Vụ 11 doanh nghiệp bán xăng dỏm:
Buông lỏng quản lý chất lượng
Có khá nhiều tầng nấc trung gian mua bán trước khi bán một sản phẩm xăng dầu đến người tiêu dùng. Một số khâu đang bị buông lỏng quản lý đã tạo điều kiện cho các cây xăng “phù phép” móc túi người tiêu dùng.
Khoản lợi từ việc gian dối chất lượng không chỉ là chênh lệch giá 500-1.000 đồng/lít giữa xăng A83 với xăng A92, A95 mà theo giới kinh doanh xăng dầu, các doanh nghiệp gian lận có thể “bỏ túi” tới vài ngàn đồng/lít xăng.
Gian lận dễ dàng
Phân tích nguồn gốc của xăng dỏm, giới kinh doanh xăng dầu cho rằng có hai nguồn. Nguồn thứ nhất là xăng A83 được các công ty đầu mối cung cấp. Nguồn thứ hai là xăng dầu bán chui, hàng không có hóa đơn chứng từ.
Ở nguồn thứ nhất, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tự sản xuất xăng A83, sau đó bán cho đại lý bán lẻ, cây xăng tư nhân hoặc tổng đại lý. Từ doanh nghiệp đầu mối đến cây xăng bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng, đầu mối vẫn bán xăng A83 trên hóa đơn chứng từ nhưng sau khi xăng đổ vào bồn, cây xăng bán lẻ gian lận thành xăng A92, A95.
Trường hợp khác, doanh nghiệp đầu mối bán xăng A83 cho tổng đại lý, tổng đại lý bán xăng A83 cho cây xăng bán lẻ. Sau đó cây xăng bán lẻ bán thành xăng A92, A95 giá cao hơn. Nguồn thứ hai là xăng dầu lậu, trong đó chủ yếu “rút ruột” ở các tàu chở hàng nhập tới cảng, xe bồn... Các đại lý bán lẻ lấy hàng rồi tự pha trộn các loại xăng với nhau để ra một loại xăng có chỉ số octan thấp, giá rẻ và kém chất lượng.
Đại diện Công ty TNHH xăng dầu L cho biết đơn vị này là tổng đại lý của Tổng công ty Dầu VN (PV Oil). Công ty có cung cấp xăng A83 lấy từ PV Oil cho các đại lý bán lẻ. Đại lý nào có nhu cầu mua thì liên hệ, có hợp đồng thương mại, công ty xuất hóa đơn đàng hoàng. Còn các cây xăng bán lẻ, doanh nghiệp tư nhân mua về sử dụng vào mục đích gì, bán cho ai, bán như thế nào thì công ty không chịu trách nhiệm. “Người mua muốn làm gì thì làm” - ông K., phụ trách công ty, nói. Đây chính là khâu sơ hở, lỏng lẻo trong quản lý chất lượng xăng khiến các đại lý bán lẻ dễ dàng gian lận.
Liên quan việc vi phạm của các cây xăng có mua hàng của Công ty TNHH Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), ông Đặng Vinh Sang, tổng giám đốc Saigon Petro, cho biết không bán xăng A83 cho các cây xăng có tên trong danh sách 11 doanh nghiệp bán xăng dỏm do Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TP.HCM vừa công bố.
Ông Sang cho biết hiện Saigon Petro đang sản xuất xăng A83 tại Nhà máy lọc dầu Cát Lái (Q.2, TP.HCM). Công suất hiện nay của nhà máy khoảng 175.000 tấn/năm. Trong đó, sản phẩm xăng A83 chiếm 5-7% tùy từng thời điểm. Tại TP.HCM, công ty chỉ bán xăng A83 cho một cây xăng ở ngã tư Nguyễn Văn Cừ - An Dương Vương, còn lại phân phối cho các tỉnh ĐBSCL, Lâm Đồng... “Việc các đại lý lấy xăng A83 đổi tên thành xăng A92, hoặc loại xăng A92 có thể do đại lý lấy hàng chui từ các nguồn khác” - ông Sang nói. Việc pha chế ra loại xăng dỏm đó không quá khó khăn. Doanh nghiệp chỉ cần mua chất laphtha - chất bán thành phẩm của xăng dầu - về pha chế với các dung môi, hóa chất... để tạo ra sản phẩm có chỉ số octan thấp, giá rẻ và bán gian lận cho người tiêu dùng.
Lời nhiều, phạt ít
Về việc kiểm soát chất lượng xăng dầu và ràng buộc trách nhiệm giữa các bên liên quan trong hệ thống phân phối xăng dầu, tổng giám đốc một đầu mối xăng dầu khu vực phía Nam cho biết khi bán bất cứ mặt hàng nào, kể cả xăng dầu... đều có ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp với đại lý, tổng đại lý... Nếu thỏa thuận theo phương thức công ty đầu mối vận chuyển thì công ty đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng hàng đến trước khi sản phẩm đổ vào bồn của cây xăng bán lẻ hoặc tổng đại lý. Còn nếu bên mua vận chuyển thì công ty đầu mối chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng đến khi xuất bán khỏi kho. Phần còn lại là của bên mua. Bên nào vi phạm thì pháp luật xử lý.
Trong khi đó, theo nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, tổng đại lý có nghĩa vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của đại lý trong hệ thống phân phối của mình, liên đới chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm của các đại lý. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng cần điều tra thêm nguồn gốc xăng dỏm để xử lý các bên có trách nhiệm liên quan.
Theo đại diện tổng đại lý xăng dầu này, xăng dầu ngoài luồng được các tài xế bán rẻ hơn giá thị trường nên khi kinh doanh xăng dỏm từ nguồn xăng lậu, các cây xăng tư nhân có thể lời 3.000-4.000 đồng/lít so với sản phẩm hợp pháp.
Lời nhiều nhưng theo quy định, mức phạt tiền đối với hành vi bán hàng chất lượng không đúng tiêu chuẩn đã công bố sẽ bị phạt 2-3 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm kiểm tra. Tuy nhiên, trong nhiều cuộc họp về gian lận thương mại, theo Cục Quản lý thị trường, điểm khó khăn là xác định lượng hàng hóa đã bán ra.
Theo các chuyên gia, ngay cả khi nghị định 104 của Chính phủ về xử phạt vi phạm trong kinh doanh xăng dầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2012, mức phạt đối với hành vi gian lận về chất lượng xăng dầu tối đa là 30 triệu đồng cũng vẫn quá nhẹ so với những khoản lợi mà doanh nghiệp thu được.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú: Từng đề xuất cấm sản xuất xăng A83 Trao đổi với Tuổi Trẻ về hiện tượng một số cây xăng bán xăng chất lượng thấp, ông Nguyễn Cẩm Tú, thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết về nguyên tắc, các cửa hàng xăng dầu chỉ được làm đại lý, bán xăng dầu của một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Nếu xăng dầu do công ty xăng dầu đầu mối kém chất lượng thì các công ty xăng dầu đầu mối phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi cửa hàng xăng dầu bán loại xăng dầu kém chất lượng không phải do công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối cung cấp, nghĩa là cửa hàng đã vi phạm quy định và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Sở dĩ có hiện tượng xăng kém chất lượng, có chỉ số octan thấp là do trên thị trường vẫn còn bán loại xăng A83, khiến các cửa hàng xăng dầu có thể pha trộn, gian lận. “Hiện xăng A83 đã không được nhập khẩu và Bộ Công thương từng đề xuất loại bỏ xăng A83 ra khỏi danh mục mặt hàng được sản xuất tại VN, tức không cho phép doanh nghiệp nào tại VN sản xuất xăng A83 nữa. Thế nhưng do không có sự thống nhất chung của các bộ ngành nên việc sản xuất vẫn được tiếp tục. Hiện tại, gần như chỉ còn Saigon Petro sản xuất xăng A83 từ consandate” - ông Tú khẳng định. |
Sẽ phạt 3-5 lần giá trị hàng vi phạm Tại cuộc họp chiều 2-12, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà yêu cầu Sở Khoa học - công nghệ TP.HCM đề xuất, chuyển hồ sơ 11 doanh nghiệp có mẫu xăng không đạt chất lượng để UBND TP xem xét xử lý trước Tết Dương lịch. Ông Hà cũng kết luận tinh thần là phải xử lý nghiêm, áp dụng quy định của Chính phủ phạt từ 3-5 lần tổng giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm tại thời điểm vi phạm, đồng thời phải tăng tần suất lấy mẫu xăng dầu ở tất cả cây xăng để thử nghiệm đánh giá chất lượng, có thể thực hiện định kỳ hằng tuần, hằng tháng. Tuy chưa thể báo cáo ngay tại cuộc họp về khối lượng của các lô xăng vi phạm chất lượng như công bố, nhưng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở Khoa học - công nghệ TP) cho biết trong quá trình kiểm tra có ghi nhận số lượng lô xăng được lấy mẫu kiểm tra. Ông Lê Mạnh Hà yêu cầu rà soát, chốt số lượng các lô hàng xăng vi phạm về chất lượng để làm cơ sở tính tiền phạt theo quy định nói trên. Báo cáo với lãnh đạo UBND TP, ông Trịnh Minh Tâm, phó giám đốc Sở Khoa học - công nghệ TP, nhấn mạnh vi phạm của các đơn vị kinh doanh xăng dầu có xu hướng tăng cả về số lượng đơn vị lẫn chất lượng xăng, so với năm 2010 tỉ lệ mẫu xăng không đạt chất lượng qua đợt kiểm tra vừa qua tăng gần gấp đôi. Theo Sở Khoa học - công nghệ TP, sau khi có kết quả thử nghiệm mẫu xăng đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu tạm dừng bán xăng có chất lượng không đạt, đồng thời có biện pháp khắc phục trước khi bán xăng ra thị trường. Tuy nhiên, sở nhìn nhận trên thực tế các đơn vị kinh doanh xăng dầu đã tiêu thụ hết số xăng mà trước đó được lấy mẫu thử nghiệm và cho kết quả không đạt chất lượng. Cũng kết luận tại cuộc họp, ông Lê Mạnh Hà yêu cầu các cơ quan chức năng kể từ ngày 1-1-2012 kiểm tra, xử lý vi phạm các đơn vị kinh doanh xăng dầu không xuất hóa đơn cho khách theo quy định, kể cả các đơn vị kinh doanh taxi cũng áp dụng yêu cầu này. Người tiêu dùng có thể kiện cây xăng Theo ông Nguyễn Mộng Hùng - chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, người tiêu dùng có thể kiện khi mua phải xăng dỏm. Cụ thể, khi người tiêu dùng mua phải những loại xăng dỏm có thể kiện chính cây xăng đã bán sản phẩm không đúng chất lượng cho mình. Để kiện những cây xăng bán sản phẩm kém chất lượng này, người tiêu dùng khi mua xăng cần có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ liên quan mua hàng tại đó. Khi có đầy đủ giấy tờ chứng minh, người tiêu dùng có thể liên hệ trực tiếp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM để được bảo vệ quyền lợi chính đáng. Hội sẽ thẩm định hồ sơ rồi mời các bên liên quan đến để hòa giải và thỏa thuận mức bồi thường hợp lý. Nếu không thống nhất được việc hòa giải, người tiêu dùng có thể kiện cây xăng bán sản phẩm kém chất lượng cho mình ra tòa án. Khi ấy hội sẽ đồng hành để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng đã mua phải xăng dỏm. |
Theo Tuổi trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét