Thứ Năm, 1 tháng 12, 2011

07:29

Cắt bớt tầm gửi…
Biện pháp này đã bị biến tướng mà ta cần cảnh giác. Người yếu kém thì ở lại, người có lòng tự trọng và người có năng lực nhưng không có quan hệ thân thuộc với người có quyền là người trước tiên phải cắp nón ra đi. Chắc các nhà hoạch định chính sách của Bộ Nội vụ quá thừa trí thông minh và lương tâm để giải quyết chuyện này.
VNN: Tuyển dụng công chức, giải pháp nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền và lương công chức là những vấn đề được xã hội rất quan tâm. Mới đây, Tuần Việt Nam nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Phương. Để rộng đường dư luận, tôn trọng tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam xin đăng tải bài viết. Và mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi về chủ đề này của bạn đọc gần xa.
Tôi giật mình toát cả mồ hôi khi nghe tin chín năm nữa lương công chức đủ nuôi cả nhà. Vừa mừng vừa lo. Mừng thì ít mà lo thì nhiều, vì người thân của tôi có cả công chức lẫn... "phi" công chức. Lo hơn cả, với bộ máy vốn đã rất cồng kềnh và cái cung cách quản lý công chức như bây giờ, công chức sẽ thấy mình chưa được trả lương xứng đáng.
Liệu biện pháp này nhằm giảm nạn tham và nhũng trong bộ máy công quyền có hiệu quả không?
Lương công chức và tham nhũng
Thu nhập thấp không phải là lý do quan trọng nhất dẫn đến tham và nhũng. Nếu tăng lương mà không đi đôi với luật pháp nghiêm minh, công chức vẫn thấy thu nhập "càng nhiều càng ít". Ai cũng biết ở đâu có quyền lực, ở đó tiềm ẩn tham nhũng.
Nhưng tham nhũng tràn lan là sản phẩm của khuyết tật hệ thống và sự thiếu vắng luật pháp nghiêm minh, như được thể hiện bằng công thức C = M + D - A[1] do Klitgaard, MacLean-Abaroa và Parris, tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) tổng kết.
Công thức ấy cho ta thấy nạn nhũng nhiễu hành dân không thể giảm nếu chỉ tăng lương công chức. Không chừng, lúc đó, lót tay qua cửa cho người thu nhập 4000 đô-la Mỹ/ tháng sẽ không phải như bây giờ, mà phải xứng với người có thu nhập mức đó.
Những năm qua, mỗi lần Nhà nước "tinh giản biên chế" thì biên chế không những không tinh giản được lại phình to hơn trước, y như khối u ác bị động dao kéo vậy.
Hiện tượng này có ở mọi cơ quan tiêu tiền ngân sách. Nay họ đẻ ra một bộ phận, mai đẻ ra một phòng, mốt lại bổ sung biên chế vì "công việc nhiều", ... cứ như thế biên chế ngày càng phình to một cách hết sức "khoa học".
Nếu chúng ta tiến hành thống kê, chắc chắn kết quả sẽ cho thấy, những vị trí cần đẻ thêm đó và thường là "ngon", chủ yếu rơi vào tay người thân hoặc có người quan hệ nào đó của những người có quyền, bất chấp chất lượng và tư chất người được tuyển ra sao.
Chẳng cần nhìn đâu xa, ngay tại cơ quan tôi, từ khi có chủ trương tinh giản biên chế, tôi chưa thấy ai bị "tinh giản" cả mà ngược lại.
Một phòng chỉ lo việc sự vụ trước đây chỉ có bốn nay có đến chín người.

Ảnh: Bình Minh
Có một biên chế chuyên chỉ lo mở đóng khóa cho vài ba phòng họp mỗi tháng vài lần. Một biên chế chỉ nhận thư báo và chia vào chục cái ngăn kéo của các đơn vị. Một chỉ nghe điện thoại và "cộp" dấu ... Đại loại như thế, những công việc chẳng cần học hành gì nhiều.
Trong thực tế, chín người đã làm khối lượng công việc của ba người. Như vậy, về cơ bản cả chín người đều đói việc (underemployed). Còn lương vẫn lên đều đặn đúng hạn vì ai cũng đạt danh hiệu "lao động tiên tiến" cả, thậm chí có cả "chiến sỹ thi đua".
Rõ ràng tiền đóng thuế của dân đang nuôi... báo cô hơnh 60% số người trong đơn vị nói trên, trong khi khối lượng công việc không có gì thay đổi.
Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tại sao lương công chức thấp.
Ví dụ trên hoàn toàn đúng với nhiều đơn vị khác ăn lương ngân sách.
Biên chế là cái giỏ có hom?
Có không ít công chức phán rằng "lương chỉ thế, tôi chỉ làm thế". Lập luận vậy thể hiện sự thiếu tự trọng và dấu dốt. Nếu đã chấp nhận có nghĩa là đã cam kết và cần phải tôn trọng cam kết của chính mình. Còn ở lại với công việc dù chỉ một ngày, người có nhân cách đàng hoàng vẫn làm theo lòng tự trọng.
Ngược lại, nếu được trả 4000 đô-la/ tháng liệu người ta có làm việc xứng với mức lương này không? Đối với đại đa số công chức, câu trả lời chắc chắn là "không" vì khả năng chỉ đến thế thì cố cũng chẳng hơn.
Vào được biên chế chính thức ở Việt Nam tương tự như đậu đại học. Vào biên chế rồi hãy yên tâm nghỉ ngơi vì nghiễm nhiên sẽ ở trong biên chế đến ... chết.
Cũng như vào ĐH rồi thì chỉ việc rung đùi và chắc chắn sẽ tốt nghiệp, vì hầu như không có sinh viên ĐH nào ở Việt Nam lại không tốt nghiệp. Biên chế nhà nước ở Việt Nam giống như cái giỏ có hom - chỉ có vào mà chẳng có ra. Cũng tương tự như chức vụ  - hầu như chỉ có lên mà không có xuống, cùng lắm là "đi ngang".
Hơn thế, thi tuyển công chức để được vào biên chế chính thức ở ta chẳng giống ai và sẽ chọn được người yếu kém, cơ hội hoặc người "không biết làm ở đâu khác" như trong bản điều tra của VietNamNet dưới đây (tính tới thời điểm bài viết này).
Thêm vào đó là tư duy khép kín "nội bất xuất, ngoại bất nhập" để bảo vệ nguyên trạng (V.I.) như trường hợp gần đây Sở Nội vụ tỉnh nọ nói "không" với tại chức. Nực cười là chính ông giám đốc, người đưa ra đề xuất này, là sản phẩm của đào tạo tại chức. Hành động này không gì khác là hành động "qua cầu rút ván" khi các vị và người thân của các vị đã có chỗ, có ghế.
Theo tư duy của ông GĐ này, thiết nghĩ, để cho công bằng và đảm bảo chất lượng, ta hãy loại bỏ các cán bộ quản lý hiện tại có bằng  tại chức?
Kết quả bình chọn
Lý do chính khiến bạn lựa chọn gia nhập đội ngũ công chức dù mức lương thấp?
Được đóng góp vào sự phát triển của khu vực nhà nước                                   11%                662/5598
Có việc làm ổn định đến khi nghỉ hưu                                                          30%                1698/5598
Cơ hội thăng quan, tiến chức                                                       
                     17%              969/5598
Nhiều cơ hội học tập, nâng cao năng lực bản thân                                                     7%                424/5598
Người thân trong gia đình mong muốn                                                         8%                448/5598
Không biết làm ở đâu khác  
                    24%              1397/5598
Nguồn: VietNamNet
Như vậy, các con số cho ta thấy trong số 5598 người được hỏi, những người chọn làm công chức Nhà nước chủ yếu tìm sự yên thân chiếm 30%, và không biết làm ở đâu chiếm 24%. Các chỉ số còn lại, 17%, một tỷ lệ không thấp, nhằm vào cơ hội thăng quan tiến chức cũng phản ánh phần nào động cơ của những người muốn làm công chức dù biết lương thấp.
Họ nhìn thấy ở vị trí tương lai một cơ hội thu hoạch qua quyền lực. Còn chỉ số 11% (được đóng góp vào phát triển khu vực Nhà nước) nghe có vẻ... sáo.
Nếu biên chế vẫn nguyên như hiện tại và ngày càng phình to ra, sau chín năm nữa, khi hàng triệu công chức có lương đủ nuôi cả nhà thì sẽ có hàng triệu gia đình "phi" công chức phải sắm cho mình... cái bị và cái gậy?
Một chi tiết rất thú vị và đáng chú ý trong điều tra trên là 24% người trả lời chọn làm công chức vì "không biết làm ở đâu khác".
Đây chính là câu trả lời đích thực cho chất lượng "hành là chính" ở xã hội Việt Nam hiện nay.
Cắt bớt tầm gửi trước khi bón cây
Tại sao lương thấp mà vẫn chạy vào biên chế mất cả trăm triệu đồng? Tại sao lương thấp, công chức vẫn sắm xe hơi nhà lầu? ... Những câu hỏi đó đã được nhiều người tìm ra câu trả lời, và một phần có thể tìm thấy ở thống kê điều tra trên đây. Không thăng quan tiến chức được thì cũng có cơ hội "chắn barrier" để thu vé.
Để chủ trương tăng lương công chức có giá trị khuyến khích lao động, việc đầu tiên phải làm ngay từ bây giờ thanh lọc đội ngũ công chức.
Một trong những biện pháp đã từng có lần được đưa ra là định lượng biên chế theo công việc và khoán quỹ lương, nhưng đã không thành công mà hậu quả là biên chế càng phình to ra. Đuổi ai? Con cháu mình? Không được. Con cháu "đối tác", người đã nhận con mình? Không được. Kẻ mà mình đã ăn tiền đút lót? Cũng không được. Con cấp trên? Càng không được.
Do đó, biện pháp này đã bị biến tướng mà ta cần cảnh giác. Người yếu kém thì ở lại, người có lòng tự trọng và người có năng lực nhưng không có quan hệ thân thuộc với người có quyền là người trước tiên phải cắp nón ra đi. Chắc các nhà hoạch định chính sách của Bộ Nội vụ quá thừa trí thông minh và lương tâm để giải quyết chuyện này.
Nếu chỉ tăng lương mà không kiên quyết thanh lọc đội ngũ công chức hiện nay, lưng người dân Việt vốn đã còng sẽ lại còng hơn. Dầu càng phải hút nhiều hơn, khoáng sản cần phải khai thác nhiều hơn để bán. Còn nông dân, công nhân lại đổ nhiều mồ hôi hơn ... Chợ bán sức lao động trên phố càng đông hơn.
Nếu biên chế vẫn nguyên như hiện tại và ngày càng phình to ra, sau chín năm nữa, khi hàng triệu công chức có lương đủ nuôi cả nhà thì sẽ có hàng triệu gia đình "phi" công chức phải sắm cho mình... cái bị và cái gậy?

[1] Corruption = Monopoly + Discretion - Accountability, tạm dịch là:
THAM NHŨNG = độc quyền CỘNG bưng bít thông tin TRỪ trách nhiệm giải trình
                                          (Vietnamnet) Nguyễn Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét