Thứ Tư, 21 tháng 12, 2011

13:31

Chương trình bình ổn thị trường vàng: Có tác dụng ngược?

NHNN thời gian qua đã liên tục đưa ra các giải pháp để bình ổn thị trường vàng. Tuy nhiên tới nay, giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi gần 3 triệu đồng/lượng.

Theo như nhìn nhận của NHNN thì với mức chênh lệch này thì thị trường đang bị đầu cơ, lũng đoạn. Chương trình bình ổn thị trường của NHNN từ đầu tháng 10 tới nay dường như không phát huy được tác dụng.
Vẫn bị làm giá
Thông tư 32 được ban hành cho phép 5 NHTM được chuyển đổi 40% số vàng tồn quỹ thành tiền để bổ sung nguồn cung vàng trên thị trường và được mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái nhằm bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng. Đồng thời, nhóm 5 NHTM này sẽ cùng với một DN vàng là SJC bán vàng bình ổn theo giá vàng của SJC. Tuy nhiên, kể từ ngày Thông tư 32 ra đời (ngày 6.10), sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã có lúc được thu hẹp xuống sát mức kỳ vọng của NHTM là 400.000 đồng/lượng, nhưng diễn biến này không duy trì được lâu bởi sau đó mức chênh lệch này lại được đẩy lên trên 3 triệu đồng/lượng.
Sau khi trình Chính phủ dự thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, thực hiện bước đi tiếp theo trong công cuộc bình ổn thị trường, NHTN ngày 17.12 vừa qua tiếp tục lập đề án bình ổn thị trường vàng trong đó nhấn mạnh việc sử dụng nguồn lực trong nước để bình ổn thị trường. Được biết, tổ xây dựng đề án sử dụng nguồn lực trong nước để bình ổn thị trường vàng sẽ do đích thân Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN làm tổ trưởng. Ngoài ra còn bao gồm các thành viên khác là lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị thuộc  NHNN, một số NHTM và Cty vàng bạc đá quý.
Sau ba ngày thành lập tổ, ngày 20.12, giá vàng trong nước được niêm yết ở mức 43,1 – 43,5 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao ngay tại thị trường Châu Âu cùng thời điểm được giao dịch ở mức 1.602,80 – 1.603,80 USD/ounce. Nếu quy đổi theo tỉ giá Vietcombank thì giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới 2,89 triệu đồng/lượng (chưa tính phí). Còn nếu quy đổi theo tỉ giá tự do thì mức chênh này là 2,19 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này đã được co lại phần nào so với mức chênh trên 3 triệu đồng/lượng cách đây ít ngày, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Bởi trước đó, theo lời Thống đốc NHNN, mức chênh hợp lý có thể chấp nhận được mà DN vẫn có lãi là 400.000 đồng/lượng. Còn nếu mức chênh cao hơn mức 400.000 đồng/lượng thì có nghĩa là thị trường vàng vẫn bị lũng đoạn, làm giá.
Lỗi ở sự nhập nhằng?
Kể từ khi thông tư 32 ra đời, đã có nhiều câu hỏi đặt ra là liệu với 40% lượng vàng tồn quỹ của 5 NHTM và SJC liệu có đủ sức bình ổn thị trường. Khi đó, có người đã cho rằng, để bình ổn thị trường thì cần phải biết cung – cầu là bao nhiêu để NHTN “bốc” đúng “liều” trị bệnh cho thị trường. Nguồn cung thì có thể nhìn ra ngay bởi NHTM nắm trong tay số liệu vàng tồn quỹ của các NHTM. Còn để định lượng nhu cầu của người dân thì bài toàn dường như có vẻ khó hơn.
Tuy nhiên, như Thống đốc NHNN đã nhận định, thị trường vàng VN vốn bị chi phối khá nặng bởi yếu tố đầu cơ và tâm lý bầy đàn. Điều này đều được minh chứng trong mỗi cơn sốt vàng mấy năm trở lại đây. Và trong bối cảnh lạm phát tăng cao thì tâm lý cất trữ vàng vẫn còn. Do đó, trong bối cảnh thị trường vàng trong nước và thế giới chưa lưu thông thì vấn đề cung – cầu sẽ khó được giải quyết.
Một thực tế là thời gian qua, khi giá vàng thế giới tăng, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới được thu hẹp nhưng khi giá vàng thế giới giảm thì khoảng cách này lại sẽ dãn ra. Vì sao? Lý giải cho điều này, một DN vàng cho biết, khi giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước giảm theo nhưng đà chậm hơn bởi sức cầu của người dân tăng lên khiến vàng trong nước chỉ chững lại. Điều này đã kéo dãn khoảng cách giữa hai thị trường vàng. Thêm vào đó, khi giá vàng thế giới giảm quá nhanh, NH mua vàng đối ứng trên tài khoản ở nước ngoài bị lỗ nên buộc phải neo giá cao để bù lỗ.
Trong nhiều tháng qua, nhiều ý kiến đã đặt vấn đề tại sao nghị định quản lý thị trường vàng tới nay vẫn chưa được ban hành, và liệu thị trường trong nước có được kết nối “thông” với thị trường vàng thế giới hay không?... Để giải đáp những câu hỏi này có lẽ sẽ phải đợi tới khi nghị định này được ban hành. Còn trước mắt, khi chưa có quy định ràng buộc, các DN vẫn đang neo giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi 2-3 triệu đồng/lượng dù đó là DN thực hiện chương trình bình ổn của NHNN. Sự nhập nhằng giữa mục tiêu kinh doanh với mục tiêu bình ổn dường như đang tạo ra tác dụng ngược? Thay vì bình ổn thị trường thì lại tạo điều kiện cho hành động đầu cơ, thao túng thị trường?
Điều đáng nói, việc duy trì sự chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới đang tạo cơ hội vàng nhập lậu lũng đoạn thị trường trong nước, gây bất ổn thị trường ngoại hối.
(LĐO) Lưu Thuỷ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét