Nguyên nhân “cái chết lâm sàng” của EU (Kỳ cuối)
Làm sao có thể khống chế đưa tất cả nằm dưới một mẫu số chung trong công thức chính sách phát triển kinh tế?! Đó thật sự là một ý nghĩ hoang tưởng, hình thành bởi tư duy chính trị chủ quan, mà bây giờ EU phải trả giá.
Bài 3: Một cái áo sao có thể mặc vừa cho tất cả?!
Chỉ mới cách đây không lâu, đồng euro vẫn còn được xem là “sự chọn lựa thông minh” với tư cách ứng cử viên số một thay thế đồng đôla Mỹ (USD). Từ năm 1999 đến 2003, nhiều ngân hàng quốc tế bắt đầu phát hành trái phiếu bằng euro chứ không bằng USD. Ấy thế mà vận mạng euro đang trên bờ vực, với mức độ nghiêm trọng đến nỗi không ít nhà bình luận cho rằng nó sẽ chết, dẫn đến sự sập tiệm của Eurozone (khu vực dùng euro) nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung!
Cái chết đã được báo trước
Được tung ra năm 1999 như một trong những sự kiện thời sự “cực hot” thời điểm đó, đồng euro bây giờ chẳng khác nào cái của nợ “bỏ thì thương vương thì tội” đối với những người đang tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện tại EU. Trên bề mặt, 17 nước thành viên Eurozone cùng Liên minh kinh tế tiền tệ (EMU) lẫn Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) là một thực thể chung tạo ra sức mạnh kinh tế với khả năng cạnh tranh khó có thể so bì, phá vỡ các rào cản giữa quốc gia với quốc gia, giữa công ty với công ty và thị trường với thị trường, một kết thúc thật sự giữa lằn ranh tư bản và cộng sản tại châu Âu lục địa sau Thế chiến thứ hai. Khu vực euro chiếm 1/5 kinh tế toàn cầu với sức cạnh tranh được miêu tả là ngang ngửa Mỹ. ECB lại nổi tiếng là ngân hàng làm ăn chỉn chu đàng hoàng. Tính về lượng tiền mặt giữa các thị trường tài chính cũng như mức độ dự trữ tại hệ thống ngân hàng trung ương thế giới cũng như tại các quỹ hưu và công ty chứng khoán…, euro thậm chí nhỉnh hơn USD từ 15-20%, xét về mật độ lưu hành toàn cầu – theo David Marsh, tác giả quyển The Euro: The Battle for the New Global Currency (NXB Yale, 8/2011) trong bài viết trên Foreign Policy (7/9/2011). Ấy thế mà euro lại (đang) chết. Sao lại như thế được?
Không lâu sau khi đắc cử, Thủ tướng Đức Gerhard Schrder (nhiệm kỳ 1998-2005) từng cảnh báo, rằng đồng euro chỉ là một đứa bé “sinh non èo uột”. Trước đó, năm 1992, 62 giáo sư Đức cũng cùng đưa ra một nhắc nhở, nhấn mạnh rằng liên minh tiền tệ chung theo cách như nó được cấu trúc sẽ dẫn đến những “xáo trộn kinh tế cho các nước Tây Âu mà trong tương lai gần sẽ đưa đến một thử thách hắc ám về mặt chính trị”. |
Trong bài báo trên Forbes cách đây hơn ba năm (đề ngày 21/4/2008), tác giả Avi Tiomkin đã viết: “Vấn đề chỉ là thời gian, có lẽ không đến ba năm, cho đến khi cuộc thử nghiệm euro đi đến điểm kết thúc…”. Tiomkin đã dự báo không sai, khi mổ xẻ nguyên nhân khiến Eurozone sụp đổ là chẳng gì khác hơn là cơ chế của nó. “Đây là cuộc khủng hoảng cực sâu đối với euro và tất cả Liên minh châu Âu, bởi những gì chúng ta đang thấy là một tình trạng nợ kinh khủng và vấn đề thâm hụt ngân sách nghiêm trọng mà tất cả các quốc gia châu Âu phải cùng chia sẻ trong khi họ không có cấu trúc chung nào để giải quyết bất kỳ khó khăn tương tự nào” – phát biểu tiếp theo của Philippe Moreau Defarge, chuyên gia các vấn đề châu Âu thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp – “Châu Âu đang buộc phải thừa nhận họ không giàu và được tổ chức quản lý tốt như được tưởng và họ đang đối mặt những năm tháng khó khăn dài trước mắt trong việc tìm ra con đường ổn định”. Nói cách khác, chính cơ chế cấu trúc là nguyên nhân làm cho ngôi nhà chung châu Âu không có nền móng lẫn trụ đỡ vững chắc. Lỗ hổng của châu Âu là gì?
Sai lầm căn bản chính là cái “biên bản” của Hiệp ước Maastricht ký năm 1992 tạo khung sườn pháp lý cho sự vận hành kinh tế EU. Lỗ hổng gây chết người trong khung sườn pháp lý Maastricht là quy định chung về chính sách tiền tệ cho các nước thành viên EU, đặc biệt các nước trong Eurozone, trong đó tỉ lệ lãi suất phải được ấn định chung. Nói cách khác, Maastricht là một cái áo được thiết kế để ép mọi người “buộc phải” mặc vừa. Làm sao có thể có chuyện cùng tiến lên đồng đều, khi mà mỗi thành viên, với khả năng và mức độ phát triển riêng (phụ thuộc cơ sở hạ tầng kinh tế), với đặc thù nền kinh tế riêng (Hy Lạp là nước nông nghiệp trong khi Đức là quốc gia công nghiệp), với tư duy nếp nghĩ riêng, với thói quen sinh hoạt riêng? Làm sao có thể khống chế đưa tất cả nằm dưới một mẫu số chung trong công thức chính sách phát triển kinh tế?! Đó thật sự là một ý nghĩ hoang tưởng, hình thành bởi tư duy chính trị chủ quan, mà bây giờ EU phải trả giá.
Cần biết, không như các quốc gia đơn lẻ khác, thành viên EU có quyền lập chương trình tài khóa riêng nhưng họ lại không có những quyền liên quan đến điều phối tiền tệ. Khi đối mặt khó khăn và khủng hoảng tài chính, hầu hết các nước có ba chọn lựa: nâng thuế, giảm chi hoặc in tiền. Hai khả năng đầu thường được giới chính trị tránh (chẳng ai ra tranh cử với tuyên bố nâng thuế và cắt chi tiêu chính phủ). In tiền là chọn lựa tốt nhất (như Mỹ đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008). Tuy nhiên, thành viên EU, đặc biệt với những nước thuộc Eurozone, lại bị bó tay trong vấn đề in tiền. Đó là đồng tiền “chung” nên chẳng lẽ thành viên nào cứ muốn in là in được sao! Sự lỏng lẻo trong chính sách tài khóa là vấn đề nữa. Về nguyên tắc, thành viên EU phải tuân thủ quy định không được để thâm hụt ngân sách vượt quá 3% GDP quốc gia; nợ công không vượt quá 60%; và lạm phát không được phép vượt quá 1,5%/năm. Tuy nhiên, EU lại không có cơ chế kiểm soát những quy định trên, khiến không ít thành viên cứ báo cáo láo cho yên chuyện và cho đến khi cuộc khủng hoảng nợ phình to đến mức chẳng còn có thể bưng bít được (không lâu sau khi George Papandreou nhậm chức Thủ tướng vào tháng 10/2009, người Hy Lạp mới té ngửa khi biết rằng đất nước họ bị ngập trong nợ như thế nào; thâm hụt ngân sách 2009 lên đến gần 13%).
Chưa hết, ECB lại bị cấm cho vay trực tiếp đến chính phủ một quốc gia bị khủng hoảng nợ (chỉ cho vay gián tiếp qua hệ thống ngân hàng nước sở tại); trong khi EU không có cơ chế cho phép một quốc gia thành viên bị lún trong nợ được phép thoát khỏi liên minh tiền tệ để có thể tự giải quyết vấn đề tài chính theo cách riêng (chẳng hạn bằng việc in tiền). Kinh tế gia lỗi lạc Martin Feldstein (Đại học Harvard) từng nhìn thấy sự lỏng lẻo trong cấu trúc như vậy và dự báo rằng một đơn vị tiền tệ duy nhất với châu Âu sẽ không mang lại sự hợp nhất tốt hơn mà chỉ là xung đột. Người ta đã thấy sự xung đột đó thể hiện như thế nào khi EU lừng khừng trong việc cứu Hy Lạp. “Liên minh châu Âu luôn chạy sau sự kiện” – nhận xét tóm tắt của Anne-Marie Le Gloannec, nhà khoa học chính trị thuộc Institut d’Études Politiques (Paris )…
Euro sẽ biến mất?
Số phận euro rồi như thế nào? “Tôi cho rằng sẽ có khả năng chúng ta thấy đồng euro biến mất trong vài năm nữa, hay ít nhất nó sẽ được sử dụng giới hạn ở Pháp, Đức và vài nước khác” – đánh giá (cách đây 3 năm!) của Bob Hancké, chuyên gia kinh tế chính trị châu Âu thuộc Trường Kinh tế London – “Cốt lõi vấn đề ở chỗ, liên minh tiền tệ chưa bao giờ hòa nhịp với liên minh chính trị để tạo ra sự liên kết ăn ý với các vấn đề liên quan ngân sách và thuế má, cũng như tạo ra các thể chế tài chính cho Eurozone, cùng khả năng giúp các nền kinh tế thành viên thích ứng với những thay đổi và xáo trộn”.
Lấy ví dụ trường hợp Hy Lạp. Gốc rễ của vấn đề khủng hoảng nợ Hy Lạp nằm ở chỗ hệ thống thuế và khu vực công. Tại một quốc gia có 11 triệu người như nước này, có đến gần 850.000 người làm tại các cơ quan nhà nước – có nghĩa họ được hưởng 14 tháng lương chứ không phải 12 – và nhiều người trong số đó cứ đủng đỉnh đi làm “cho vui” từ 7h30 sáng đến 14h30. Cho nên, không thay đổi cấu trúc với công thức định dạng lại chi tiết mô hình cho phát triển từng quốc gia, việc bơm tiền cho Hy Lạp hay Eurozone nói chung cũng chỉ là giải pháp nhất thời.
Chuyên gia kinh tế Albert Edwards (thuộc Société Générale) nhấn mạnh: “Bất kỳ sự trợ giúp nào cho Hy Lạp cũng chỉ là động thái câu giờ nhằm trì hoãn sự tan vỡ không thể tránh khỏi của Eurozone”. Lời cảnh báo trên cũng được lập lại từ Mats Persson, Giám đốc tổ chức nghiên cứu độc lập Open Europe, với nhận định: “Eurozone đang đối mặt một cuộc khủng hoảng toàn diện. Tấn tuồng Hy Lạp đã cho thấy rõ một cách đau đớn rằng dự án euro đã được tung ra với nhiều sai sót như thế nào ngay từ ban đầu”.
Vài ý kiến cho rằng, việc “đào thoát” khỏi Eurozone (17 thành viên) là một chọn lựa thực tế đối với bất kỳ nước nào lỡ “dính chân” vào khu vực này, tất nhiên trong đó có Hy Lạp. Justin Urquhart Stewart, Giám đốc kiêm đồng sáng lập doanh nghiệp quản lý đầu tư Seven Investment Management (Anh), đề xuất ý tưởng một sự phối hợp gồm “euro nòng cốt” và “euro hạng nhẹ”. “Euro nòng cốt” được duy trì tại các nước chẳng hạn Đức và Pháp trong khi “euro hạng nhẹ” có thể được sử dụng như là sự chọn lựa thứ hai bên cạnh đồng tiền riêng của quốc gia đó… Câu chuyện euro cho thấy thêm rằng việc tìm một đơn vị tiền tệ đủ mạnh để thay thế đôla Mỹ vẫn còn là điều không tưởng, ít nhất ở thời điểm hiện tại; và bất kỳ ý tưởng nào nghĩ đến việc phế truất USD cũng cho thấy đó chỉ là một thể hiện của sự suy nghĩ không chín chắn, thiếu thận trọng, không cơ sở và hoàn toàn mang tính duy ý chí hoặc chỉ cho thấy tham vọng chính trị cá nhân của một số nhà lãnh đạo!
* 12 quốc gia đầu tiên trong Eurozone bị nợ tổng cộng hơn 600 tỉ euro trong 5 năm chuẩn bị cho sự ra mắt đồng euro. Đến cuối năm 2002, họ nợ tổng cộng 4,9 ngàn tỉ euro với chỉ riêng Italia là 1,3 ngàn tỉ euro! (Der Spiegel, 5/10/2011) |
Cùng đồng nghiệp Arnab Das, Nouriel Roubini – một trong những kinh tế gia dự báo cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện tại – đã viết trên Financial Times rằng, trừ khi châu Âu thống nhất được những điều luật chính thức để giải quyết các vấn đề nội bộ liên quan tài chính của từng thành viên, sự ổn định của liên minh tiền tệ sẽ tiếp tục bị đe dọa và sức mạnh kinh tế EU tiếp tục bị ăn mòn. Tuy nhiên, trước mắt, một tiếng nói chung vẫn còn chưa được nghe ở một liên minh chung EU.
Trong diễn văn đầu tiên với tư cách Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu vào ngày 18/11/2011, Mario Draghi (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Italia) đã chỉ trích sự chậm chạp của giới lãnh đạo chính trị trong việc đưa ra kịch bản thoát nợ, rằng ECB sẽ không dại dột và liều lĩnh chi tiền để cứu các nước đang lún nợ, rằng Đức và Pháp cứ tranh thủ choảng nhau để giành giật quyền lợi chính trị hơn là cùng bắt tay nhau để cứu EU (Đức phản đối đề nghị Pháp dùng ECB làm “căn cứ hậu phương” cuối cùng để hỗ trợ chiến dịch giải cứu cho một tình huống khẩn cấp). Trong khi đó, nhận định về tương lai euro cũng như EU, Thủ tướng Phần Lan Jyrki Katainen nói rằng, châu Âu đã cạn sạch ý tưởng điều chỉnh vụ khủng hoảng nợ; bây giờ tất cả chỉ còn tùy thuộc khả năng Italia và Hy Lạp thuyết phục được thị trường rằng họ có thể thực hiện tốt chính sách “ăn mắm mút giòi” để vượt qua thời khắc đầy cam go…
(NLM) Mạnh Kim
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét