Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

13:15

Bình ổn giá: Người nghèo khó hưởng

Những năm qua, Hà Nội và TPHCM đã cho các doanh nghiệp (DN) vay hàng ngàn tỷ đồng (lãi suất 0%), để thực hiện chương trình bình ổn giá. Tuy nhiên, đối tượng cần hỗ trợ là những người nghèo lại khó tiếp cận.
Khó kiểm soát
Theo khảo sát của PV tại một số điểm bán hàng bình ổn giá ở Hà Nội, thời điểm này giá một số mặt hàng bình ổn lại cao hơn giá thị trường. Như tại cửa hàng bình ổn thịt ở chợ Thái Hà, chủ cửa hàng cho biết, giá thịt thăn là 130 nghìn đồng/kg, thịt mông sấn là 120 nghìn đồng/kg. Mức giá trên cao hơn ở các chợ như Nghĩa Tân, Đồng Tâm, Cầu Giấy… 5-10 nghìn đồng/kg, tùy loại.
Riêng mặt hàng dầu ăn, tại khu bày hàng bình ổn giá ở siêu thị Intimex (đường Huỳnh Thúc Kháng), giá bán can 1 lít, dầu Neptune là 42,5 nghìn đồng, dầu ăn Meizan là 38 nghìn đồng, dầu Simply giá 43 nghìn đồng. So với các cửa hàng tạp hóa và tại chợ, mức giá dầu ăn thấp hơn 2-3 nghìn đồng/can 1 lít.
Còn tại TPHCM, gần đây, một số mặt hàng bình ổn cũng được bán giá cao hơn thị trường. Chưa kể, thời gian qua, các siêu thị bán lẻ thường xuyên có chương trình khuyến mãi, giảm giá từ 5-50%, vì vậy giá hàng bình ổn dù được cho là thấp hơn giá thị trường 10%, nhưng thực tế có mặt hàng lại cao hơn rất nhiều so với giá thị trường. Vì thế, hàng bình ổn không hấp dẫn người mua.
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng cho biết, những sản phẩm bình ổn là những mặt hàng ít được ưa chuộng, và người tiêu dùng ít có cơ hội lựa chọn. “Loại dầu ăn người tiêu dùng ưu chuộng là Neptune, Simply, trong khi dầu bình ổn chỉ có mỗi loại Cooking oil”- bà Trần Thị Minh, một người nội trợ ở gần siêu thị Coop Mart Cống Quỳnh nói.
Ngoài ra, do số lượng điểm bán hàng bình ổn tại TPHCM phát triển mạnh (dự kiến Tết 2012 có 2.565 điểm bán) nên nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng kiểm soát. Theo Sở Công Thương TPHCM, tính đến tháng 10-2011, riêng Cty TNHH Ba Huân có đến 1.100 điểm bán giá bình ổn, tăng 143 điểm so với đầu chương trình.
Phần lớn điểm bán do tiểu thương nhỏ lẻ quản lý nên DN không quản lý và kiểm soát nổi, một số địa chỉ, điểm bán chưa rõ ràng, chính xác. Hàng hóa ở nhiều cửa hàng nhỏ lẻ, sạp chợ không được quan tâm đúng mức nên hàng bình ổn không thu hút được người tiêu dùng.
Lý giải giá hàng bình ổn cao hơn giá thị trường, ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, do cơ chế quản lý giá bất cập, vì DN không được tự tiện điều chỉnh giá mà phải có hồ sơ giải trình xin phép. Còn khi giá thị trường xuống rồi mà DN chưa điều chỉnh xuống, chúng tôi sẽ yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá xuống theo thị trường.
Nhiều lỗ hổng cho tiêu cực
Tính từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã chi trên 1.380 tỷ đồng cho các DN tạm ứng (vay lãi suất 0%) để mua dự trữ, bán hàng bình ổn giá. Dịp Tết 2012, Hà Nội cho 15 doanh nghiệp vay 475 tỷ đồng, lãi suất 0% để dự trữ, tổ chức bán hàng Tết và ổn định giá cả thị trường.
9 nhóm hàng thiết yếu tham gia bình ổn là gạo trắng thường (6.400 tấn), thịt lợn (1.350 tấn), thịt gà, vịt (500 tấn), thực phẩm chế biến (1.280 tấn), hải sản đông lạnh (800 tấn), rau quả (2.500 tấn)…
Còn TPHCM, nguồn vốn chuẩn bị nguồn hàng bình ổn giá cho các DN là trên 1.830 tỷ đồng, để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa 3 tháng trước, trong và sau Tết. Trong khi, theo Sở Công Thương, tổng nhu cầu vốn để DN trữ hàng Tết là trên 5.566 tỷ đồng.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng mục tiêu chương trình bình ổn là tốt, nhưng hiệu quả không cao. Bởi mạng lưới phân phối tập trung gần như 80% là ở khu vực nội thành, chủ yếu phục vụ đối tượng khá giả, mà đáng ra, 80% đó phải là khu vực nông thôn, khu công nghiệp, sinh viên, nơi người dân nghèo, nhiều khó khăn.
Thứ nữa, mặt hàng chọn để bình ổn cũng chưa trúng, và quá dàn trải nên không đủ lực khống chế được thị trường. Một tháng Hà Nội tiêu dùng khoảng 5.000 tỷ đồng, nhưng ở đây, thành phố đưa ra số tiền giúp các DN bình ổn chỉ 475 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 10%.
Cũng theo ông Phú, chương trình bình ổn đang tạo ra chính sách hai giá, dễ dẫn đến tiêu cực. Thực tế từng xảy ra chuyện tiểu thương vào vét hàng bình ổn do chênh lệnh 15-20 nghìn đồng/chai dầu ăn. Chưa kể, nếu quản lý nội bộ không chặt sẽ có hiện tượng tuồn hàng ra ngoài khi giá chênh lệch nhiều.
Chính sách hai giá cũng tạo ra cơ chế xin cho. Đáng ra, khi chọn đơn vị bình ổn, phải tổ chức đấu thầu, nếu ai là người đưa ra giá thấp thì cho làm, chứ không phải kiểu xin cho như hiện nay. “Tôi đã chứng kiến, trong thời điểm tháng 4 đến tháng 7 vừa rồi, giá dầu ăn bình ổn phải điều chỉnh lên sát với giá thị trường, nếu để thấp quá, tiểu thương sẽ vét hết” - Ông Phú nói.
Cần hỗ trợ trực tiếp cho dân
Để đổi mới cách làm bình ổn, ông Phú cho rằng, cần phát phiếu mua hàng, giảm 5-10% cho người nghèo, và để các siêu thị tự cạnh tranh.
“Cái phiếu đó, làm cơ sở cho các siêu thị quyết toán với nhà nước. Như vậy là minh bạch, chứ bây giờ, thử hỏi, tư thương vào mua ông có quyết toán được không? Nếu không thì ông sử dụng quỹ bình ổn là sai mục đích” - Ông Phú nói.
Thứ nữa, nên sử dụng tiền bình ổn đó cho sản xuất, cho nguồn thịt, rau xanh, và quản lý cái quỹ đó, đưa thẳng từ nguồn đến nơi bán lẻ sẽ tốt hơn. “Ở nhiều nước, với mặt hàng thiết yếu, DN tự tạo lập quỹ bình ổn khi giá cả có biến động. Chứ dựa vào “bầu sữa” bao cấp của nhà nước thì đã xưa rồi, mà không cẩn thận sẽ vi phạm các quy định của WTO. Quỹ đó trích lập từ lợi nhuận trước thuế của DN sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước chỉ hướng dẫn sử dụng.
Còn TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội Hà Nội cho biết, Hà Nội hiện nay đang tồn tại, thực tế là chợ bán buôn và bán lẻ chênh lệch giá tới 60%, thậm chí có thời điểm, lên đến cả trăm % trong một đêm. Do vậy, có thể dùng khoản hỗ trợ lãi suất phục vụ cho các DN bình ổn, để hỗ trực tiếp cho bà con sản xuất.
Cũng có thể, dùng một phần để phát triển các chợ bán buôn trong nội thành, vì nếu không qua trung gian, thì giá đến tay người tiêu dùng sẽ không cao như hiện nay.
Đưa hàng bình ổn đến bếp ăn tập thể
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết tính đến nay, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP năm 2011 và Tết Nhâm Thìn năm 2012 có 2.565 điểm bán (tăng 377 điểm so Tết Tân Mão 2011).
Theo kế hoạch, từ nay đến Tết các DN tham gia chương trình sẽ phát triển thêm 100 điểm bán, trong đó chú trọng phát triển điểm bán ở các KCN-KCX, các khu dân cư, huyện ngoại thành và vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, tiến hành đưa hàng bình ổn vào phục vụ các bếp ăn tập thể của KCN-KCX…
Phạm Anh - Đại Dương - Vy Khánh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét