Tai nạn giao thông là thảm họa ngang với… sóng thần
11.929 người chết, 9.290 người bị thương mỗi năm vì tai nạn giao thông. So sánh với thảm hoạ sóng thần tại Nhật Bản, số người chết bằng 75%, số người bị thương bằng 156%” – Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận, đây là thảm họa, là quốc nạn cần kiên quyết giảm thiểu.
Các con số được Bộ trưởng GTVT đưa ra trong báo cáo về tình hình và các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tai nạn giao thông trong cả nước và ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn gửi tới Quốc hội.
Quốc nạn tai nạn giao thông
Bộ trưởng Đinh La Thăng nêu rõ thực trạng, tai nạn giao thông trong cả nước thời gian vừa qua diễn biến rất phức tạp, số vụ tai nạn giao thông và số người chết do tai nạn vẫn ở mức rất cao. Diễn biến tai nạn giao thông trong bốn năm trở lại đây (2007-2011), việc giảm thiểu tai nạn chưa ổn định. Năm 2008 tai nạn có tỷ lệ giảm khá mạnh nhưng đến 2009, 2010 chỉ “nhúc nhích” không đáng kể.
10 tháng đầu năm 2011, toàn quốc đã xảy ra 11.036 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.265 người, bị thương 8.379 người. Theo số liệu thống kê trên, bình quân ở nước ta mỗi năm có 11.929 người chết và 9.290 người bị thương do tai nạn giao thông gây ra.
“Nếu so sánh với đại thảm hoạ kép sóng thần và động đất xảy ra tại Nhật Bản ngày 11/3/2011 vừa qua, số người chết vì tai nạn giao thông một năm bằng 75,55% (số người chết do thảm họa sóng thần là 15.790 người), số người bị thương vì tai nạn giao thông bằng 156,58% (số người bị thương do thảm họa sóng thần là 5.933 người)” – Bộ trưởng Đinh La Thăng làm phép tính.
Ông Thăng nghiêm khắc đánh giá, thiệt hại về người và tài sản do tai nạn giao thông gây ra đang là một thảm hoạ và có thể coi là quốc nạn cần kiên quyết giảm thiểu.
Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra. Trong đó, người đứng đầu ngành GTVT thừa nhận nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông của các cấp còn nhiều thiếu sót; ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông còn rất kém.
Cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư không đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của xã hội. Số phương tiện giao thông tăng nhanh. Hiện cả nước có hơn 1,8 triệu xe ô tô, 33,6 triệu xe máy, so với năm 2003, số ô tô đã tăng gấp 2,75 lần, xe máy tăng gấp 2,96 lần.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, sát hạch lái xe ở một số nơi chưa thật sự nghiêm túc dẫn đến một số lái xe chưa thành thạo điều khiển phương tiện đã tham gia giao thông, gây mất an toàn giao thông. Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của một bộ phận cán bộ chưa quyết liệt, không đảm bảo tinh răn đe, nhiều nơi còn xảy ra tiêu cực, thiếu nghiêm minh khi xử lý vi phạm.
Một nguyên nhân khác cũng được kể đến là chế tài xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông còn chưa đủ mạnh, thiếu sức răn đe dẫn đến tình trạng nhờn luật, thiếu tự giác, cố tình vi phạm pháp luật.
Ông Thăng đưa ra mục tiêu giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông hàng năm trong nhiệm kỳ Bộ trưởng của mình.
3 hướng "giải" ùn tắc tại Hà Nội, TPHCM
Ùn tắc gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho 2 thành phố lớn nhất cả nước.
Về “vấn nạn” ùn tắc, báo cáo của Bộ trưởng Thăng cho biết, tại Hà Nội, hầu hết các nút giao thông khu vực nội thành và đường vào trung tâm thành phố đều vượt quá khả năng thông xe. Năm 2010 có đến 124 nút giao thông thường xuyên xảy ra ùn tắc. Cùng năm, tại TPHCM, xảy ra tới 54 vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút.
Tình trạng ùn tắc tại 2 thành phố đang tiếp tục diễn biến theo chiều hướng gia tăng ngày càng trầm trọng và gây bức xúc cho người tham gia giao thông.
Nguyên nhân hàng đầu gây ùn tắc cũng được nhìn nhận ở góc độ hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế. Tổ chức giao thông chưa khoa học, còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực trạng của hạ tầng giao thông đô thị.
Việc chậm di dời các trường đại học, bệnh viện, trụ sở cơ quan hành chính ra khỏi trung tâm thành phố, thậm chí còn tiếp tục cho phép mở rộng các cơ sở này cũng là áp lực lớn với giao thông.
Tỷ lệ tăng dân số bình quân ở Hà Nội là 2%, TPHCM 3,5% kèm theo tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân ngày càng cao là một trong các nguyên nhân tác động trực tiếp đến tình hình ùn tắc. Hiện nay, Hà Nội có tổng số 4,2 triệu phương tiện (380 nghìn ô tô, 3,8 triệu xe máy). TPHCM có 5,3 triệu phương tiện (476 nghìn ô tô, 4,9 triệu xe máy).
Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông còn quá thấp (hiện tại chỉ chiếm khoảng 6 - 7% diện tích đất đô thị). Các nút giao trên các trực tuyến hướng tâm chủ yếu là đồng mức, gây xung đột dòng phương tiện lưu thông. Trong khi đó, phương tiện vận tải công cộng bằng xe buýt chưa phát triển tương xứng với nhu cầu đi lại của người dân…
3 giải pháp được Bộ trưởng GTVT nhấn mạnh như lời giải cho bài toán chống ùn tắc từ năm sau (2012). Phương án đầu tiên là bố trí lệch giờ học, giờ làm.
Nội dung thứ 2 là tổ chức lại giao thông: tăng cường các tuyến phố phân làn giao thông một chiều, phân tách làn phương tiện, bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt, giảm xung đột tại các ngã tư thông qua việc xây dựng các cầu vượt lắp ghép dành cho phương tiện tải trọng nhẹ dưới 3 tấn, xe máy ở một số nút giao thông chính của thành phố. Cấm xe taxi, xe ô tô cá nhân lưu thông giờ cao điểm.
Giải pháp khác được trông đợi là quy hoạch và bổ sung quy hoạch phát triển mạnh mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
(Dân trí) P.Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét