Vụ nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại: Ông Tâm liên quan?
*Ông Nguyễn Văn Tâm có vai trò gì trong vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại hay chỉ đơn thuần là người thứ ba như kết luận điều tra và cáo trạng thể hiện...?
Trong quá trình điều tra, Cơ quan Điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Long An từng xác định ông Nguyễn Văn Tâm (nguyên đội trưởng Đội QLTT số 5 - Chi cục QLTT tỉnh Long An) có gọi điện thoại và nhắn tin nhiều lần cho bà Trần Thúy Liễu, trong đó có cả việc ông Tâm đến gặp, chỉ bà Liễu cách khai để đối phó với CQĐT. Nhưng những tình tiết khác lạ này không hề được đề cập trong kết luận điều tra lẫn cáo trạng. Nội dung những lá thư tay bà Liễu gửi ông Tâm cũng không được nhắc đến…
Đơn giản là người thứ ba (?!)
Trong kết luận điều tra của CQĐT cũng như cáo trạng của VKSND tỉnh Long An, tên ông Nguyễn Văn Tâm được nhắc đến một lần trong kết luận điều tra và 3 lần trong cáo trạng, với tư cách là người thứ ba khiến tình cảm vợ chồng nhà báo Hoàng Hùng rạn nứt. Vai trò của ông Tâm trong vụ án này chỉ được thể hiện đơn giản như xuất phát từ việc bà Liễu có quan hệ tình dục, có thai với ông Tâm, nhiều lần cùng ông Tâm qua Campuchia đánh bạc, ông Hoàng Hùng đã ghen tuông và đánh bà Liễu.
Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi thu thập được, trong một báo cáo gửi Ban Thường vụ Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Long An, Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh này cho biết ông Tâm có các sai phạm: Nhiều lần đi cùng bà Liễu đến các nhà nghỉ và tại nhà riêng của bà Liễu để quan hệ tình dục; nhiều lần qua Campuchia đánh bạc; giao khăn lạnh và nhận tiền ở các quán trên địa bàn ông Tâm phụ trách, đổi lại, các quán này sẽ không bị kiểm tra hành chính.
Những lá thư tay của bà Liễu gửi cho ông Tâm. Ảnh: MINH SƠN
Đặc biệt, sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, ông Tâm thường xuyên liên lạc với bà Liễu, đến nhà bà Liễu 2 lần để động viên, hướng dẫn bà Liễu cách trình bày đối phó với CQĐT, dặn bà Liễu cứ an tâm giữ gìn sức khỏe, đừng sợ, công an muốn bắt phải có chứng cứ, nếu không thì phải bồi thường. Chính vì vậy, bà Liễu đã chậm ra tự thú, gây khó khăn cho công tác điều tra. Làm việc với CQĐT, ông Tâm cũng đã thừa nhận có gọi điện, nhắn tin và đến nhà bà Liễu 2 lần sau khi vụ án xảy ra.
Một điều đáng lưu ý là theo Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Long An, trong công văn số 376/CV-CAT (PC45) ngày 20-5-2011 của công an tỉnh này đã xác định: “Nguyễn Văn Tâm có biểu hiện che giấu tội phạm…”. Tuy nhiên, trong các kết luận điều tra lẫn cáo trạng lại không hề có một chữ đề cập chi tiết này, dù là để phủ định.
“Bỏ quên” 1.000 tin nhắn và những lá thư tay bất thường
Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An xác định trong khoảng thời gian từ giữa tháng 12-2010 đến cuối tháng 1-2011, ông Tâm đã liên lạc (gọi và nhắn tin) cho bà Liễu hơn 1.000 lần. Hai thời điểm quan trọng nhất của vụ án là ngày 18-1 và 19-1 (trước và sau khi nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại), qua xác minh, ông Tâm đã gọi và nhắn cho bà Liễu khoảng 16 lần (ngày 18-1, có cả cuộc gọi lúc 5 giờ sáng) và 17 lần (ngày 19-1).
Trước khi bà Liễu đi tự thú vào khoảng 21 giờ ngày 20-2, ông Tâm cũng có liên lạc với bà Liễu nhiều lần. Chính ông Tâm cũng thừa nhận từ khi sự việc nhà báo Hoàng Hùng bị đốt, “mỗi ngày tôi thường điện thoại hoặc nhắn tin một lần để hỏi thăm tình hình sức khỏe Hoàng Hùng và động viên Liễu”.
Trả lời báo chí thời điểm đó, CQĐT cho rằng khi xác định được nội dung các cuộc gọi cũng như tin nhắn giữa ông Tâm với bà Liễu sẽ có những cứ liệu quan trọng để điều tra rõ ràng thêm vụ án. Trong đó, sẽ xác định ông Tâm có liên quan gì đến việc bà Liễu sát hại chồng.
Vấn đề đặt ra là, xác định được cuộc gọi và tin nhắn vào thời điểm đó chắc chắn sẽ không mấy khó khăn để CQĐT nắm bắt được nội dung cuộc trao đổi giữa bà Liễu và ông Tâm. Vậy CQĐT có tiến hành xác minh hay không? Xác minh như thế nào? Kết quả ra sao? Vì sao tình tiết quan trọng này không được đề cập trong kết luận điều tra lẫn cáo trạng?
Một số thư tay bà Liễu viết gửi ông Tâm (theo lời của cháu Nhung với CQĐT) trước khi tự thú có dấu hiệu thông cung, không đơn giản là những lá thư thể hiện mối quan hệ tình cảm ngoài luồng giữa ông Tâm và bà Liễu, cũng không được đề cập. Xin trích đăng lại một số nội dung như sau: “Nó điều tra A (anh - PV) sao rồi? Trả lời ghi giấy em biết. Anh không nói e (em - PV) cho vay ai hết nhe (…). Để nó điều tra hướng khác. Nó hỏi ngày em với anh điện thoại bao nhiêu lần? Nó đang nghi em thương anh mà hại Hùng đó. Em quá mệt mỏi, dù cái gì em cũng không bỏ anh đâu. Điều tra em tới 8 giờ tối luôn. Anh mấy giờ? Hỏi em với anh có dính líu tình cảm, tiền? Em trả lời rồi, tôi không dính líu gì hết…”; “… Còn phần đất, em chưa chia tiền cho Hùng, cho nên anh dấu (giấu - PV) luôn, nhe. Khai ra nhiều nó lôi kéo người này, người kia mệt lắm. Nay mai em tính đất khác cho anh. Lúc đó Hùng không chịu bán, em nghĩ cất nhà em bán đại, cho nên em kêu anh không có nói mua bán đất đai hay tiền gì hết. Anh an tâm đi (…). Anh trả lời ghi giấy, bỏ trong bao thư nhe, gởi trước 12 giờ để em biết…”; “Em khai có mượn 150 nhưng trả bớt 120 rồi (…). Sao anh ác quá vậy, đã nghi ngờ em quen anh dữ lắm, còn khai tiền trong đó làm gì! Rắc rối vô cùng, anh an tâm đi, không mất mát đâu. Dữ (giữ - PV) giấy mượn tiền có gì đưa nó”.
Qua những dòng tin nhắn, các cuộc điện thoại và những bức thư tay này, liệu ông Tâm chỉ đơn thuần là hỏi thăm sức khỏe, động viên bà Liễu hay đóng vai trò “mắt xích” quan trọng trong vụ án? Hoặc ít nhất là việc che giấu tội phạm vẫn chưa được CQĐT Công an tỉnh Long An làm rõ.
Đêm xảy ra vụ án, ông Tâm hẹn gặp bà Liễu làm gì? Theo tìm hiểu của chúng tôi, lúc 19 giờ ngày 18-1, bà Liễu rủ cháu Lê Hồng Nhung đi xem chợ hoa kiểng ở công viên. Tới khoảng 19 giờ 40 phút, ông Nguyễn Văn Tâm điện thoại cho bà Liễu ra quán Thuyền Chèo uống nước. Khi ba người vào quán, bà Liễu la cháu Nhung vụ bỏ nhà đi, cháu Nhung cằn nhằn lại rồi bỏ đi, chỉ còn lại bà Liễu và ông Tâm. Như vậy, trong thời gian cháu Nhung bỏ đi, nội dung cuộc nói chuyện giữa ông Tâm và bà Liễu đêm xảy ra vụ án là gì? Sau cuộc gặp này, khoảng 5 giờ sau, nhà báo Hoàng Hùng bị sát hại. Dường như CQĐT vẫn chưa quyết liệt làm rõ điều này. |
“Tôi nghi bác Tâm thuê người khác làm!” Trong bản tường trình với CQĐT ngày 1-2 của cháu Lê Hồng Nhung (con gái lớn nhà báo Hoàng Hùng) có nêu nhiều tình tiết đáng quan tâm. Theo đó, trong lúc ở Bệnh viện Chợ Rẫy, “mẹ dặn tôi nói là bác Tâm chỉ là bạn bè hay tới lui nhà tôi làm khăn và cũng thường hay đi uống cà phê với ba tôi. Còn riêng khoản nợ nần thì nói ba mẹ đều biết và thống nhất với nhau”. Cháu Nhung cũng cho biết có một buổi tối khi nhà báo Hoàng Hùng còn điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Tâm đến nhà “nói với mẹ tôi là: “Em đừng sợ, không có chứng cứ thì bắt em phải đền bù tiền danh dự nữa đó!” (…). Tôi kêu bác Tâm đi về đi, mẹ tôi nói để bác Tâm ở lại mẹ dặn có gì biết mà khai với công an nữa”. Tôi biết mẹ tôi đánh bài thua nhiều hơn ăn. Hơn nữa, mẹ tôi rất hay cho tiền bác Tâm và rất lo cho gia đình bác Tâm. Trong quá trình sự việc xảy ra, tôi có nghi ngờ 2 đối tượng sau: 1. Là mẹ tôi làm vậy để dễ dàng bán nhà và dễ dàng ở gần bác Tâm hơn (...). 2. Là do bác Tâm thuê người khác làm việc này để được ở bên mẹ tôi dễ dàng và không ai làm vướng bận (…). Sự việc mẹ tôi quan hệ tình cảm với bác Tâm, ba tôi biết rất rõ mà không nói ra là do sĩ diện của ba tôi ngoài xã hội. Cố kìm nén để lo cho tôi và em tôi ăn học. Ngoài ra, trong lúc mẹ tôi theo ba tôi lên Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi có nghe út Hằng nói với chị Thảo (em và cháu bà Liễu- PV) là: “Làm lần này cho xong luôn đó’’. Trước đó, vào sáng 17-1, mẹ tôi có kêu tôi đem 2 triệu đồng ra ngoài quán Đồng Tháp gần nhà út Hằng đưa cho cậu Tèo”. |
**Sự thay đổi lời khai của bị can và các nhân chứng đều hướng đến mục đích chứng minh bà Trần Thúy Liễu là hung thủ duy nhất
Trong vụ án này, tại CQĐT Công an tỉnh Long An, từ nhân chứng đến bị can đều có những lời khai bất nhất, lời khai sau phủ nhận lời khai trước. Vì sao?
Bà Liễu: Tiền hậu bất nhất
Trước hết, đó là lời khai về sợi dây dù mà bà Trần Thúy Liễu (vợ cố nhà báo Hoàng Hùng) khai đã mua. Ngày 21-2 (sau khi ra tự thú một ngày), bà Liễu có những lời khai “mua khoảng 10 m dây dù”. Tuy nhiên, từ ngày 23-2, bỗng dưng bà Liễu khai sợi dây dù dài thêm 2 m nữa. Vậy thực chất dây dù dài bao nhiêu, trong khi cơ quan điều tra khẳng định đoạn dây dù dài 10,05m? Có phải do bà Liễu tự mua dây dù hay ai mua giúp cho bà?
Về tờ báo dùng để châm lửa đốt nhà báo Hoàng Hùng, bà Liễu có nhiều lời khai khác nhau. Ngày 20-2, bà Liễu khai: “Tôi xé một tờ báo cuộn tròn lại”. Ngày 21-2, bà Liễu khai: “Tôi xé ra 1 trang dùng tay bóp lại cho tờ báo thu nhỏ theo hình trụ để dễ châm lửa”. Ngày 27-2, khai “xé hơn 1/2 tờ báo rời ngay tại bàn kiếng, nhồi lại còn khoảng 1 tấc”... Vậy tờ báo dùng để đốt nhà báo Hoàng Hùng có kích thước, trọng lượng, hình dáng ra sao? Điều này rất quan trọng để xác định tờ báo ấy khi được quăng ra có thể “đáp” trúng mục tiêu cách xa 2 m hay không? Điều này cũng rất quan trọng để xác định một mình bà Liễu đốt hay có ai giúp sức?
Về thao tác đốt nạn nhân, bà Liễu có những lời khai khác nhau về thứ tự, cách thức thực hiện hành vi. Bà Liễu khai sau khi châm lửa vào tờ báo, bỏ hộp quẹt gas vào túi quần rồi bắt đầu thực hiện việc ném bịch xăng và ném báo tờ báo đang cháy vào. Lúc thì bà Liễu lại khai hất xăng vào giường trước, sau đó ném tờ báo đang cháy vào. Trong khi đó, tại hiện trường thể hiện hai hướng cháy: một hướng cháy từ dưới lên, hướng khác cháy từ trên xuống. Vậy có ai giúp bà Liễu ném bịch xăng hoặc thực hiện đồng thời việc đốt ở hai hướng? Một mình bà Liễu rất khó làm được điều đó.
“Tôi vẫn đốt anh Hùng”!
Về mâu thuẫn vợ chồng, bà Liễu luôn khẳng định: “Tôi bị anh Hùng đánh đập nhiều lần, tôi cũng chẳng than phiền với ai hết”, nhưng cũng chính bà khai sau đó: “Những lần gọi điện thoại hay gặp nhau, tôi tâm sự hoàn cảnh gia đình, Tâm (ông Nguyễn Văn Tâm-PV) đặt vấn đề với tôi và tôi cũng cảm thấy mình bị thiếu thốn nên đồng ý cho Tâm thương tôi”.
Để xem xét sự quyết liệt của bị cáo khi phạm tội, CQĐT đã hỏi bà Liễu: Nếu đêm 18-1 ngủ chung phòng như thường lệ, bà có thực hiện việc đốt nhà báo Hoàng Hùng không? Ngày 27-2, bà Liễu lạnh lùng khai: “Tôi vẫn đốt anh Hùng vì tôi quá tức giận”. Tuy nhiên, ngày 12-8, cũng câu hỏi đó, bà Liễu nói: “Tôi sẽ không đốt vì có bé Châu (con gái út nhà báo Hoàng Hùng ngủ chung phòng với ba mẹ- PV). Còn có làm nữa hay không thì chưa tính tới”.
Bà Liễu nói chuyện với ai sau khi đốt chồng?
Những lời khai trước đây, cháu Lê Hồng Nhung (con gái đầu của nhà báo Hoàng Hùng) luôn khẳng định: “Giữa ba và mẹ tôi sống hòa thuận, ít khi cãi nhau, thời gian gần đây không có cự cãi hay mâu thuẫn gì”. Tuy nhiên đến ngày 10-9, cháu Nhung thay đổi lời khai: “Giữa ba và mẹ tôi có cự cãi đánh nhau 2-3 lần… Khoảng một tháng trước khi xảy ra vụ việc mẹ đốt ba, mẹ có kêu ba bán nhà nhưng ba không chịu. Từ đó, giữa ba và mẹ thường hay cự cãi nhau về việc bán nhà, còn việc ba mẹ có đánh nhau không thì tôi không thấy, không biết”.
Ngoài ra, cháu Nhung có nhiều lời khai về việc bà Liễu “nói chuyện điện thoại với ai đó” sau khi xảy ra cháy (theo những lời khai của cháu Châu và cháu Nhung, người điện thoại gọi cấp cứu và gọi cho người thân bà Liễu là Châu và Nhung, không phải bà Liễu- PV), nhưng về sau cháu Nhung lại khai: “Khi xảy ra cháy, tôi thấy mẹ cầm điện thoại” và lý giải: “Do nhớ không chính xác”. Vậy cháu Nhung có những lời khai khác nhau vì mục đích gì?
Cửa tầng trệt đóng hay mở?
Về lời khai cửa tầng trệt đóng hay mở sau khi vụ án xảy ra, ngày 1-2, ông Trần Văn Mến (cha bà Liễu) khai: “Tôi quay qua nhà Liễu thì cửa đã mở (…)’’. Tuy nhiên, ngày 11-2 ông Mến khai: “Tôi nghe tiếng la lớn, tôi chạy ra, cửa chính ở tầng trệt đóng kín, cửa rào phía trước nhà khép lại không có khóa. Tôi vừa đứng đó thì Nghĩa và Công Anh (Nguyễn Trọng Nghĩa và Nguyễn Công Anh - hai người tham gia chữa cháy) cũng vừa chạy tới’’.
Cũng về việc cửa tầng trệt đóng hay mở, nhân chứng Nguyễn Công Anh ngày 19-1 có lời khai: “Lúc đến nơi, cửa rào nhà ông Hùng vẫn còn đóng...”. Ngày 19-4, anh Công Anh lại có lời khai: “Khi chạy đến nhà ông Hùng thì thấy ông Mến chạy qua, cửa rào và cửa chính tầng trệt đã mở”.
Trong khi đó, ngày 19-1, anh Nghĩa cũng khai tương tự: “Tôi chạy qua thì thấy cửa rào, cửa tầng trệt nhà anh Hùng đã mở (…)”. Nhưng ngày 21-2, anh Nghĩa khai: “Khi chạy tới phía trước nhà anh Hùng thì thấy cửa rào khép lại, cửa chính của tầng trệt đóng kín (…).
Vì sao các nhân chứng quan trọng này lại có những lời khai bất nhất, lúc thì cửa đóng, lúc mở? Nếu thực sự cửa rào, cửa tầng trệt nhà đã mở, thì ai mở và mở để làm gì? Đó là những tình tiết và câu hỏi rất quan trọng trong vụ án.
Dường như sự thay đổi lời khai của bị can và các nhân chứng đều hướng đến mục đích chứng minh bà Trần Thúy Liễu là hung thủ duy nhất và động cơ giết người đơn giản chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng như kết luận điều tra của CQĐT Công an tỉnh Long An?
Kỳ tới: Những ngày cuối của nhà báo Hoàng Hùng
Nghĩa vụ chứng minh thuộc về cơ quan tố tụng Theo luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi (Đoàn Luật sư TPHCM) thông thường sự việc mới xảy ra, người ta sẽ nói theo sự thật những điều mắt thấy tai nghe. Về sau do tác động từ dư luận, báo chí hoặc theo suy nghĩ của họ sẽ dẫn đến có sự thay đổi lời khai. Trường hợp lời khai giữa bị can, nhân chứng… có sự mâu thuẫn, CQĐT phải tiến hành đối chất để làm rõ. Nói tóm lại, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ dựa vào những lời khai nào phù hợp tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án cũng như xem xét lời khai đó có bị tác động bởi yếu tố gì hay không để đánh giá, chứng minh sự việc. Còn theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TPHCM), lời khai không phải là tất cả chứng cứ và không phải là cơ sở để buộc tội bị can, bị cáo. Nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng là áp dụng khoa học hình sự, thực nghiệm điều tra để phân tích rõ ràng, công tâm, chứng minh lời khai nào là có căn cứ. |
(NLĐ) NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét