Đưa nợ xấu ra ánh sáng:
Không ai biết chính xác nợ xấu!
Đa số các ngân hàng vẫn úp mở chuyện nợ xấu là bởi nợ xấu tăng, tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro càng cao, sẽ ăn hết vào lợi nhuận. Hơn nữa, nợ xấu cao cho thấy dấu hiệu quản trị yếu kém.
Năm 2006, khi BIDV áp dụng phân loại nợ theo chuẩn quốc tế, nợ xấu vọt lên 31%, trong khi một năm trước đó, tính theo chuẩn cũ, nợ xấu ở mức 12,47%.
Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu trong ba quý đầu năm nay ở mức 3,92%, cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo lý giải của Vietcombank, nguyên nhân là Vietcombank áp dụng chuẩn mực kiểm toán quốc tế vào đánh giá tỷ lệ nợ xấu.
Ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc ngân hàng Eximbank, cho biết thời điểm hiện nay, không ít khách hàng trả nợ trước hạn, hoặc muốn giãn thời hạn vay, giảm trả vốn gốc, ông đều cho cơ cấu lại nợ. “Tín dụng, suy cho cùng, là giúp cho doanh nghiệp khi thiếu vốn, chia sẻ khó khăn về dòng tiền”, ông nói. Theo ông, một doanh nghiệp hoạt động tốt, nhưng đến thời điểm trả nợ chưa thanh toán được, thì chưa cần thiết để chuyển qua nhóm nợ xấu.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, các ngân hàng cần phải được kiểm toán theo chuẩn kế toán quốc tế OECD, và quản lý rủi ro theo chuẩn Basel . “Việc này đã trì hoãn từ năm 2000, đến nay không có một bước tiến bộ nào”, ông nói.
Từ ngày 1.4.2012, các ngân hàng sẽ phải công khai nợ xấu theo các tiêu chuẩn quốc tế, theo thông tư 35 ngân hàng Nhà nước vừa ban hành. Đây là cơ hội minh bạch thông tin cho thị trường. “Lần này thì chúng tôi kiên quyết, vì lỗ hổng đạo đức quản lý đã rất lớn”, ông Lê Xuân Nghĩa nói.
Trong khi chờ đợi sự kiên quyết thực thi như vậy, thị trường có cách đánh giá riêng. Cứ nhìn mức lợi suất trái phiếu chính phủ mà Việt Nam phải trả cho các nhà đầu tư nước ngoài khi phát hành trên thị trường quốc tế trong năm ngoái là đủ hiểu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét