Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

11:01

Cẩn thận mất tiền khi giao dịch ATM
Trước tình trạng ăn cắp mã pin và thông tin tài khoản cá nhân của khách sử dụng thẻ ATM bằng công nghệ cao ngày càng tăng, đại diện ngân hàng lưu ý một số điểm chú ý khi rút tiền.
 
Một điểm giao dịch ATM của Ngân hàng Ngoại thương trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được trang bị khá sơ sài, không đảm bảo an ninh cho khách hàng.
 Ảnh: Tuấn Nguyễn.
Trộm công nghệ cao
Thời gian qua, tại một số điểm giao dịch cây ATM, đặc biệt ở Hà Nội và TP HCM, diễn ra tình trạng ăn cắp mã PIN, thông tin cá nhân của người thực hiện giao dịch.
Trong một lần trao đổi với báo chí, Thượng tá Lê Minh Loan, đại diện Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết, loại hình tội phạm công nghệ cao ăn cắp mã pin và sao chép dữ liệu thông tin thẻ ATM ngày càng gia tăng. Đặc biệt, trong mấy tháng cuối năm 2011, hiện tượng trên xảy ra tại một số tỉnh, thành phố ngày càng nhiều hơn.
Để có thông tin của chủ thẻ, loại tội phạm này sử dụng một thiết bị tên skimming, gắn ở khe cắm thẻ của máy ATM. Skimming hoạt động trên mạng GSM, khi khách hàng thực hiện giao dịch, bộ đọc trong chip của thiết bị này sẽ lấy toàn bộ dữ liệu trong thẻ, truyền về máy di động. Một chiếc camera mini quay trộm được gắn trên nóc cabin cây ATM, hoặc trong một thùng đựng tờ rơi bên cạnh, nhằm ghi lại mã PIN khi khách hàng đăng nhập.
Ngoài ra, chúng còn có thể sử dụng một tấm PIN pad giả, gắn phía trên tấm PIN pad thật, chụp mã số trong khi khi người sử dụng giao dịch ấn bàn phím. Sau khi có được các thông tin cần thiết, kẻ xấu sản xuất thẻ giả để đăng nhập và rút tiền.
Những chú ý
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện trung tâm thẻ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: Việc khách hàng bị ăn cắp thông tin cá nhân xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, do mất cảnh giác, khách hàng thường không để ý đến sự theo dõi của camera quay trộm, được gắn một cách bí mật xung quanh các cây ATM, hoặc những người lạ đứng gần đó nhìn thấy mã pin.
Ngoài ra, rất nhiều người, đặc biệt là công nhân tại những khu công nghiệp, thường cho bạn bè, người quen mượn thẻ (họ cung cấp thông tin cho người nhà gửi tiền vào tài khoản). Một số người lấy mã pin là ngày tháng năm sinh của mình, rất dễ bị đối tượng xấu ghi nhớ, đoán biết khi mượn thẻ hoặc lấy cắp thẻ để rút tiền.
Theo đại diện này, khách hàng cần lưu ý: Trước khi vào cây ATM, nên quan sát kỹ quanh cabin có thiết bị, vật lạ khác thường gắn ở khe cắm thẻ, bàn phím hay những vị trí khác trong cabin. Quan sát màn hình máy ATM có sáng bình thường không. Ngoài camera an ninh của ngân hàng còn có camera khác được ngụy trang không?
Một đặc điểm dễ nhận biết là khi cắm thẻ vào khe cắm sẽ có đèn báo hiệu sáng lên. Nếu không thấy đèn chớp chớp, có thể máy ATM đã bị gắn skimming – đại diện này nói.
Nếu phát hiện thấy có dấu hiệu khả nghi, khách hàng nên ngừng giao dịch và gọi điện báo cho ngân hàng theo số điện thoại đường dây nóng được cung cấp trên thẻ, hoặc báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.
Khách hàng không được che mặt hoặc ngăn ngừa camera giám sát ghi lại nhận diện của mình khi sử dụng ATM. Khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ SMS banking để tự giám sát tài khoản của mình.
Để đảm bảo an toàn cho khách hàng, đại diện một chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) tại Hà Nội cho biết, hiện tại, hầu hết các cây ATM của ngân hàng đều được trang bị thiết bị phòng, chống sao chép thông tin chủ thẻ (Anti-Skimming) và camera an ninh để ghi lại hình ảnh khách hàng khi thực hiện giao dịch.
Với thiết bị Anti-Skimming, kẻ xấu không lắp được thêm các thiết bị gắn trên đầu đọc thẻ tại máy ATM. Khách hàng dễ dàng nhận biết máy ATM có gắn Anti-Skimming bằng cách khi đưa thẻ vào giao dịch, thấy thẻ bị rung, giật chứng tỏ thiết bị đã hoạt động. Trong trường hợp tội phạm lắp được chip trộm thông tin thì khách hàng không thể đưa thẻ vào máy (với những cây đã cài đặt Anti-Skimming).
Ngoài ra, hệ thống ATM còn ghi lại tất cả nhật ký giao dịch của khách hàng. Mọi hoạt động như rút thiếu tiền, không rút được tiền hay bất kỳ hoạt động nào vừa thực hiện của khách đều được ghi nhớ.
Theo đại diện của trung tâm thẻ ngân hàng Vietcombank, để tránh bị ăn cắp mã pin, khách hàng nên dùng tay che phần bàn phím (ngân hàng đã có thông báo hiển thị trên màn hình ATM hướng dẫn cách che tay). Người sử dụng cũng nên thường xuyên thay đổi mã số pin để bảo mật.
Trung tâm hỗ trợ ngân hàng sẽ hướng dẫn, trả lời, giải đáp thắc mắc, khiếu nại của khách hàng khi gặp những sự cố như bị cây ATM nuốt thẻ, các biểu hiện nghi ngờ, phát sinh trong quá trình giao dịch hoặc không thực hiện được giao dịch. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ không chịu trách nhiệm với việc khách hàng cho người khác mượn thẻ, hoặc sơ ý bị ăn cắp mã pin và thông tin tài khoản dẫn đến bị rút sạch tiền trong thẻ.
Trả lời trên truyền hình, Thượng tá Lê Minh Loan, đại diện Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), cho biết, tội phạm công nghệ cao thường gắn thiết bị ăn trộm thông tin thẻ bên trong các bộ nhớ của thiết bị đọc thẻ.
Sau khi khách hàng cắm thẻ vào khe, dữ liệu của thẻ sẽ bị sao chép, in thẻ giả. Camera quay trộm thường được các đối tượng tội phạm gắn ở trên nóc của cabin cây ATM, hoặc mặt trên của cây ATM đối diện với bàn phím để ghi lại mã pin của khách hàng.
Chủ thẻ, nên quan sát các biểu hiện khác thường, đặc biệt ở khe đầu đọc thẻ, trên trần cabin, bàn phím để nhập số pin….Nếu phát hiện bất thường, khách hàng không nên giao dịch.
Trước khi nhập số pin, tiến hành giao dịch, nên quan sát, không để cho những người lạ xung quanh nhìn thấy. Cách đơn giản, an toàn nhất là lấy tay che số pin khi đăng nhập.
TPO - Tuấn Nguyễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét