Thả gà ra để đuổi
Tình trạng "hữu sinh vô dưỡng" khi các DN được thành lập theo kiểu vỡ kế hoạch thật đáng quan ngại. Các chuyên gia nhận xét rằng, việc cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh mà thực chất là giấy phép thành lập doanh nghiệp đang "có vấn đề".
Tin từ Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho hay, trong 10 tháng năm 2011, đã có 63.920 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký khoảng 397.000 tỉ đồng. Trong số DN này có 39 cơ sở của doanh nhân trẻ Võ Văn Vi (31 tuổi) chỉ trong hơn một tháng đã đứng ra thành lập đến 37 doanh nghiệp tại TP HCM với tổng số vốn lên đến hơn 6.606 tỉ đồng đã khiến dư luận đặt ra câu hỏi về cơ chế hậu kiểm của cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp “ảo”. Ông bạn trẻ này lấy đâu ra tiền vốn lớn vậy và tài năng “tế thế kinh bang” đến đâu mà làm chủ nhiều doanh nghiệp như thế?
Cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Văn Trung còn cho hay trong 9 tháng năm 2011, có 57.000 DN đăng ký kinh doanh nhưng chỉ có 10.000 DN thật sự gia nhập thị trường, 47.000 còn lại không có hoạt động gì. Bạn đọc có quyền nghi vấn rằng, các DN này được lập ra để làm gì? Nếu khó khăn thì tại sao vẫn xin lập mới?
Điều tra DN năm 2011 do Cục Thống kê TP HCM vừa công bố cho thấy, số lượng DN trên địa bàn TP tính đến ngày 31/12/2010 vẫn tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này chủ yếu rơi vào khu vực DN ngoài nhà nước. Theo đó, toàn TP có 96.206 DN đang hoạt động, tăng 18.138 DN bao gồm DN ngoài nhà nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN nhà nước. Hai ngành thương mại và khách sạn – nhà hàng có mức tăng trưởng số lượng ấn tượng nhất với 42.247 DN đang hoạt động, tăng trên 7.940 DN, chiếm 43,8% trong tổng số DN tăng thêm trong năm 2010.
Còn số liệu thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 là 1.561.000 tỉ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2010, chứng tỏ sức “chịu đựng” trong cơn suy thoái của người dân còn rất cao và đây cũng là một trong nhiều động lực giúp kích thích sản xuất.
Tình trạng “hữu sinh vô dưỡng” khi các DN được thành lập theo kiểu vỡ kế hoạch thật đáng quan ngại. Các chuyên gia nhận xét rằng, việc cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh mà thực chất là giấy phép thành lập doanh nghiệp đang “có vấn đề”. Hiện nay quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tiếp nhận các hồ sơ đăng ký kinh doanh, đăng ký con dấu và mã số thuế của DN, đồng thời làm đầu mối để chuyển một số dữ liệu theo quy định cho Tổng Cục Thuế và Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC13) để cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế cho DN và xin giấy phép khắc dấu. Quy trình đòi hỏi có sự phối hợp liên ngành khá chặt chẽ. Như vậy, Sở Kế hoạch – Đầu tư là cơ quan đầu mối duy nhất nắm đầy đủ “lý lịch” của DN.
Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện hành lại không ràng buộc trách nhiệm thẩm định của cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Theo điều 24 Luật DN quy định DN phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh. Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ xem xét và chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Và điều 4 Nghị định 43 của Chính phủ về đăng ký DN cũng loại trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh với những vi phạm pháp luật của DN xảy ra trước và sau đăng ký DN.
Vậy là ngay trong quy định đã có những kẽ hở chết người khi xem xét việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Quy định mới tỏ ra rất thoáng, thực sự cải cách thủ tục hành chính để các doanh nhân có thể dễ dàng thành lập doanh nghiệp theo sở nguyện. Sẽ có biện bạch rằng, đây chính là phương thức tạo điều kiện ban đầu thuận lợi và sau đó, khi hậu kiểm sẽ xem xét xử lý các sai phạm. Vài năm trước, do quá thoáng nên không ít người lợi dụng quy định này để thành lập các DN ảo, công ty lừa chuyên buôn bán hóa đơn GTGT, lấy từ tiền ngân sách hàng tỉ đồng tiền hoàn thuế. Chẳng thế mà bà bán rau, ông xe ôm, cô bán chiếu cũng trở thành giám đốc DN.
Có câu thả gà ra mà đuổi, đem vận vào tình hình cấp phép thành lập doanh nghiệp quả không sai!
(NLM) Bảo Dân
(*Tiêu đề của Kinh Bắc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét