Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

11:01

Hà Nội sau 2 tháng phân làn: Hơn 7 tỷ đồng mua… “vết xe đổ”?
Người điều khiển ô tô, xe máy mạnh ai người đó lấn, va quệt, tai nạn, ùn tắc,… vẫn thường xuyên diễn ra trên đường phố. Đó là thực trạng đang diễn ra hiện nay trên 5 tuyến phố sau hơn 2 tháng tháng Hà Nội tổ chức phân làn giao thông.
Nguy cơ lần thứ 4 thất bại!
Tính đến thời điểm hiện nay, đã hơn 2 tháng (từ ngày 20.9) sau khi Hà Nội tổ chức phân làn giao thông chống ùn tắc. Đây cũng là lần thứ 4, (trước đó vào các năm 2003, 2006, 2009) việc tổ chức phân làn đã được triển khai trên các tuyến phố. Tuy nhiên, trên thực tế, giao thông thời điểm này vẫn lại là: lộn xộn và ùn tắc.
Khảo sát của PV trên 5 tuyến phố đã phân làn: Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Xã Đàn, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân, Giải Phóng, trong những ngày này, trật tự giao thông dường như không mấy có sự chuyển biến. Tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm không đếm xuể. Các cột biển báo, dải phân cách nhiều nơi trong cảnh bị đâm vỡ, hư hỏng.
Bà Vũ Thị Hoa, ở phố Hàng Bài chia sẻ: “Tôi thấy chẳng có gì thay đổi nhiều. Có chăng chỉ ô tô “chịu khó” đi đúng làn hơn vì họ sợ phạt nặng. Còn đối với xe máy, xe đạp thì nếu có huy động hàng trăm CSGT trên một tuyến đường chỉ để ghi biên bản phạt thì cũng không xuể. Người đi xe máy cứ hở đâu là lao đó, bất chấp việc phân làn”.
Cũng theo ghi nhận của PV, trên các tuyến phố phân làn, lực lượng Thanh tra giao thông (TTGT) những ngày qua đứng phân làn rất mỏng. Có chăng thì những “chú lính chì” này đứng cho có mặt và “quên” nhiệm vụ của mình, vì vậy các phương tiện “thoả sức” lấn làn. Đặc biệt, vào hai ngày cuối tuần thì lực lượng này coi như “mất tích” (?).
Anh Nguyễn Văn Hùng, tài xế taxi bức xúc: “Nếu để tình trạng này tiếp diễn  thì chắc chắn việc phân làn sẽ thất bại. Những ngày đầu tổ chức, lực lượng chức năng ra quân rầm rộ như vậy. Chính vì thế mà người tham gia giao thông ít vi phạm. Nhưng đến nay thì vi phạm lại tràn lan, việc cắm biển báo, TTGT hướng dẫn có cũng như không…”.
"Bó tay" trước những căn nguyên?
Theo nhiều người dân sinh sống trên các tuyến phố phân làn cho biết, với thói quen của người điều khiển phương tiện việc tách làn là rất khó khăn. “Chính những tật xấu đó đã dẫn tới vi phạm và cứ vào giờ cao điểm thì mạnh ai người đó lấn. Điều đó dẫn tới tình trạng giao thông hỗn loạn. Ùn tắc trên đường phố lại diễn ra thường xuyên”. – Bác Lê Văn Toàn, ở phố Bà Triệu cho hay.
Thường xuyên tham gia giao thông trên tuyến phố Huế - Hàng Bài, chị Trần Thị Thoa cho rằng: “Việc phân làn trên tuyến phố khiến người đi xe máy rơi vào tình trạng bị “cưỡng bức” giao thông. Số lượng đông gấp nhiều lần ô tô, trong khi làn đường cho xe máy, xe đạp chung nhau, chưa nói là ô tô lấn làn của xe máy.
Còn theo các lái xe ô tô, với các điểm giao cắt liên tục, chằng chịt ở Hà Nội, việc điều khiển ô đi nhập đúng làn đường khi tại các ngã ba, ngã tư rất khó khăn. “Do khoảng cách giữa các điểm giao cắt ngắn nên các phương tiện có quá ít thời gian để tách, nhập làn. Nếu không cẩn trọng, sẽ vi phạm, chỉ cần bánh xe lấn vạch thì lại móc ví mà nộp phạt” - một tài xế taxi chia sẻ.
Một bất cập tồn tại khiến nhiều người tham gia giao thông rất bức xúc hiện nay đó là hệ thống cột biển báo, dải phân cách cứng để chỉ dẫn phương tiện. Trên thực tế, đã có nhiều vụ va quệt, tai nạn do đâm vào cột biển, dải phân cách gây hậu quả nghiêm trọng. Về vấn đề này, theo lý giải của một vị lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thì tất cả các biển báo, dải phân cách, vạch sơn đều lắp phản quang. Do người tham gia giao thông thiếu quan sát, phóng nhanh, vượt ẩu nên mới xảy ra va quệt, tai nạn.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến của người dân, việc lắp đặt cột biển, dải phân cách như vậy là bất hợp lý. “Tại các ngã ba, ngã tư, khoảng cách không đủ để người tham gia giao thông quan sát hệ thống chỉ dẫn (đặc biệt là vào buổi đêm) để nhập làn. Lượng xe máy quá đông như bị ép thắt nút vào làn, vì vậy mà cột biển, dải phân cách thành "bẫy" đối với người đi đường, vừa gây lãng phí...”. – anh Văn Hoà, ở đường Giải Phóng nói.
Các bạn hãy chứng kiến các hình ảnh kết quả phân làn:






Theo ông Nguyễn Xuân Tân – Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, chi phí dành cho việc phân làn 5 tuyến phố khoảng 7,14 tỷ đồng. Dự kiến từ nay tới cuối năm, Hà Nội sẽ tổ chức phân làn, tách dòng phương tiện thêm 8 tuyến phố nữa với kinh phí khoảng 16,7 tỷ đồng.
Thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện tại thành phố có 8.489 km đường giao thông, đường trong đô thị ngắn và hẹp mặt đường dưới 11m chiếm 70%. Như vậy, xét theo tiêu chí mà Sở đưa ra để thực hiện phân làn thì có 70% tuyến đường có mặt cắt ngang mỗi chiều không đủ tối thiểu (trên 10m) để thực hiện phân làn.
(Theo Lao động) Đạt Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét