Không thể tăng giá điện vì một mình EVN |
Để Tập đoàn Điện lực VN (EVN) không bị phá sản, thoát khỏi thua lỗ, nợ nần thì không còn cách nào khác là tăng giá bán điện. Điều này cũng có nghĩa là người tiêu dùng sẽ phải "gánh" số lỗ của Tập đoàn này. Đây là biểu hiện của sự thiếu sòng phẳng khi EVN là đơn vị độc quyền cung cấp điện, đang sử dụng nguồn lực tài chính, tài nguyên dồi dào - mà thực chất là tiền thuế do dân đóng góp. |
Người dân đã ngán đến tận cổ điệp khúc "lỗ" được phát ra liên tục từ phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thời gian gần đây. Điệp khúc ấy một lần nữa được lãnh đạo Bộ Công Thương lên tiếng, kèm theo đó là cảnh báo nguy cơ vỡ nợ của EVN nếu giá điện không tăng. Tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN chiều 19/11 vừa qua, lãnh đạo tập đoàn này thừa nhận, trong năm 2010, giá bán điện bình quân thực hiện là 1.061,4 đồng/kWh, trong khi đó giá thành sản xuất kinh doanh điện là 1.180,0 đồng/kWh, tức là với chỉ riêng việc kinh doanh điện, EVN đã lỗ 10.162 tỷ đồng. Mặc dù giá thành điện được công bố chi tiết thông qua các loại chi phí tại các khâu phát điện (916,2 đồng/kWh), truyền tải (65,7 đồng/kWh), phân phối (189,2 đồng/kWh), phụ trợ và quản lý ngành (8,9 đ/kWh), nhưng những con số này vẫn không làm cho nhiều người thỏa mãn. Sở dĩ EVN nhận được nhiều quan tâm của dư luận là bởi từ những năm 2006, 2007, EVN được đánh giá là đứng thứ ba về đầu tư ngoài ngành, mà chủ yếu là các ngành không thuộc sở trường và thế mạnh của mình như: tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, du lịch, viễn thông... Đến nay, các khoản đầu tư trái ngành này đều mang lại cho EVN những kết quả thảm hại. Điển hình là các vụ việc: EVN từng góp vốn đầu tư vào Công ty CP chứng khoán Hà Thành, nhưng đến nay công ty này đã ngừng hoạt động với nghi án chủ tịch HĐQT đã "biến mất" sau khi ẵm gọn khoản tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỉ của các cổ đông; EVN cũng đầu tư vào các dự án bất động sản như điện lực Sài Gòn Vina, điện lực miền Trung, EVN Land Nha Trang... nhưng đều không có lối thoát. Nhưng nổi bật nhất vẫn là lĩnh vực viễn thông. Chỉ riêng năm 2010, EVN Telecom đã lỗ hơn 1.000 tỷ đồng. Với đa số mọi người, việc tính giá thành hay tăng giá điện - dù được giải thích như thế nào - vẫn cảm thấy có một khoảng nào đó thiếu minh bạch, nếu không muốn nói là rất mù mờ. Trong khi tình hình kinh tế lại đang rất khó khăn, thu nhập người dân đang bị hạn chế lại phải chịu rất nhiều chi phí gia tăng do giá cả tăng và đồng tiền mất giá. Thay vì tự soi xét lại mình, đánh giá xem có hay không chuyện thất thoát, lãng phí, đầu tư cho công tác quản lý để đạt hiệu quả hơn... thì EVN luôn muốn đẩy những khó khăn, yếu kém đó về phía người dân. Bình luận thêm về sự thiếu minh bạch của EVN, bà Phạm Chi Lan nói: "Một trong các lý do xin tăng giá điện của EVN còn là cần thêm vốn để tập trung đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện, đảm bảo đủ nhu cầu cung ứng điện cho quốc gia. Vậy tại sao thiếu vốn như vậy, EVN lại mang hàng nghìn tỷ đồng đi kinh doanh ngành ngoài, tham gia cả chứng khoán, ngân hàng...? Để rồi, bắt người dân gánh chịu, bù đắp sự thua lỗ của mình bằng việc tăng giá điện?" Có lẽ, Nhà nước cần tạo sức ép cho EVN. Nhà nước có thể yêu cầu EVN phải minh bạch giá thành sản xuất điện, minh bạch các lĩnh vực đầu tư kinh doanh ngành ngoài và phải bắt buộc EVN loại bỏ kinh doanh ngành ngoài. Trên cơ sở đó, Nhà nước mới thẩm định đề nghị tăng giá điện của EVN, sẽ xem xét có nên điều chỉnh giá bán điện không và nếu có thì ở mức nào, thời điểm nào? Nếu EVN không công khai công bố, không minh bạch giá thành thì sẽ không ra xem xét chuyện tăng giá điện. Điểm thứ hai cần lưu ý là vấn đề lạm phát. Chúng ta đã có nhiều lần phải điều chỉnh mục tiêu lạm phát và giới hạn điều chỉnh lần gần đây là 18% còn đang được đánh giá là khó đạt. Chính phủ không thể vì một chuyện giá điện mà làm phức tạp thêm việc kiềm chế lạm phát. Vì thế việc điều chỉnh tăng giá điện phải được xem xét một cách cẩn trọng. Đặc biệt, việc đánh giá tác động của tăng giá điện phải làm đến nơi, đến chốn. Vừa qua, các bộ đánh giá tác động hầu hết mới chỉ xem xét vòng một, đo lường mức ảnh hưởng trực tiếp tới CPI, tới các ngành sản xuất như thép, dệt may... Nhưng các mức tác động vòng một này thường rất thấp trong khi, tác động của giá điện ở vòng hai lan tỏa tới toàn hoạt động kinh tế xã hội mới là lớn. "Trong vấn đề này, tôi đề nghị các bộ phải làm đến nơi, đến chốn, công tâm. Nếu các bộ ủng hộ DNNN, ủng hộ EVN thì chắc có lẽ, sẽ lờ đi việc đánh giá tác động vòng hai", bà Lan nói. Bà nhấn mạnh: "Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đã nói, việc điều hành giá xăng sẽ vì lợi ích hơn 80 triệu dân chứ không thể vì lợi ích 11 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Tôi cho là giá điện cũng tương tự như vậy, không thể vì một mình EVN mà tăng giá điện". (Công luận) Khánh An *Tiêu đề do Kinh Bắc |
Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011
Hy sinh quyền lợi gần 90 triệu dân vì ngành điện?*
14:31
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét