Nỏ thần không chỉ là truyền thuyết
Cập
nhật lúc 14:41
Thử nghiệm thành công nỏ thần bắn một phát 9 mũi tên, kỹ sư Vũ
Đình Thanh liền chế chiếc nỏ bắn 30, thậm chí 300 mũi tên. Nhà sáng chế này đang
nỗ lực chứng minh chuyện nỏ thần An Dương Vương không chỉ là truyền thuyết.
So sánh nguyên lý
của nỏ thần với công nghệ vũ khí hiện đại. Ảnh: NVCC
Nguyên lý tên lửa container
Kỹ sư vũ khí Vũ Đình Thanh làm việc cho tập đoàn Almaz Antey (nổi
tiếng với tên lửa phòng không S300, S500) chính là người được cấp bằng sáng
chế nỏ thần cuối năm 2019. Cơ duyên đưa anh đến với nghiên cứu này khá tình
cờ. Năm ngoái khi phối hợp với phía quân đội, anh nhận được câu hỏi nỏ thần
bắn thế nào.
Trước đó anh có bài phân tích rằng chính vua Quang Trung phát
hiện ra phốt pho và sử dụng vũ khí có chứa phốt pho để chiến thắng quân
Thanh. Câu hỏi về nỏ thần thúc đẩy Vũ Đình Thanh bắt tay nghiên cứu, chỉ vài ngày
anh sáng chế thành công chiếc nỏ bắn được 9 mũi tên một lúc.
Kỹ sư Vũ Đình Thanh
tiếp tục nghiên cứu chế tạo nỏ thần bắn nhiều mũi tên hơn nữa
Đầu tháng 8 vừa rồi, Vũ Đình Thanh trình diễn cho các nhà khoa
học quân sự cùng một số nhà sử học, khảo cổ học xem nguyên lý hoạt động của nỏ
thần. “Tôi lập tức nghĩ đến nguyên lý container (kazetova bomba, tên lửa
nhiều đầu nổ như trong tên lửa hạt nhân) vì bắn nhiều mũi tên một lúc đúng
như nguyên lý container rải nhiều bom con hay bắn nhiều đầu đạn cùng lúc”,
Thanh nói. Anh giải thích, nguyên lý container là nguyên lý thông dụng trong
quân sự, nên các chuyên gia quân sự không khó để đồng thuận với anh.
Rất nhiều người trên thế giới từng thử làm nỏ bắn một lúc nhiều
mũi tên nhưng thất bại, là do họ chưa tìm ra nguyên lý hoạt động của chiếc nỏ
thần này. Ban đầu, anh Thanh định bó các mũi tên thành một mũi tên to bắn đi,
trong khi bay đốt cháy lạt buộc thì bó tên tỏa ra, các mũi tên đồng thời tỏa
đi. Thế nhưng khi tận mắt thấy mũi tên đồng Cổ Loa trong Bảo tàng Lịch sử
Quốc gia, anh nhận ra mũi tên Cổ Loa không có dấu hiệu gì gắn với vật khác,
nên không thể áp dụng nguyên lý thông thường.
Ghi chép của PGS.TS Lê Đình Sỹ, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch
sử Quân sự Việt Nam nêu sự kiện rước nỏ thần bằng giấy ở Cổ Loa thời trước Cách
mạng Tháng Tám - giữa thân nỏ để một cái ngáng bằng gỗ, trên thân dùi nhiều
lỗ, mỗi lỗ để một mũi tên. Nhận thức được điều này, anh Thanh khẳng định
nguyên lý của nỏ thần An Dương Vương hoàn toàn khác biệt thời nay, chính là
giải pháp vô cùng thông minh của ông cha ta thời xưa: mũi tên nhỏ được tách
rời khỏi ống tên tương tự như mũi tên tổng thể được cắt đi toàn bộ phần thân
khi bay ra khỏi nỏ, chỉ còn lại mỗi đầu bay, vì vậy lực cản không khí cũng
nhỏ đi giúp cho mũi tên bay cực xa. Nguyên lý này chứng minh được chuyện mũi
tên Cổ Loa dù chỉ ngắn 11cm nhưng có thể bay xa tới tận 2-3km.
Nỏ thần là của người Việt
Nhà phát minh Vũ Đình Thanh đổ tâm huyết nghiên cứu và phục dựng
nỏ thần An Dương Vương nhằm khẳng định phát minh xa xưa này là của người Việt.
Việc anh đăng ký sáng chế về chiếc nỏ thần chỉ nhằm khẳng định nguyên lý nỏ
thần là thuộc về người Việt Nam, một lần nữa khẳng định “sổ đỏ” của thời đại
An Dương Vương.
Anh Thanh phân tích: Các mũi tên Cổ Loa hiện trưng bày khiến các chuyên
gia chế tạo các loại vũ khí tối tân như S300, S500 cũng phải ngạc nhiên. Các
mũi tên anh đặt làm chưa đạt tới trình độ cao như mũi tên đồng Cổ Loa đào
được trong quá trình khảo cổ học. Theo đó mũi tên Cổ Loa có trọng tâm dồn về
phía trước, mũi tên ba cạnh và nhỏ dần đều về phía đuôi. Ba cạnh đầu mũi tên
không đều nhau, hơi cong một chút có cấu trúc như một chiếc đinh vít. Chính
vì thế khi bay mũi tên quay tròn quanh trục của nó giúp mũi tên ổn định, bay
xa và có độ sát thương cao hơn.
“Khắp thế giới chỉ có nỏ thần An Dương Vương bắn được nhiều mũi
tên một lúc, đó là niềm tự hào của người Việt. Một đỉnh cao công nghệ của nỏ thần
An Dương Vương là thiết kế cấu trúc cánh nỏ, ống tên, mũi tên, dây nỏ và đặc
biệt là thanh hãm để các mũi tên rời khỏi nỏ có năng lượng cao nhất và hướng
thẳng về kẻ thù”, Vũ Đình Thanh phân tích. Anh nhấn mạnh, trên thế giới cung
nỏ bắn theo nguyên lý lực của dây nỏ tác dụng vào mũi tên, bắn mũi tên đi khi
mà vận tốc mũi tên bằng không. Chỉ riêng tại Việt Nam với nguyên lý nỏ thần
An Dương Vương thì mũi tên bắn đi khi đã có sẵn vận tốc cực đại bằng cách
tách các mũi tên khỏi một vật đã chuyển động sẵn là ống tên.
“Tôi vốn chỉ quan tâm tới kỹ thuật khi chế tạo nỏ thần An Dương Vương.
Thế nhưng tại hội thảo mới đây tôi mới hay biết có một số cuốn sách từ phía
Trung Quốc tuyên bố sai trái rằng thời đại An Dương Vương không tồn tại,
không có chuyện nỏ thần bắn được nhiều mũi tên một lúc. Chính vì thế, việc
tôi thử nghiệm thành công chiếc nỏ bắn nhiều mũi tên một lúc chính là bằng
chứng không thể chối cãi rằng nỏ thần có thật. Từ đó làm sáng tỏ hơn: Triều
đại của An Dương Vương là có thật, thời đại Hùng Vương là có thật”, Vũ Đình
Thanh nói.
Kỹ sư Vũ Đình Thanh tặng chiếc nỏ bắn 9 mũi tên lại cho Bảo tàng
Cổ Loa để trưng bày, kèm với bản thuyết trình chi tiết để giải thích nguyên lý
hoạt động của nỏ thần. “Hiện tôi bắt tay làm cây nỏ bắn 30 mũi tên xa 1.000m.
Nếu điều kiện cho phép, tôi tin chúng ta hoàn toàn có thể làm ra nỏ bắn 100,
300 mũi tên được. Tôi đang đưa phương trình tính toán để chế tạo cây nỏ bắn
330 mũi tên xa 690 m đúng như cây nỏ mà sử sách chép lại về thời An Dương
Vương”, anh Thanh nói.
Vũ Đình Thanh từng đỗ thứ nhì Học viện Kỹ thuật Quân sự (khóa 19
năm 1984), được Nhà nước cử du học ở Học viện Kỹ thuật Quân sự Tiệp Khắc. Sau
khi tốt nghiệp đầu những năm 1990, anh chuyên nghiên cứu, phát triển, sản
xuất vũ khí cho các tập đoàn vũ khí châu Âu trong đó có nhiều phát minh trong
lĩnh vực tên lửa.
Huyền thoại và lịch sử
Tại hội thảo đầu tháng 8, các nhà khoa học quân sự và sử học,
khảo cổ học đều ghi nhận sáng chế của Vũ Đình Thanh. PGS.TS Tống Trung Tín,
Chủ tịch Hội Khảo cổ học cho rằng qua cuộc trình diễn này càng chứng minh nỏ
Liên Châu (nỏ thần An Dương Vương) là có thật. “Thực tế chúng ta tìm ra lò
đúc, khuôn đúc, kho mũi tên. Ở thành Cổ Loa, chúng ta còn tìm thấy hệ thống
lò đúc liên hoàn, nó không chỉ đúc tên đồng mà đúc vũ khí của An Dương Vương.
Và tìm thấy khuôn đúc lao đồng nhưng chưa tìm được chiếc nỏ nào bắn được chục
hay trăm phát một lúc. Do đó nếu giải mã xong nỏ thần bắn thế nào thì câu
chuyện nỏ thần sẽ trở nên sinh động”, PGS.TS Tống Trung Tín nói.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử
Việt Nam lưu ý, chuyện nỏ thần An Dương Vương được chép lại từ lâu, từ thế kỷ
thứ 4 sử Trung Quốc cũng ghi rõ, chỉ có điều đôi khi được thần thánh hóa hơn.
Từ bộ Việt sử lược thời Trần cũng ghi rõ câu chuyện này, nhưng ngày càng được
bồi đắp thêm nhiều chi tiết huyền thoại hóa dẫn tới việc làm lu mờ yếu tố
lịch sử.
“Gần đây chúng ta phát hiện mũi tên đồng, kho đúc mũi tên đồng
tại khu vực Cổ Loa. Nếu nguyên lý của kỹ sư Vũ Đình Thanh nghiên cứu hợp lý và
nỏ có thể bắn thì rõ ràng càng chứng minh chuyện nỏ thần là thật, An Dương
Vương có thật, nước Âu Lạc có thật và thời đại Hùng Vương là có thật. Đó là
câu chuyện lớn của lịch sử Việt Nam”, GS. TS Nguyễn Quang Ngọc nói.
GS Nguyễn Quang Ngọc lưu ý, chuyện dựng nỏ thần thời nay không
phải vấn đề lớn, tuy nhiên cần đặt vào bối cảnh cách nay 2.300 năm. Ông cho rằng,
để có cái nhìn đa chiều và đa diện hơn về việc phục dựng lại nỏ Liên Châu
thời An Dương Vương, các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu liên ngành như
sử học, khảo cổ học, dân tộc học, kỹ thuật quân sự. Năm ngoái, các nhà khoa
học đầu ngành tổ chức hội thảo lớn để làm rõ về thời đại Hùng Vương, thông
qua các bằng chứng về lịch sử, khảo cổ học, dân tộc học...
(Theo Tiền
Phong) Nguyên Khánh
|
Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2020
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét