“Đồng Euro sẽ cáo chung vào Giáng sinh?”
Phát biểu trên đài truyền hình Nga tối 27/11, chuyên gia kinh tế Pháp, Jacques Attali, tuyên bố đồng Euro có thể sụp đổ vào lễ Giáng sinh, nếu châu Âu không thực hiện đủ các biện pháp chống khủng hoảng ở cấp liên minh (EU).
Viễn cảnh của đồng Euro ngày một trở nên u ám hơn và giới đầu tư đang dần mất tin tưởng vào sự tồn tại của đồng tiền này. |
Theo ông, để ngăn chặn, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cần được phép mua trái phiếu của chính phủ các nước lâm vào khủng hoảng, cắt chủ quyền tài chính của họ thông qua kiểm soát ngân sách siêu quốc gia, đổi mới luật pháp trong EU.
Cùng ngày, ngân hàng UBS của Thụy Sỹ cũng cảnh báo rằng, thị trường đã tính đến khả năng đồng Euro sụp đổ bởi tình huống xấu có thể đến nhanh hơn so với khả năng ứng phó của giới chính trị gia.
Theo quan chức UBS, nhà đầu tư cho rằng nếu Đức không hướng đến một liên minh tài khóa thống nhất với các đối tác hoặc ECB không muốn mua không hạn chế trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp, Khu vực đồng Euro sẽ tan rã.
Trên thực tế, không phải tới tuyên bố của ông Attali hay từ UBS, mà ngay đầu tuần qua, thị trường đã ồn ào câu chuyện này, đặc biệt là khi một loạt nước như Hungary, Bồ Đào Nha và Bỉ bị hạ bậc tín nhiệm, trong khi chi phí vay mượn của Pháp tăng vọt.
Hôm 24/11, tổ chức định mức tín nhiệm Fitch Ratings đã hạ bậc tín dụng của Bồ Đào Nha từ BBB- xuống BB+, do nước này bị mất cân bằng về tài chính, nợ công cao và tình hình kinh tế yếu kém gây rủi ro cho kế hoạch khắc khổ.
Theo chuyên gia kinh tế Filipe Garcia, việc Fitch Ratings hạ mức xếp hạng tín dụng không làm thay đổi điều kiện tài chính của Chính phủ Bồ Đào Nha, nhưng điều này có thể sẽ làm xấu đi tình hình tài chính của các công ty.
Fitch nhận định rằng tình trạng suy thoái kinh tế sâu rộng càng thách thức chính phủ Bồ Đào Nha cắt giảm thâm hụt ngân sách nhiều hơn. Thế nhưng, Fitch vẫn hy vọng nước này sẽ đáp ứng các mục tiêu tài chính trong năm nay và cả năm tới.
Ngoài ra, theo Fitch, tổng số nợ của Bồ Đào Nha sẽ đạt đỉnh điểm 116% GDP vào năm 2013. Fitch còn cảnh báo tình hình kinh tế hoặc tài chính xấu đi có thể làm cho nước này bị hạ mức xếp hạng tín dụng thêm nữa.
Cũng trong ngày 24/11, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's ngày 24/11 đã đánh tụt hạng tín nhiệm của trái phiếu Chính phủ Hungary xuống một bậc, từ "Baa3" xuống mức "Ba1", và vẫn giữ nguyên đánh giá triển vọng tiêu cực của kinh tế Hungary.
Mood's giải thích việc hạ mức xếp hạng tín dụng này do chưa nhìn thấy khả năng chắc chắn trong giai đoạn trước mắt Hungary có thể đáp ứng được các mục tiêu củng cố ngân sách và giảm nợ công bởi chi phí tài chính cao, môi trường tăng trưởng thấp.
Moody's nói sẽ tiếp tục xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Hungary, nếu nước này không có những tiến bộ rõ rệt trong củng cố tài chính mà nguyên nhân là từ việc thiếu tiến bộ trong cải cách cơ cấu và thực hiện kế hoạch trung hạn.
Sự việc chưa dừng lại ở đó, một ngày sau, hôm 25/11, Standard & Poor's (S&P), một trong ba cơ quan xếp hạng tín dụng lớn và uy tín nhất thế giới, đã đánh tụt xếp hạng tín dụng của Bỉ từ mức AA+ xuống mức AA.
S&P còn kèm theo nhận xét quan ngại về sức ép tài chính và thị trường Bỉ sẽ phải hứng chịu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục xấu đi.
Trong bản thông cáo của mình, S&P cho biết khả năng của Chính phủ Bỉ trong việc ngăn chặn nợ công gia tăng sẽ bị hạn chế do mất đòn bẩy tài chính trong khu vực tư nhân tại Bỉ và các thị trường thuộc các đối tác thương mại chủ chốt của Bỉ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Bỉ Didier Reynders vẫn nhận định rằng mức xếp hạng tín dụng của nước này là một trong những mức khá nhất tại châu Âu, và quy mô nợ công hiện đang giảm xuống.
Mặc dù tổng nợ công của Bỉ hiện xấp xỉ bằng mức GDP, biến nước này thành một trong những quốc gia nợ nần nhiều nhất của châu Âu, mức thâm hụt ngân sách năm nay được dự kiến sẽ chỉ ở mức tương đối thấp 3,6%.
Trong một diễn biến khác, hôm 25/11, các nước thuộc Khu vực đồng Euro có thị trường tài chính quốc gia ổn định nhất, gồm Đức, Hà Lan và Phần Lan, đã loại trừ khả năng phát hành loại trái phiếu chung của khu vực này.
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, ba nước nói trên cho rằng các nước Khu vực đồng Euro đang "oằn" mình dưới gánh nặng nợ công cần nhanh chóng cải tổ cơ cấu và tuân thủ kỷ luật ngân sách nghiêm ngặt.
Cũng tại cuộc họp này, bộ trưởng bộ tài chính ba nước đã thảo luận cách tiếp cận kép để ổn định thị trường trái phiếu quốc gia khu vực, là tăng vốn cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) và kêu gọi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) can dự tích cực hơn.
Cuộc tham vấn nói trên mở màn cho một loạt cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 9/12 tới tại Brussels (Bỉ), trong đó dự kiến các nước sẽ đưa ra chương trình bình ổn mới cho Khu vực đồng Euro.
Cũng liên quan tới vấn đề nợ công châu Âu, cuối tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ của Pháp bất ngờ tăng vọt, gây ra những lo lắng của giới đầu tư toàn cầu về khả năng cuộc khủng hoảng đã vào tới tận trung tâm lục địa già.
Như vậy là sau Ireland, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha, tiếng chuông cảnh báo khủng hoảng nợ công đã bắt đầu rung lên ở Pháp, làm dấy lên mối lo ngại rằng Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang ngày một “nguy kịch”.
Các chuyên gia phân tích tài chính quốc tế cho rằng Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai Eurozone, đang nằm trong "vòng nguy hiểm" khi phí tổn vay mượn của Paris đã tăng tới mức được xem là "không thể chống đỡ nổi".
Tờ Le Monde của Pháp đặt câu hỏi, liệu sau Hy Lạp và Italy có phải là nước Pháp, đồng thời công bố những số liệu đáng báo động, cho thấy các khoản nợ của Pháp đã chạm ngưỡng 1.700 tỷ Euro, chỉ thấp hơn một chút so với mức 1.900 tỷ Euro của Italy.
Theo giới phân tích, tình hình nợ công của Pháp có phần còn rủi ro hơn cả Italy, bởi lẽ chủ các khoản nợ chính phủ Italy là những nhà đầu tư trong nước, trong khi đó Pháp lại chủ yếu vay nợ nước ngoài.
Còn tờ Les Echos cho hay, tinh thần của các chủ doanh nghiệp Pháp tiếp tục đi xuống trong tháng 11, theo điều tra của Cơ quan thống kê quốc gia Pháp (Insee). Các doanh nghiệp hạn chế đầu tư, việc làm mới không được tạo thêm.
Cụ thể, GDP quý 4 của Pháp có khả năng giảm sút. Hầu hết các lĩnh vực đều bị ảnh hưởng. Đầu tư của doanh nghiệp có xu hướng sụt giảm, đây là yếu tố gây lo ngại đặc biệt. Tỷ lệ vay tín dụng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng giảm xuống trong tháng 9.
Insee thông báo, số việc làm gần như không tăng, chỉ duy nhất có thêm 7.400 việc làm trong ngành thương nghiệp. Nếu điều này được khẳng định, thì chiều hướng tăng trưởng việc làm, bắt đầu từ đầu năm 2010, đã bị ngưng lại.
Với mức tăng trưởng dự kiến 1% trong 2012, Bộ Tài chính Pháp hy vọng sẽ có thêm 80.000 việc làm mới được tạo ra, có nghĩa là thấp hơn hai lần so với kỳ vọng. Theo Les Echos, mức độ tạo việc làm mới có thể không đủ để ngăn chặn nạn thất nghiệp.
Như vậy, với hàng loạt diễn biến có vẻ ngày một tồi tệ hơn, viễn cảnh kinh tế tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang trở nên tối tăm và tạo tiền đề nhiều hơn cho những dự báo về “ngày tàn” của đồng Euro đang tới gần.
Nguồn VNECONOMY (Tiêu đề do Kinh Bắc đặt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét