Nghịch lý khó chấp nhận
Thời điểm cuối năm, các DN đều phải đôn đáo đốc thúc thu hồi các khoản nợ, tính toán chuyện thu chi, lời lãi, xem xét lượng tiền mặt hiện có và cân nhắc việc thưởng tết cho người lao động.
DN nào kinh doanh có lãi, làm ăn trôi chảy thì mọi chuyện đều dễ dàng. DN nào thua lỗ, sản phẩm ứ đọng, hàng xuất xưởng chưa ký được hợp đồng thì từ lãnh đạo tới người lao động đều lo ngay ngáy khi chưa biết việc thưởng tết trông chờ vào đâu, thậm chí còn phải nợ cả lương tháng của người lao động...
Thế nên chuyện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm ăn thua lỗ mà tính bình quân mức lương được nhận lại cao ngất ngưởng là một nghịch lý khó chấp nhận. Nếu các tập đoàn, DN tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài... với quy mô gần 10.000 người cứ "hạch toán" bảo vệ quyền lợi cho người lao động như vậy thì không biết tồn tại được bao lâu rồi phá sản?
Lại nữa, theo kết luận thanh tra tài chính năm 2010 của Kiểm toán Nhà nước, nếu như thu nhập bình quân của toàn tập đoàn (công ty mẹ) là 13,7 triệu đồng/tháng thì khối làm việc trực tiếp lại thấp hơn khá nhiều. Cụ thể bình quân khối phân phối điện là 7,9 triệu đồng/tháng; khối truyền tải là 10,8 triệu đồng/tháng, còn khối văn phòng tập đoàn là xấp xỉ 30 triệu đồng/tháng. Trong khi có thông tin những vị trí cao nhất của ngành điện có mức thu nhập là trên 90 triệu đồng/tháng, thì những giám đốc của các thủy điện lớn nhất, nhì Việt Nam cho biết, cộng tuốt tuồn tuột từ tiền lương đến ăn trưa, hệ số an toàn, lương trách nhiệm... cũng chưa đầy 10 triệu đồng mỗi tháng. Như vậy, cách phân chia lương của EVN tạm hiểu là theo hình tháp ngược, càng làm trực tiếp càng được nhận ít tiền. Nói cách khác là người lao động đang cõng trên lưng gánh nặng về lương và... "bổng" cho cả tập đoàn. Ấy có phải nghịch lý khi ngồi trong phòng điều hòa máy lạnh, mưa không tới mặt, nắng không tới đầu, làm nhàn nhã mà tiền bỏ túi thì rủng rỉnh...
Lại nữa, theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chính sách công Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, hiện chi phí giá thành của EVN đang được tính theo công thức: Chi phí (gồm chi phí truyền tải, chi phí tổn thất, chi phí phân phối...) + Khoản lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp = Giá thành. Nếu theo cách tính đó, "Khoản lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp" sẽ luôn được bảo đảm, không phụ thuộc vào phần "Chi phí". Chính cơ chế này đã không tạo động lực thúc đẩy DN cố gắng tối ưu hóa chi phí sản xuất, dẫn đến thất thoát điện năng là điều dễ hiểu vì tổn thất bao nhiêu cũng được hạch toán vào giá thành. Có phải vì vậy mà trong khi các DN, tập đoàn đang hạn chế tối đa những thất thoát, tiết giảm chi phí sản xuất, loại bỏ các khâu trung gian thì theo Kiểm toán Nhà nước tổn thất điện năng năm 2010 của EVN lên tới hơn 9.681 triệu kWh, tỷ lệ tổn thất là 10,15%, tăng 0,58% so với năm 2009?
Lại nữa, Kiểm toán Nhà nước xác định khoản lỗ trong sản xuất kinh doanh của EVN lên đến trên 8.400 tỷ đồng, cộng với khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá hơn 17.000 tỷ đồng, tính đến hết năm 2010 EVN lỗ trên 25.000 tỷ đồng. Rồi tới 18 dự án nguồn điện phải tăng gần 83.000 tỷ đồng và 13 dự án truyền tải điện phải tăng gần 1.150 tỷ đồng... Vậy mà tính đến ngày 31-12-2010, EVN đã đầu tư tài chính dài hạn gần 50.000 tỷ đồng, trong đó vào lĩnh vực viễn thông trên 2.442 tỷ đồng và vào bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng hơn 2.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận từ các khoản đầu tư rất thấp, chỉ đạt hơn 1% với số lợi nhuận hơn 540 tỷ đồng. Đó có phải nghịch lý khi đã lỗ, tức là không có tiền mà vẫn "chơi" (đầu tư ra ngoài ngành), dù lãi thu được không thể nói là đầu tư có hiệu quả?
Với hàng loạt nghịch lý như đã nêu tại EVN, có lẽ đã đến lúc cần phải mổ xẻ từng vấn đề một cách nghiêm túc để đưa ra những biện pháp giải quyết cụ thể. Với cách làm như vậy, nếu không phải là một tập đoàn kinh tế nhà nước liệu EVN có thể tồn tại tới giờ này? Và cũng không thể lấy việc tăng giá sản phẩm đang được độc quyền kinh doanh để bù lỗ cho cơ chế quản lý yếu kém, hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả. Bài học từ sự đổ vỡ của Vinashin vẫn còn đang nóng hổi.
(HNM) Hoàng Thu Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét