Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

08:53

KHI NÀO MỸ MỚI BỎ CẤM VẬN CU BA?

Cuba vừa một lần nữa khẳng định thiện chí muốn bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đã áp dụng đối với quốc đảo này hơn nửa thế kỷ qua.

Tuy nhiên, nhà phân tích chính trị gốc Cuba Arturo Lopez Levy, chuyên gia về chính sách của Mỹ đối với Cuba và khu vực Mỹ Latinh, cho rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba vẫn chưa thể được cải thiện trong thời gian tới cho dù cả hai bên đều có những động thái muốn hướng quan hệ song phương theo một chiều hướng tích cực hơn.
Ba năm quan hệ vừa qua của Chính quyền Obama với Cuba cho thấy một kết quả tích cực. Việc tăng cường các cuộc thăm viếng trên các lĩnh vực văn hóa, thăm thân, nhân đạo và tôn giáo của người Mỹ tới Cuba đã thúc đẩy những cải cách hiện nay trên quốc đảo này. Nó cũng giúp cải thiện hình ảnh của nước Mỹ trên thế giới, đồng thời củng cố xu hướng chính trị ở Mỹ ủng hộ một chiến lược tiếp xúc ít phụ thuộc vào phái hữu ở Miami và gần gũi hơn với các giá trị dân chủ và các lợi ích về an ninh và kinh tế của Mỹ.

Biếm họa lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba.
Tuy nhiên, bước tiến đó lúc này đang bị hạn chế bởi những áp lực từ kế hoạch vận động tranh cử của ông chủ Nhà Trắng hiện nay. Vì tầm quan trọng của việc phải giành phiếu ở khu vực phía nam bang Florida (giáp Cuba) đối với Tổng thống Obama, không ai kỳ vọng vào những thay đổi mạnh mẽ trong chính sách của Nhà Trắng đối với Cuba khi không có sự xuất hiện của một cuộc khủng hoảng nào. Trong khi Tổng thống không thấy có lợi gì trong việc đảo ngược thái độ mềm dẻo đã áp dụng, thì cũng không có lợi ích tài chính hay bầu cử nào khiến ông phải mạo hiểm đi tiếp những bước căn bản xích lại gần Cuba trước khi cuộc bầu cử bắt đầu.
Một vấn đề ít có khả năng đạt được tiến bộ trong thời gian trước mắt, đó là cuộc đàm phán về cử chỉ nhân đạo có đi có lại của hai bên trong việc phía Cuba trả tự do cho nhân viên hợp đồng của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Alan Gross và phía Mỹ thả 5 người Cuba bị bắt ở Florida năm 1998. Washington và La Habana không thống nhất với nhau trong quan niệm về nguyên tắc “có đi có lại”. Theo phía Cuba thì “có đi có lại” có nghĩa là “cử chỉ được đáp lại bằng cử chỉ”. La Habana sẵn sàng thả ông Gross, một công dân Mỹ đã vi phạm luật pháp Cuba trong khi phục vụ cho Chính phủ Mỹ và cho rằng Washington sẽ đáp lại bằng một cử chỉ nhân đạo đích thực và sẽ trả tự do cho 5 người Cuba đã phục vụ cho Chính phủ Cuba ở Florida.
Vấn đề là hiện nay cả Washington lẫn La Habana đều không sẵn sàng đánh đổi những đòi hỏi tối thiểu của họ để có được mối quan hệ song phương không còn bị chi phối bởi gánh nặng của 50 năm xung đột. Đối với Cuba, một quyết định ân xá theo lệnh của Tổng thống cho 5 công dân của họ không phải là điều kiện tiên quyết để thương lượng những vấn đề khác, nhưng đó là một cử chỉ nhân đạo cơ bản trên con đường bình thường hóa quan hệ. Đối với Nhà Trắng, một lệnh ân xá như vậy, và mối quan hệ với Cuba nảy sinh từ đó, là điều không thể tưởng tượng được nếu xét theo những tính toán dựa trên tình hình cuộc bầu cử hiện nay. Có rất ít hy vọng về một sự thay đổi trong lập trường của cả hai bên trước tháng 11/2012.
Rõ ràng là tình hình đang rất bế tắc bởi vì có rất ít sự khích lệ về chính trị trong việc giải quyết một cách độc lập vụ Gross hay sự kiện 5 thanh niên Cuba khỏi bối cảnh của mối quan hệ song phương. Điều tệ hại hơn là không có gì bảo đảm rằng những bất đồng đó có thể dễ giải quyết hơn sau tháng 11/2012, đặc biệt là nếu Đảng Cộng hòa giành thắng lợi.
Mặc dù vậy, vẫn có cơ may cho sự tiến triển. Những tuyên bố mới đây của Tổng thống Obama có thể cho thấy chiều hướng tích cực. Theo ông Obama “rất khó có thể tách rời vấn đề tự do với một số cải cách kinh tế”. Xuất phát từ tiền đề đó, Obama đánh giá các cải cách kinh tế hiện nay tại Cuba như là khởi nguồn dẫn tới tự do. Điều mà ông Obama yêu cầu đang xuất hiện tại Cuba. Đối với Mỹ, thành phần tư nhân là nguồn của tự do; đối với Cuba, nó là công cụ để phát triển, là một phần của mô hình kinh tế mới.
(Theo Năng lượng mới) L.Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét