Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

Người vợ bị tra tấn xuất viện:

11:00

Em chẳng biết bấu víu vào đâu

Chiều 25.11, nạn nhân vụ bạo hành dã man Lê Thị Lý đã được Bệnh viện Đa khoa Phúc Yên cho xuất viện. Hai mẹ con Lý rời thị xã Phúc Yên chỉ với bộ quần áo mặc trên người, không tiền bạc, không hành lý.


Theo cảm nhận của phóng viên, chị Lê Thị Lý đã khá bình phục, dù sắc diện còn xanh xao và vẫn bất an, hoảng loạn khi kể lại những điều khủng khiếp mà mình phải trải qua. Những giọt nước mắt chua chát lăn ra khỏi đôi mắt buồn và tuyệt vọng, lúc nào cũng như nhìn vô định xuống sàn nhà.
Chị chia sẻ: “Trong thời gian em nằm viện đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều cơ quan, đoàn thể và mọi người. Nay em ra viện, chị Thắm (Chủ tịch Hội phụ nữ Phường Hùng Vương, Phúc Yên) cũng đã thuê cho em một chỗ ở tạm vì giờ đây em không còn nơi nào để về. Nhưng giờ em thấy sợ lắm, nếu ở đây mà gặp bất kỳ ai bên nhà chồng em cũng thấy sợ hãi. Về nhà với mẹ đẻ thì phải xa con, em sợ lắm…”.
Tâm sự trong nước mắt, Lý tiếp lời: “Em sợ lắm, bao nhiêu năm đi làm ở nước ngoài, tháng nào cũng cố gom góp tiền để gửi về nhà đúng ngày. Thế mà giờ thì em trắng tay, em chẳng còn gì cả, chị ạ! Từ khi về nước, đi làm mỗi tháng được bao nhiêu tiền đều đưa mẹ chồng giữ, giờ em trắng tay - chẳng còn biết bấu víu vào đâu nữa…”.
Trong khoảnh khắc, người viết bài này nghĩ tới Ngôi nhà bình yên của Hội phụ nữ và Phát triển (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) - đây có thể là nơi tạm lánh an toàn nhất đối với chị lúc này - khi mà vụ án bạo hành vẫn chưa đi đến những kết luận cuối cùng. Khi đề cập với Lý về Ngôi nhà bình yên, chị vẫn còn tần ngần đắn đo và nói rằng: “Các chị ở đó (Ngôi nhà bình yên) cũng gọi điện cho em chiều qua, nhưng em chưa biết gì về nó, lại ở tận Hà Nội nên em sợ lạ nước, lạ cái. Mẹ em thì cũng không biết về những chuyện như thế nên chẳng biết tính thế nào cho phải”.
Hãy liên hệ với Trung tâm Phụ nữ & Phát triển để được trợ giúp kịp thời khi phụ nữ và trẻ em trong gia đình bạn bị bạo hành. Ngôi nhà bình yên sẽ hỗ trợ bạn tự tin tái hòa nhập cộng đồng.
Sau khi nghe phân tích về những lợi ích khi về tạm lánh tại địa chỉ này, cả Lý và bà Tuyên đều thấy vững tâm hơn và lúc đó tôi mới bắt tay vào liên hệ tới đường dây nóng của Hội. Lý quyết định đưa con gái 4 tuổi cùng về Ngôi nhà bình yên với mình. Chẳng còn bộ quần áo nào để mặc, chị mặc tạm bộ quần áo của em gái. Bà Tuyên cũng khuyên con gái rằng cứ đưa bé Khánh Ly đi cùng mà không cần về nhà chồng lấy quần áo cho bé, tránh những phiền toái không đáng có. Thế là hai mẹ con Lý rời thị xã Phúc Yên chỉ với bộ quần áo mặc trên người, không tiền bạc, không hành lý.
Trên đường đi, bà Tuyên vẫn sụt sùi kể lại nỗi ấm ức trong lòng: “Hôm đó, tôi không nhớ chính xác là hôm nào nhưng có một người vào bệnh viện tìm gặp con gái tôi, không mặc sắc phục, cũng không xuất trình thẻ hay giấy tờ gì, mà lại tự xưng là điều tra viên.
Anh ta vào gặp con gái tôi và thuyết phục nó ký một tờ giấy. Người đó bảo là: “Tội thằng Thịnh kiểu gì cũng tù rồi, nhưng mà viết đơn thế này dài quá. Viết là thằng Thịnh nhốt Lý tận 4 ngày làm gì, chỉ cần nói là nhốt 1 ngày là đủ cho nó đi tù rồi”. Người đấy nói thế nhưng tôi nhất định không cho con Lý ký. Con tôi nó cũng bảo người đó rằng: Nhốt em 4 ngày thì em nói là 4 ngày. Giờ anh bảo em viết lại là nhốt 1 ngày thì hóa ra em nói sai sự thật, vu khống cho anh Thịnh nhà em à?” - bà Tuyên kể lại với giọng chán nản.
Bà Tuyên cũng cho biết: Phía cơ quan công an cũng thông báo với con gái bà rằng, từ trong trại giam, Thịnh thỉnh cầu xin được gặp vợ một lần. Tuy nhiên, Lý đã từ chối lời thỉnh cầu này và cho biết, chị sẽ chỉ đến cơ quan điều tra khi có giấy triệu tập để giải quyết vấn đề.
"Sao trên đời có nhiều người tốt thế..."
Gần 17 giờ, thành phố Hà Nội đã lên đèn, chúng tôi về tới số 20 Thụy Khuê. Đón tiếp cả đoàn gần chục người (gồm Lý, bà Tuyên, Phương - em gái Lý, bé Khánh Ly và mấy chị phụ nữ ở Hà Nội cùng lên thăm Lý lúc chiều) là những nhân viên Phòng Tham vấn - Trung tâm Phụ nữ và Phát triển.
Các chị ân cần hỏi han, tư vấn cho Lý và bà Tuyên những quyền lợi của Lý khi tạm lánh ở Ngôi nhà bình yên như: Có nơi ăn ở an toàn, được chăm sóc, hỗ trợ y tế, được tư vấn và hỗ trợ tâm lý, pháp lý, giáo dục kỹ năng sống,… và đặc biệt là ở đây còn có một nhà trẻ với trang thiết bị khá hiện đại để đảm bảo các bé vẫn được học tập trong khi cùng mẹ tạm lánh tại Ngôi nhà bình yên…
Khi được biết tất cả những điều tốt lành và thiết thực ấy dành cho mình đều là miễn phí, cả Lý và bà Tuyên đều không cầm được nước mắt vì xúc động. Lý nghẹn ngào: “Sao trên đời có nhiều người tốt với em thế này mà gia đình chồng lại đối xử với em như thế hả chị?”.
Trong khi mấy chị phụ nữ đi cùng đoàn đang bàn nhau thu xếp chỗ ở cho bà Tuyên sao cho thật gần Trung tâm, để tiện thăm con gái và cháu ngoại thì thật may mắn, các nhân viên tại Trung tâm cho biết: “Vì Lý vẫn còn yếu và tinh thần vẫn chưa ổn định hoàn toàn nên theo quy định của Trung tâm thì được phép cho một người thân ở tại Trung tâm để chăm sóc nạn nhân, đồng thời chăm sóc cả cháu nhỏ”. Nghe đến đây, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm vì những điều tốt lành vượt quá sự mong đợi.
Trước khi theo hai nhân viên phụ trách trực tiếp về khu vực nghỉ ngơi của Ngôi nhà bình yên, bà Tuyên nói trong nước mắt: “Tôi phận quê mùa, chẳng hiểu biết gì nên tôi cứ tưởng mình là người bị hại thì cần gì thuê luật sư. Nhưng giờ thì mẹ con tôi quyết tâm sẽ kiện tới cùng để đòi lại công bằng và tài sản cho con gái tôi. Thời gian con gái tôi nằm viện, chúng tôi rất hoang mang, nhưng có sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình của nhiều người thế này, chúng tôi thấy vững tâm hơn rất nhiều”.
Được biết, gia đình chị Lê Thị Lý đã liên hệ với Luật sư Trần Đình Triển để đề nghị ông trợ giúp pháp lý và Luật sư hứa sẽ thu xếp gặp gỡ trực tiếp mẹ con chị Lê Thị Lý trong thời gian sớm nhất có thể.
                                     Theo Phụ nữ Today

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét