơn là một cuộc cách mạng. Nói cách khác, đó chỉ là một cuộc cách mạng nửa vời. Chính cái tính chất nửa vời này khiến Ai Cập rơi vào khủng hoảng như hiện nay.
Như đổ thêm dầu vào lửa, Tòa án Hành chính tối cao Ai Cập ngày 14/11 đã ban hành quyết định cho phép các thành viên của Đảng Dân chủ Quốc gia (NDP) đã tan rã ra tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội, gây ra làn sóng phản đối mới giữa các nhà hoạt động chính trị và các lực lượng đối lập. Hơn 30 đảng phái chính trị đã kêu gọi hàng triệu người xuống đường tuần hành đòi SCAF phải lập tức trao quyền điều hành cho một chính quyền dân sự. Những yêu cầu khác bao gồm thành lập hội đồng tổng thống dân sự hoặc chính phủ cứu quốc với đầy đủ quyền hành, trả tự do cho các nhà hoạt động bị bắt giữ và chấm dứt các phiên tòa quân sự đối với người dân, truy tố những người tham gia giết hại người biểu tình và tái cơ cấu Bộ Nội vụ. Nhiều nhà phân tích cho rằng, các cuộc biểu tình này là “làn sóng thứ hai” của cuộc cách mạng tháng Một vẫn chưa kết thúc của Ai Cập.
SCAF đã buộc phải thừa nhận đất nước đang khủng hoảng, kêu gọi các lực lượng chính trị cấp tốc đối thoại với nhau để tìm phương cách nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng ở quảng trường Tahir nay vẫn tiếp tục vang lên những khẩu hiệu đòi SCAF từ chức, giống như thời điểm mà người dân Ai Cập đồng loạt đứng dậy xóa sổ chế độ độc tài Mubarak.
Liệu có khác biệt?
Rõ ràng các cuộc bầu cử Quốc hội tại Ai Cập là độc nhất trong lịch sử bầu cử của quốc gia này. Tuy nhiên, còn quá sớm để dự báo liệu sự khác biệt giữa cuộc bầu cử lần này và trước đây chỉ là bề ngoài hay có sự khác biệt thật sự, và liệu các cuộc bỏ phiếu này sẽ dẫn Ai Cập tới gần nền dân chủ hay đẩy đất nước này ra xa hơn. Giới quan sát nhận định rất có thể các cuộc bầu cử Quốc hội sẽ dẫn tới việc thành lập một đảng đa số mới tại Ai Cập
Một đặc điểm khác biệt của cuộc bầu cử năm nay là lần đầu tiên không có xu hướng chính trị chủ đạo chi phối hay đảng cầm quyền kể từ năm 1923. Việc giải tán đảng NDP cầm quyền cũ đã chấm dứt vai trò mà đảng này nắm giữ suốt 33 năm qua trong việc thiết lập và duy trì nhà nước độc đảng dưới vỏ bọc đa nguyên. Kết quả của cuộc bầu cử này chắc chắn sẽ định đoạt số phận của hệ thống đảng chính trị cũ. Tuy nhiên, khó có thể dự đoán được liệu các cuộc bỏ phiếu này sẽ tạo ra một đảng mới dưới dạng một đảng đa số vượt trội so với các đối thủ bầu cử hay thay vào đó sẽ tạo ra một quốc hội gồm một loạt đảng nhỏ hơn, mà những bất đồng sẽ ngăn những đảng này thực hiện vai trò Quốc hội một cách hiệu quả. Nếu trường hợp sau xảy ra thì có thể khiến cho người dân Ai Cập một lần nữa không tin tưởng dân chủ là chìa khóa dẫn đến sự ổn định và tiến bộ.
Đặc điểm khác biệt thứ hai là bầu không khí chính trị. Có thể một số lượng lớn người dân Ai Cập sẽ tham gia bỏ phiếu. Lượng cử tri này bao gồm bộ phận lớn tầng lớp trung và hạ lưu, tầng lớp lao động và người nghèo, và nhất là thanh niên thuộc các bộ phận xã hội này. Những cử tri này đã tham gia cuộc trưng cầu dân ý về các sửa đổi hiến pháp ngày 19/3, với 18 triệu người, nhiều gấp đôi số lượng cử tri tham gia cuộc bầu cử Quốc hội năm 2005. Hiện việc đăng ký cử tri chỉ cần chứng minh thư nên số lượng cử tri tham gia cuộc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra có thể đạt con số 45 triệu người. Trong khi đó, 9 tháng sau cuộc cách mạng, số lượng các chính đảng đã tăng gần gấp ba lần, từ 24 lên 70 đảng. Sự tràn ngập các đảng mới này là bằng chứng nữa về sự nhiệt tình tham gia chính trị của người dân sau cách mạng. Mặc dù hầu hết các chính đảng của Ai Cập là non trẻ, không có kinh nghiệm, không được đào tạo để tổ chức và thực hiện chiến dịch tranh cử, song các đảng này tạo ra một hiện tượng mới trong các cuộc bầu cử, tác động tích cực tới quá trình dân chủ hóa ở Ai Cập.
Điều gây không ít bất ngờ là việc các nhóm cực đoan như Al-Gamaa Al-Islamiya và tàn dư của Jihad Ai Cập cũng thành lập các chính đảng. Hiện các đảng Hồi giáo đã bắt đầu cảm thấy sức mạnh của họ, cả về số lượng và sự ủng hộ. Những đảng này cảm thấy không cần phải giành được sự chấp thuận của những phe phái tự do và thế tục nữa. Ảnh hưởng của họ sẽ được phản ánh trong các cuộc bỏ phiếu sắp tới và sẽ có tác động tiêu cực đến tiến trình phát triển dân chủ ở Ai Cập, trong trường hợp họ giành được đa số ghế trong Quốc hội.
Theo một số nhà quan sát, bất chấp “vết nhơ” gắn với chính quyền cũ, những tàn dư của đảng NDP sẽ có tác động lớn đến cuộc bầu cử, chủ yếu do những đảng mới được các phong trào thành niên cách mạng thành lập vẫn tương đối thiếu kinh nghiệm. Nếu đúng như vậy, kết quả cuộc bầu cử có thể tái tạo dạng nhị nguyên, vốn là đặc tính của các Quốc hội thời trước cách mạng. Sự khác biệt duy nhất lần này là các lực lượng Hồi giáo sẽ chiếm đa số chi phối, trong khi những tàn dư của NDP sẽ trở thành một lực lượng đối lập nhỏ.
(Theo NLM) Hải An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét