Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Những sai phạm về kinh tế ở EVN:

09:25

Cần sớm quy trách nhiệm cụ thể  

 Cuộc kiểm tra của Tổ công tác liên bộ Công thương - Tài chính vừa qua chỉ căn cứ trên các văn bản của EVN cung cấp, như Báo cáo tài chính có Kiểm toán độc lập kiểm toán, Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2010 sau kiểm toán, hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các đơn vị phát điện…

Vì đơn thuần là cuộc kiểm tra về lỗ/lãi, chưa phải là cuộc kiểm toán toàn diện các loại chi phí và kiểm toán tính hợp lý của các loại chi phí đó, nên kết quả công bố không thỏa mãn những yếu tố mà người dân thực sự quan tâm như: thất thoát trong quá trình quản lý, đầu tư các dự án, các nhà máy điện hay các khoản lỗ do đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành và đặc biệt là trách nhiệm của những người có liên quan...

Tuy nhiên, câu trả lời phỏng vấn của Tổng Giám đốc EVN về mức lương của CBCNV ngành điện trở thành vấn đề dư luận quan tâm, không đơn thuần là mức lương cao hay thấp mà vấn đề là thực chất của mức lương bình quân 7,3 triệu đồng, đông đảo công nhân viên ngành điện được hưởng bao nhiêu và trách nhiệm của người đứng đầu EVN trong việc chia quỹ lương.

Lương ngành điện có thật sự cao?

Những năm 2006, 2007, EVN được đánh giá đứng thứ ba về đầu tư ngoài ngành, mà chủ yếu là các ngành không thuộc sở trường và thế mạnh của mình như: tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, du lịch, viễn thông... Đến nay, các khoản đầu tư trái ngành này đều mang lại cho EVN những thất bại đáng kể, góp phần không nhỏ vào tình trạng thiếu điện và lỗ nặng trong sản xuất, kinh doanh ngành nghề chính. Ngoài đổ bể trong kinh doanh viễn thông, "quả đắng" thứ hai của EVN là chứng khoán. Năm 2007, bốn đơn vị thuộc EVN đã cùng nhau góp vốn với Công ty cổ phần Chứng khoán Hà Thành (HASC), chiếm khoảng 16,5% vốn điều lệ.

Hiện trong cơ cấu cổ đông của HASC, các đơn vị điện lực nắm giữ 17,17% cổ phần. Cụ thể, EVN nắm giữ 5% cổ phần, tương đương 750.000 cổ phiếu, Công ty cổ phần Điện lực Khánh Hòa 5%, Công ty Điện lực 3 giữ 4,5%, tương ứng 675.000 cổ phiếu và Công ty Điện lực Đà Nẵng 2,67% với 400.000 cổ phiếu. Tuy nhiên, trên sàn chứng khoán, HASC là một trong số 10 công ty chứng khoán yếu kém nhất. Công ty này đã bị Ủy ban Chứng khoán Việt Nam liệt vào danh sách kiểm soát đặc biệt. EVN cũng đầu tư vào các dự án bất động sản như Điện lực Sài Gòn Vina, Điện lực miền Trung, EVN Land Nha Trang... nhưng đều không có lối thoát.

Ngoài ra, dư luận đặt nhiều câu hỏi trong vấn đề lương bình quân của ngành điện. Với mức lương bình quân như vậy thì người công nhân được hưởng bao nhiêu.

Không ai phủ nhận điện lực là ngành nặng nhọc, vất vả, ẩn chứa nhiều rủi ro về an toàn lao động. Quỹ lương của EVN cũng được các bộ, ngành chức năng phê duyệt trên cơ sở hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đã được duyệt theo kế hoạch về sản lượng điện thương phẩm, tổn thất điện năng, giá bán bình quân… điều này cho thấy, quỹ lương như một chiếc bánh, số ít người được miếng to thì số đông người chỉ còn miếng nhỏ. Đưa một con số ra để so sánh, nếu người đứng đầu EVN có thu nhập lên tới 1,7 tỷ đồng/năm (chia cho 12 tháng thì khoảng 150 triệu đồng/tháng) thì đa số công nhân ngành điện cũng chỉ hưởng lương vài ba triệu, thậm chí có người chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Vì vậy, nếu lên án ngành điện một cách chung chung rằng để thiếu điện, thua lỗ mà vẫn lương cao là không công bằng với đại đa số người lao động trong ngành điện. Vì vậy, cần xem xét lại phương thức chia lương, thưởng của EVN để mang lại sự công bằng trong xã hội và sự công bằng với ngay cả người lao động trong ngành điện.

Ai chịu trách nhiệm?

Thực tế vài năm qua cho thấy, thiếu điện không chỉ do hạn hán mà còn do các dự án nguồn bị chậm tiến độ. Các dự án nguồn điện không vào đúng tiến độ, thậm chí còn làm tăng chi phí giá điện theo như đánh giá của Bộ Công thương. Nhìn lại 5 năm qua, đã có hàng trăm nghìn tỷ đồng được bỏ ra để làm điện, nhưng rồi, đều bị kéo dài tiến độ (mặc dù Chính phủ đã cho áp dụng chế độ đặc biệt là chỉ định thầu) với nguyên nhân chính là khó khăn giải phóng mặt bằng và thiếu vốn đầu tư. Với việc lui lại 8 nhà máy điện có tổng công suất 3.410 MW từ năm nay sang năm 2012-2013, nghĩa là, nguồn cung ứng điện cho cả nước năm nay đã bị mất một sản lượng khoảng 20,46 tỷ kWh so với kế hoạch. Nếu so với nhu cầu khoảng 115 tỷ kWh năm 2011, con số thất hẹn trên đã chiếm khoảng 20%.

Năm 2010, nếu 10 nhà máy công suất 1.705 MW không bị chậm trễ thì hệ thống điện quốc gia đã có trên 10 tỷ kWh được cung ứng. Và nếu vậy, dù cho hạn hán, thiếu nước thì không đến mức cả nước bị cắt giảm tới 1,4 tỷ kWh như vậy và con số lỗ từ sản xuất, kinh doanh điện không lên tới hơn 10 nghìn tỷ đồng. Ai cũng biết vốn đầu tư vào dự án điện là rất lớn so với các ngành kinh tế khác, có những giai đoạn huy động vốn cho ngành điện khó khăn thực sự (những năm suy thoái kinh tế). Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ chủ quan thì lãnh đạo EVN đã làm hết trách nhiệm trong huy động vốn cho các công trình điện hay chưa? Có thể khẳng định là chưa. Việc đầu tư ra ngoài ngành và đặc biệt là "san sẻ" vốn của điện sang cho EVNTelecom là một ví dụ. Hiện nay, ước nợ của EVNTelecom khoảng hơn 11 nghìn tỷ đồng, trong đó, nợ các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các đối tác khoảng hơn 9 nghìn tỷ đồng; nợ EVN hơn 2,5 nghìn tỷ đồng. Điều này cho thấy, trong khi EVN luôn trong tình trạng thiếu vốn đầu tư cho các dự án điện thì lại lấy tiền từ "điện" cho "viễn thông" vay?

Ở đây, vấn đề cần được mổ xẻ là trách nhiệm của người đứng đầu cũng như bộ máy lãnh đạo EVN, những người đang đảm nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân. Ai là người quyết định kế hoạch phân bổ vốn, chủ trương đầu tư, phân bổ lương… nếu không phải là Hội đồng thành viên của EVN mà người có trách nhiệm cao nhất là Chủ tịch Hội đồng thành viên?!

Trong khi tình hình kinh tế đang rất khó khăn, thu nhập người dân đang bị hạn chế lại phải chịu nhiều chi phí gia tăng do giá cả tăng và đồng tiền mất giá. Thay vì tự soi xét lại mình thì EVN luôn muốn đẩy những khó khăn, yếu kém đó về phía người dân.

                                    Nhóm PV Điều tra HNM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét