Thứ Sáu, 2 tháng 12, 2011

13:15

Đừng “đánh trống, bỏ dùi” 

Ngày 30-11, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã công bố danh sách 11 doanh nghiệp bán xăng kém chất lượng.

Trong khoảng thời gian ngót 2 tháng, kiểm tra tại 55 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thì 16/32 mẫu đưa đi thử nghiệm "có vấn đề", cụ thể là không đạt chất lượng so với quy chuẩn quốc gia; trong 16 mẫu xăng A92 thì có 11 mẫu không đạt chất lượng; trong 11 mẫu xăng A95 thì một nửa không đạt chất lượng. Nhiều mẫu xăng A92, A95 qua kiểm nghiệm chỉ là xăng A83 hoặc cao hơn một chút...

Nói chung, kết quả kiểm tra như vậy là rất đáng lo ngại khi tính trung bình là một nửa số mẫu xăng dầu không đạt chất lượng quy chuẩn như công bố. Nói cách khác, đây là sự gian lận, một số DN kinh doanh mặt hàng này đã "treo đầu dê, bán thịt chó". Hành vi đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, sử dụng xăng dầu không đạt chất lượng như vậy, "tuổi thọ" động cơ phương tiện của người tiêu dùng bị giảm sút; khách hàng phải "móc" tiền mua sản phẩm chất lượng thấp hơn công bố của đơn vị kinh doanh... thì ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù, cơ quan nào đứng ra làm trọng tài?

Theo sự tuyên truyền rộng rãi của các cơ quan thông tin đại chúng, từ ngày 1-7-2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực. Đây được kỳ vọng là "tấm lá chắn" bảo vệ cho lợi ích của các "thượng đế". Song qua vụ việc bán xăng... "đểu" ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, dù có luật, nhưng người tiêu dùng chưa có thực quyền, có nghĩa là luật mới có giá trị trên văn bản mà chưa thể hiện hiệu lực trong đời sống.

Tại sao lại tồn tại tình trạng đó?

Trước hết là do một thời gian dài người tiêu dùng Việt Nam sống trong cảnh cam chịu thân phận "thấp cổ, bé họng" của mình, nên cũng chả buồn gây hấn, kiện cáo đưa ra tòa do tâm lý chung ngại va chạm, sợ mất thời gian... mà đổi lại, chưa biết mình sẽ được gì. Từ đó nhìn vào, có thể thấy việc tuyên truyền của chúng ta mới ở mức độ "đánh trống", còn chủ thể được luật pháp bảo vệ là người tiêu dùng chưa hiểu hết quyền và trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cũng chưa làm tròn trách nhiệm được giao khi tình trạng nhập nhèm, gian lận vẫn xảy ra phổ biến ở nhiều lĩnh vực trong đó có kinh doanh xăng dầu. Còn nhớ, năm 2009, 2010 hàng loạt vụ việc gian dối bằng hành vi gắn chíp tại các cây xăng bán lẻ được phát hiện tại Hà Nội và nhiều địa phương khác. Việc xử lý cũng đã có. Nhưng tiếp theo đó, liệu người tiêu dùng đã có thể yên tâm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đúng chất lượng và đủ khối lượng? Chắc chắn là không. Khi các cơ quan quản lý chưa triển khai những đợt ra quân rầm rộ, thì có lẽ người tiêu dùng đành "tặc lưỡi" chịu vậy. Không biết sau những đợt ra quân "khua chiêng" như thế, những người được giao trách nhiệm quản lý làm công việc gì, hay vẫn là lý do muôn thuở... "người thiếu, năng lực yếu"?

Cứ "đánh trống, bỏ dùi" chả trách nhiều vấn đề của chúng ta không minh bạch về cả quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm từ người tiêu dùng, cơ quan quản lý đến các DN sản xuất, kinh doanh. Bàn luận để làm rõ căn nguyên, song giải quyết tình trạng đó thì cần sự vào cuộc của cả xã hội trong đó vai trò chủ động của cơ quan quản lý nhà nước có tính chất quyết định. Nếu tất cả đều đồng lòng hành động, coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ và là việc làm thường xuyên thì mọi sự gian lận, nhập nhèm trong xã hội liệu có tồn tại và có xu hướng phổ biến như hiện nay?
(Theo HNM) Hoàng Thu Vân  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét