Nga chơi “rắn” với Mỹ, vì sao?
Trong một động thái hiếm thấy, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 23/11 đã công bố một loạt những biện pháp đáp trả mà nước này sẽ áp dụng trong trường hợp Mỹ và NATO triển khai hệ thống "lá chắn tên lửa" tại châu Âu mà không tính đến lập trường và lợi ích của LB Nga. Phía sau những tuyên bố này là gì?
Truyền thông Mỹ trong hai ngày qua có khá nhiều bài phân tích, bình luận về tuyên bố của Tổng thống Dmitry Medvedev rằng Nga sẵn sàng trả đũa, triển khai hệ thống rađa hiện đại và các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến lược mới nhằm vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ có kế hoạch thiết lập và đưa vào hoạt động vào năm 2018 tại châu Âu dưới danh nghĩa “nhằm đối phó với các nguy cơ từ chương trình hạt nhân của Iran”.
Báo “Bưu điện Washington” ngày 24/11 cho biết tuyên bố cứng rắn hiếm thấy trên đây của ông Medvedev – người xưa nay vẫn được giới chuyên gia nhìn nhận là thân thiện với phương Tây hơn Thủ tướng Vladimir Putin – được đưa ra trong bối cảnh ông Medvedev đã nhiều lần hối thúc Mỹ tiếp tục có thêm các cuộc thương thảo, nhưng xem ra các cuộc đàm phán về vấn đề nhạy cảm này dù có tiếp tục cũng khó có thể làm thay đổi quan điểm còn khác biệt khá xa giữa hai bên. Ông Medvedev cáo buộc Mỹ và các đồng minh NATO không thiện chí trong các cuộc đàm phán với Nga, do vậy nước Nga bảo lưu quyền ngừng các nỗ lực cắt giảm vũ khí, rút ra khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START-II) nếu Mỹ vẫn cố tình làm ngơ mối quan ngại của Nga để triển khai kế hoạch phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
Lời cảnh báo của ông Medvedev được đưa ra sau một tuần lễ các quan chức cấp cao Nga liên tục có những chỉ trích nhằm vào NATO, trong đó có việc NATO vẫn có ý định tiếp tục mở rộng phạm vi của khối quân sự này áp sát hơn vào biên giới nước Nga. Theo quan điểm của ông Medvedev, Mỹ và Nga vẫn còn đủ thời gian để đạt được một hiệp định nhằm “mở ra một chương mới trong quan hệ của Nga với Mỹ và với NATO”.
Ông Medvedev muốn Nga có một tiếng nói bình đẳng trong việc thiết kế hệ thống phòng thủ tên lửa để bảo đảm một cách chắc chắn rằng hệ thống phòng thủ tên lửa đó sẽ không được sử dụng để chống lại Nga. Tuy nhiên, theo Hans Kristensen – chuyên gia về hạt nhân và kiểm soát vũ khí thuộc Liên hiệp các nhà khoa học Mỹ (FAS) – còn có một thực tế phía sau tuyên bố cứng rắn của ông chủ Điện Kremli, đó là việc nước Nga sắp bước vào các cuộc bầu cử quan trọng, tại đó uy tín của đảng Nước Nga Thống nhất đang có chiều hướng sụt giảm và ông chủ của đảng này là Medvedev muốn làm một việc gì đó – chí ít là một tuyên bố – nhằm giúp lôi kéo những cử tri, nhất là giới quân sự đang không hài lòng với những cải cách sâu rộng của ông đối với các lực lượng vũ trang.
Cách đây một năm, trong cuộc gặp với nguyên thủ các nước NATO tại Lisbon, ông Medvedev nói rằng nước Nga muốn tham gia hệ thống phòng thủ của châu Âu với tư cách là một đối tác đầy đủ. Đây là một quan điểm mà ông Putin không ủng hộ trong cả hai nhiệm kỳ làm tổng thống trước khi tiến cử ông Medvedev lên thay. Hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ dự định thiết lập tại châu Âu có nguồn gốc từ thời Tổng thống Ronald Reagan. Khi lên cầm quyền, chính quyền Obama có một vài điều chỉnh, thúc đẩy nhanh hơn, vẫn luôn khẳng định hệ thống này chỉ với mục tiêu ngăn chặn các nguy cơ từ Iran và gợi ý Nga tham gia.
Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng Nga vẫn nhớ rõ hệ thống này khi được đề xuất là nhắm vào kho vũ khí của Nga, còn Iran chỉ là sự tuyên truyền sau này.
“Thời báo New York” cho rằng tuyên bố của Tổng thống Medvedev triển khai các tên lửa chiến thuật sát biên giới Ba Lan nhắm vào hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ – dự kiến được thiết lập tại nước này – là sự cảnh báo nghiêm khắc nhất mà lãnh đạo Nga nhắm vào Mỹ và NATO. Cho tới nay, Mỹ đã đạt được thỏa thuận theo đó lắp đặt 24 tên lửa đánh chặn tại Romania và một hệ thống rađa cảnh báo sớm tại Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức Nga khẳng định dù vị trí được chuyển dịch sang những nước gần hơn với Iran, nhưng hệ thống này có thể dễ dàng được xoay hướng và sử dụng nhằm vô hiệu hóa các kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga.
Tại hội nghị APEC vừa diễn ra tại Hawaii, Tổng thống Medvedev và Tổng thống Mỹ Obama đã gặp gỡ nhau trực tiếp, nhưng trong cuộc họp báo sau đó ông Medvedev thừa nhận lập trường của hai bên cho tới nay vẫn còn khác biệt. Kể từ thời điểm đó trở đi, các quan chức Nga liên tục đưa ra những lời cảnh báo về hậu quả của việc hai bên không có những nhượng bộ để đi tới một thỏa thuận. Ông Medvedev thậm chí còn cho biết kế hoạch phòng thủ tên lửa tại châu Âu là do Mỹ cố tình đơn phương áp đặt bởi lẽ một số nhà lãnh đạo châu Âu “đã từng trực tiếp than phiền với tôi rằng nước họ chỉ có vai trò rất nhỏ” trong dự án này, và rằng “Mỹ là nước quyết định, quảng bá cho dự án, còn chúng tôi – những thành viên NATO – chỉ đóng vai trò chấp thuận cung cấp lãnh thổ”.
Phát biểu trên của ông Medvedev rõ ràng là nhằm gây chia rẽ Washington với châu Âu, nhất là Ba Lan, Romania, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ – những quốc gia đã đồng ý cung cấp lãnh thổ cho Mỹ. Các nước Đông Âu trước đây là vệ tinh của Liên Xô như Ba Lan và Romania, bất luận quan hệ với Mỹ như thế nào, cũng đều phải tính tới sự nhạy cảm trong quan hệ của họ với láng giềng khổng lồ Nga.
(NLM) Kiến Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét