Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

07:25

Thủy điện: Công có, tội có và nhiều cái khó nói…(I)
Toàn bộ gánh nặng mà thủy điện trút xuống người dân vùng hạ lưu sông có thủy điện phải gánh lấy. Còn thứ trách nhiệm kia thì như… “bóng chim, tăm cá” vì trách nhiệm chung nghĩa là… không ai có trách nhiệm cả.
Nhắc đến thủy điện và hệ lụy của nó, không thể bỏ qua các thủy điện ở miền Trung với những đợt xả lũ kinh hoàng. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là người viết phủ nhận vai trò của thủy điện. Chỉ là nhìn nhận lại vai trò của nó trong thời điểm hiện tại và cần có những thay đổi cần thiết.
Có công...
Anh họ tôi, một trong những người đầu tiên đến Trị An hoang vu trong những ngày xây dựng công trình thủy điện tại đây đến giờ vẫn còn tự hào. Những ngày hậu đổi mới ấy, những người đi dựng lại đất nước mang trong mình bầu nhiệt huyết để sau này nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã miêu tả lại trong bài hát Trị An âm vang mùa xuân:
"Dòng điện âm vang từ triệu con tim
Dòng điện mênh mang từ ngàn khối óc
Dòng điện mê say gọi ngày tương lai 
Dòng điện trong ta gọi đời bay xa..."
Cho đến bây giờ, sau hơn 20 năm gắn bó với Trị An, anh tôi vẫn hát lại bài hát đó với giọng hát có lửa. Thực sự thủy điện Trị An đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế của tỉnh Đồng Nai, vùng Đông Nam Bộ với dòng điện của mình.
Nhìn rộng hơn, cùng với tuyến đường dây 500kV Bắc- Nam, thủy điện Trị An cùng nhiều công trình trọng điểm khác đã đặt nền móng cho cuộc bứt phá khỏi cơ chế bao cấp kéo dài chục năm sau ngày đất nước thống nhất.
Đợt lũ vừa qua, anh tôi gọi điện với giọng có vẻ trách móc: "Vừa rồi báo chí nói có tỉnh miền Trung nước lũ vẫn lên trong những ngày có nắng là lỗi do thủy điện. Có cái đúng, có cái chưa đúng..." Theo anh, nếu mực nước mưa càng lớn thì lũ càng lớn, hạ nguồn càng ngập nặng nhưng thủy điện cũng đóng vai trò điều tiết lũ khi giảm thiểu mức lũ ấy.
"Ví dụ với lượng mưa đầu nguồn trên mức 700ml thì hạ nguồn lũ ở mức báo động cấp 5 nhưng thủy điện điều tiết nó chỉ còn lại ở mức báo động cấp 3 thì rõ ràng thiệt hại sẽ ít hơn. Lượng nước đổ về hạ nguồn ít hơn thì phải dài ngày hơn nên có khi này nắng cũng có lũ là chuyện bình thường."
Với anh họ tôi, thủy điện có lợi như vậy đấy! Dù anh cũng không phủ nhận nó có hại...
Cũng có tội...
Hiện nay, vấn đề vận hành liên hồ chứa của các thủy điện được các nhà khoa học đặt ra với nhiều dấu hỏi. Nếu không vận hành liên hồ, (giả sử) khi xảy ra sự cố vỡ đập đầu nguồn thì "hiệu ứng domino" sẽ kéo theo một loạt thủy điện phía dưới vỡ đập liên hoàn, hậu quả thật khó mà tưởng tượng.
Có thủy điện ở đầu nguồn thì tương ứng với diện tích rừng đầu nguồn bị suy giảm do phải dành đất rừng làm hồ chứa. Cách thức tích nước tự nhiên bằng hệ thống rừng đầu nguồn bị thay đổi khiến hệ sinh thái mất cân bằng, tầng nước ngầm cũng suy giảm theo.
Vùng nước động được thay bằng vùng nước tĩnh nên nước ngầm, nước mặt ở hạ du cũng thay đổi theo xu hướng suy giảm. Khả năng nhiễm mặn ở hạ du cũng cao hơn, nguy cơ ô nhiễm vì lượng nước dùng để gột rửa tự nhiên giảm đi nên xử lý nước sông thành nước sinh hoạt tại các nhà máy cấp nước cũng tốn kém hơn.
Mặt khác, quá trình tích nước, xả nước của thủy điện nặng tính lợi ích của chủ đầu tư khi nước được giữ lại vào mùa khô (để dành phát điện) và xả nhiều vào mùa mưa (lo sợ vỡ hồ). Điều này tạo ra những đợt hạn hán hay lũ lụt nhân tạo một cách rõ rệt.
Thiên tai thì có thể dự báo được bằng kinh nghiệm dân gian, dự báo thời tiết chứ "nhân tai" thì đành chịu thua. Vì như đã nói ở trên, quy trình vận hành liên hồ không có hoặc có mà không chặt chẽ thì chỉ có dân hạ nguồn lãnh đủ.
Thượng nguồn các con sông là nơi cư trú, sinh sống của đồng bào các dân tộc. Có thủy điện, họ phải thay đổi địa điểm cư trú, thậm chí thay đổi luôn phương thức sản xuất truyền thống để tồn tại. Điều này là phai nhạt hay thậm chí biến mất nhiều tập tục, nghi lễ nói riêng và bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung.
Thiên tai thì có thể dự báo được bằng kinh nghiệm dân gian, dự báo thời tiết chứ "nhân tai" thì đành chịu thua. Vì như đã nói ở trên, quy trình vận hành liên hồ không có hoặc có mà không chặt chẽ thì chỉ có dân hạ nguồn lãnh đủ.
Thượng nguồn các con sông là nơi cư trú, sinh sống của đồng bào các dân tộc. Có thủy điện, họ phải thay đổi địa điểm cư trú, thậm chí thay đổi luôn phương thức sản xuất truyền thống để tồn tại. Điều này là phai nhạt hay thậm chí biến mất nhiều tập tục, nghi lễ nói riêng và bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung.
...Và nhiều cái khó nói lắm!
Ngoài những thủy điện đã được Chính phủ cho phép xây dựng còn có vô số các thủy điện tư nhân mọc lên, như nấm khắp đất nước được đề nghị từ cấp tỉnh, cấp huyện và thậm chí là cấp xã.
Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương)- ông Tạ Văn Hường cho rằng ngoài các thủy điện lớn (nhóm A) do bộ quản lý thì các thủy điện nhỏ (từ nhóm B trở xuống) là do các địa phương tự quyết, tự chịu trách nhiệm.
Một trận lũ nhân tạo có thể làm sạt lở, xuống cấp, sụp đổ cả một hệ thống hạ tầng cơ sở ở hạ nguồn và mức đến bù (nếu có) của các thủy điện chỉ là hạt muối bỏ biển. Xét cho cùng, để khôi phục lại đời sống thì cũng chỉ có ngân sách Nhà nước (vốn từ tiền thuế của dân) rót xuống và người dân tự bỏ tiền túi ra trang trải.
Vậy thì toàn bộ gánh nặng mà thủy điện trút xuống người dân vùng hạ lưu sông có thủy điện phải gánh lấy. Còn thứ trách nhiệm kia thì như... "bóng chim, tăm cá" vì trách nhiệm chung nghĩa là... không ai có trách nhiệm cả.
Xưa nay, ngành điện lúc nào cũng than thiếu vốn để xây dựng công trình cơ bản nhưng lại đem vốn của ngành đi đầu tư vào các lĩnh vực khác để nhận lấy thua lỗ mà "chúa chổm" EVN Telecom là ví dụ điển hình.
Xưa nay, khi nhiệt điện gặp khó khăn do than đá, khí đốt lên giá thì "ông nhà đèn" chỉ có duy nhất một bài ca mang tên "tăng giá điện" đánh vào túi tiền người dân nhưng chưa thấy họ nói tới lợi nhuận thủy điện ra sao.
Trung bình, thủy điện ở nước ngoài cần 20-30 năm hoạt động mới hoàn vốn trong khi thủy điện xứ mình chỉ từ 10-15 năm. Quá tài!
Tôi chợt ước ao giá mà mình biết được trong các công ty cổ phần thủy điện tư nhân, có bao nhiêu vốn do cán bộ địa phương, cán bộ trung ương đóng góp vốn vào đấy, trực tiếp hoặc thông qua người thân.
Đem câu hỏi này gặp vài chủ đầu tư thì chỉ nhận được cái gãi đầu, nụ cười méo xệch: "Nhiều cái khó nói lắm em ơi..."
"Cái tội" vốn có của thủy điện, vì thế khó mà bị truy cứu, dù tội ấy không nhỏ...
“Cập nhật tiếp theo vào 07:25 ngày 04/12/2011”
(Vnn) Nhất Ngôn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét